Đặt người dân, doanh nghiệp vào trung tâm cải cách hành chính
Tại phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ: “Phải có cảm xúc với tình hình, với những gì mà người dân và doanh nghiệp đang vướng mắc, để làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao nhất”. Tinh thần ấy từ lâu cũng đã ngấm sâu trong hoạt động CCHC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tăng cường các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số nhằm gia tăng trải nghiệm cho người dân. |
Với vị thế một ngành kinh tế, tài chính trọng yếu, huyết mạch của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tục hiện đại hóa, số hóa, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng, bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán và phù hợp thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước,…
Tiên phong chuyển đổi số
Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia hướng đến chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong những bộ, ngành tiên phong ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 810/QĐ-NHNN) với quan điểm lấy người dân làm trung tâm và tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu quả chuyển đổi số.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng là một trong các bộ, ngành đầu tiên thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số (năm 2021) và công bố lựa chọn ngày 11/5 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng nhằm lan tỏa tinh thần, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về vai trò, lợi ích của chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.
Hạ tầng chuyển đổi số luôn được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quan tâm đầu tư. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử,… thường xuyên được nâng cấp về năng lực xử lý, bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt và an toàn, đáp ứng nhu cầu thanh toán điện tử toàn quốc. Hơn thế, ngành ngân hàng đặt mục tiêu xây dựng hệ sinh thái tích hợp toàn bộ hệ thống, hướng tới kết nối liên thông toàn bộ bộ, ngành và xa hơn là mở rộng ra các nước trong khu vực.
Với sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hệ thống các tổ chức tín dụng đã tích cực đầu tư và phát triển các mô hình, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số tiên tiến vào các hoạt động ngân hàng, cung ứng các sản phẩm dịch vụ an toàn, tiện ích nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. Tại nhiều ngân hàng Việt Nam đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% số lượt giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số.
Đây chính là nền tảng để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trở thành một thành phần quan trọng cho hành trình thực hiện chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, dẫn dắt thúc đẩy cải cách hoạt động hành chính của các cơ quan công quyền, cải thiện môi trường đầu tư cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và người dân.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, vừa thực hiện chức năng cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, vừa thực hiện chức năng ngân hàng trung ương, thời gian qua, đối tượng quản lý và khối lượng công việc của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng trưởng ở quy mô lớn, mức độ phức tạp trong công tác quản lý nhà nước cũng tăng lên.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một trong những nội dung trọng tâm và là chìa khóa quyết định thành công của cải cách cũng như công cuộc hiện đại hóa, số hóa, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của ngân hàng trung ương.
Để xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, thực thi các nhiệm vụ then chốt của ngân hàng, tiến tới trở thành một ngân hàng trung ương tiên tiến, hiện đại trong khu vực và trên thế giới, ngay từ năm 2004, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng đề án “Đào tạo chuyên gia” cho từng giai đoạn. Năm 2008, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan đầu tiên tiến hành nghiên cứu, xây dựng và ban hành “Sơ đồ vị trí việc làm và bản mô tả công việc”.
Từ năm 2008 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung tuyển dụng cán bộ phù hợp vị trí công việc, theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, theo quy định chung nhưng số lượng biên chế ngày càng ít đi, đòi hỏi chất lượng cán bộ ngày càng cao…
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quan tâm, đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sang giữ chức vụ chủ chốt tại ngân hàng thương mại nhà nước và điều động một số cán bộ lãnh đạo có trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn tại các ngân hàng thương mại nhà nước về giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, tham mưu tại một số đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đồng thời, tích cực huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ quốc tế thông qua các chương trình, dự án hợp tác quốc tế với Nhật Bản, Đức, Thụy Sĩ,… để hội tụ các chuyên gia nước ngoài có hiểu biết sâu rộng và có kinh nghiệm thực tiễn giảng dạy, tư vấn nội dung chuyên môn, nghiệp vụ mới, mang tính chuyên sâu, nâng cao đáp ứng kịp thời yêu cầu năng lực chuyên môn của các đơn vị.
Những nỗ lực, hành động cải cách thiết thực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã được Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận, đánh giá cao. Năm 2022 là năm thứ 7 liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính – PAR INDEX. Hiệu quả từ những CCHC cũng đã phản ánh rõ nét trong nền kinh tế với việc trong giai đoạn dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cùng toàn ngành giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa yêu cầu giảm lãi suất, mở rộng tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế và yêu cầu kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định vĩ mô.
Năm 2024, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; nền kinh tế trong nước tiếp tục chịu tác động “tiêu cực kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế, bất cập bên trong;… Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh CCHC với ba đột phá.
Thứ nhất, sẽ tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng, bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán và phù hợp thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho các tổ chức tín dụng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài; thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người có đức, có tài vào làm việc, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.
Thứ ba, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ, hình thành môi trường, cách thức vận hành công việc trong hệ thống dựa trên dữ liệu và công nghệ số, đáp ứng định hướng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, bảo đảm sự phát triển bền vững, gắn với xu thế phát triển của ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()