Đặt lời mới cho then cổ góp phần phát huy di sản then
– Dựa trên chất liệu then cổ Lạng Sơn, các nhạc sỹ, nghệ nhân trên địa bàn tỉnh đã đặt lời mới cho then (hay còn gọi là then mới). Nhiều năm qua, với sự phát triển phong phú của then mới, hát then được nhiều tầng lớp, lứa tuổi theo học.
Kho tàng then cổ gồm 36 chương đoạn với hơn 500 bài then dùng trong khoảng 100 nghi lễ của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Các bài then cổ đa phần đều phức tạp từ ngôn ngữ, làn điệu đến cách trình bày, khó có thể truyền dạy rộng rãi trong Nhân dân. Để có thể truyền dạy đến các tầng lớp Nhân dân nhằm gìn giữ và phát huy di sản hát then, những người nghiên cứu then, nhạc sỹ và nghệ nhân trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn các trích đoạn then cổ, làn điệu then để sưu tầm, cải biên, chỉnh lý và sắp xếp câu từ, đặt lời, tạo nên những bài then mới có chủ đề, chủ điểm.
Các hội viên Câu lạc bộ Nộc Khảm Khắc, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng biểu diễn bài then mới Sắc xuân tại địa phương (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Theo Hội Bảo tồn dân ca tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có 11 nghệ sỹ, nghệ nhân thường xuyên sáng tác, đặt lời mới cho then. Nghệ nhân ưu tú Hà Mai Ven, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc cho biết: Then cổ Lạng Sơn bao gồm các làn điệu chính như: Pây tàng, Tò mạy, Tàng lừa, Khau sluông… Dựa trên các làn điệu này, từ năm 2017 đến nay, tôi đã biên soạn, đặt lời được khoảng 50 bài then mới như Tời tời ơn Đảng (Đời đời ơn Đảng), Xứ Lạng vằn chiêng (Xứ Lạng ngày xuân)… Ngoài ra, nhân các sự kiện của đất nước, tôi cũng sáng tác các bài then theo chủ đề. Đơn cử, tháng 8/2021, tôi đã đặt lời bài then “Chung tay chống COVID-19 thành công” và truyền dạy cho 10 người. Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh đã đến ghi hình bài then và phát trong dịp 2/9 vừa qua để kịp thời lan tỏa tinh thần phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.
Thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 200 bài then mới theo làn điệu then Lạng Sơn, chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, phòng, chống tệ nạn xã hội… Các bài then mới được biên soạn, chỉnh lý với cách dùng từ dễ hiểu, theo các mức độ từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp để truyền dạy cho đa dạng đối tượng trong Nhân dân, từ lứa tuổi học sinh đến cao tuổi, từ nông dân đến diễn viên, cán bộ đều có thể học và đàn – hát then theo khả năng. Những năm qua, 90% tiết mục then biểu diễn tại các sự kiện lớn của tỉnh, huyện, xã, trên sóng phát thanh, truyền hình và các sân khấu văn nghệ trong và ngoài tỉnh đều là then mới; 10% còn lại là những tiết mục trích đoạn then cổ.
Không chỉ sử dụng tiếng dân tộc Tày, Nùng, các nhạc sỹ, nghệ nhân còn sử dụng tiếng Kinh để đặt lời cho then như các bài: Mẫu Sơn hoa đào, Xuân về trên dòng sông Kỳ Cùng, Sắc xuân…, qua đó, mở rộng đối tượng thụ hưởng và truyền dạy. Được tiếp cận then qua các bài then mới, nhiều người thuộc dân tộc Kinh, Dao, Hoa cũng đã tham gia học đàn – hát then. Hiện nay, có khoảng 10% hội viên của Hội Bảo tồn dân ca tỉnh là người dân tộc Kinh, Dao, Hoa. Bà Nguyễn Thị Lợi, hội viên Câu lạc bộ (CLB) Nộc Khảm Khắc, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng cho biết: Tôi là người dân tộc Kinh nhưng rất say mê những làn điệu then của dân tộc Tày – Nùng. Vì thế, năm 2014, tôi tham gia CLB Nộc Khảm Khắc để học đàn tính, hát then. Hiện tại, tôi có thể hát và tự tin trình diễn được 10 bài then.
Ông Hoàng Việt Bình, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh cho biết: Di sản thực hành then của người Tày – Nùng – Thái Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 13/12/2019. Trong đó, then mới là một phần trong thực hành then, đóng vai trò quan trọng trong gìn giữ, phát huy di sản hát then. Do đó, chúng tôi luôn khuyến khích các nghệ nhân, hội viên trong hội dành thời gian sưu tầm, sáng tạo để đặt lời mới cho các làn điệu then cổ, đồng thời tích cực truyền dạy then mới. Hiện nay, hội có khoảng 20 hội viên đã và đang thực hiện truyền dạy thuần thục, bài bản các bài then mới.
Có thể nói, với sự tích cực trong sáng tác và truyền dạy then mới của các nghệ sỹ, nghệ nhân mà hiện nay, các làn điệu then ngày càng vang xa. Không chỉ các diễn viên của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, các nghệ sỹ, nghệ nhân mà cả những “diễn viên không chuyên” được truyền dạy đều đã và đang cất lên tiếng hát, góp phần lan tỏa, giữ gìn, phát huy di sản hát then trên địa bàn tỉnh nói riêng và ở các địa phương khác cả trong và ngoài nước nói chung
Ý kiến ()