Ðặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân
Ðể thành công trong sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nhân có sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và kinh doanh gắn với phát triển kinh tế - xã hội chung của cộng đồng. Một trong số đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua (Ba Vì, Hà Nội) Nguyễn Mạnh Thản (trong ảnh), người được mệnh danh là chàng "Sơn Tinh" vùng núi Tản với nhiều năm liền được khen thưởng là "người tốt, việc tốt" tiêu biểu của Thủ đô. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2014), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Thản chung quanh câu chuyện về những giải pháp hiệu quả trong phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ðể thành công trong sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nhân có sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và kinh doanh gắn với phát triển kinh tế – xã hội chung của cộng đồng. Một trong số đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua (Ba Vì, Hà Nội) Nguyễn Mạnh Thản (trong ảnh), người được mệnh danh là chàng “Sơn Tinh” vùng núi Tản với nhiều năm liền được khen thưởng là “người tốt, việc tốt” tiêu biểu của Thủ đô. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 – 10-10-2014), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Thản chung quanh câu chuyện về những giải pháp hiệu quả trong phát triển sản xuất, kinh doanh.
Phóng viên (PV): Là một trong những người khởi xướng mô hình phát triển du lịch sinh thái trên cả nước. Ông có thể cho biết, điều gì khiến ông gắn bó với công việc kinh doanh này?
Ông Nguyễn Mạnh Thản: Làm du lịch với tôi như là cơ duyên vậy. Trước đây, khi còn công tác trong ngành công an, quá trình lặn lội cùng bà con dân bản, nơi vùng cao núi Ba Vì bảo vệ an ninh trật tự, tôi đã nhận ra tiềm năng khơi dậy phát triển kinh tế vùng núi huyền thoại. Từ đầu những năm 90 thế kỷ trước, khi đất nước đổi mới được ít năm, vùng rừng núi Ba Vì còn khá hoang sơ thì tôi đã có ý tưởng phát triển du lịch sinh thái, gắn với bảo vệ môi trường. Vậy là, sau khi được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty du lịch Ba Vì, rồi trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua, tôi đã từng bước bắt tay vào sản xuất kinh doanh, phát triển du lịch sinh thái quanh dãy núi Tản.
Ao Vua xưa kia là một khu thung lũng rậm rạp, hoang vu nhưng nó đã gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh từ đời Vua Hùng thứ 18 cho nên mang nhiều giá trị thiên nhiên và văn hóa. Tuy nhiên, vào những năm 90 thế kỷ trước, mô hình du lịch sinh thái còn khá mới mẻ cho nên để khơi dậy tiềm năng du lịch Ao Vua không phải dễ dàng. Vì cái mới bao giờ cũng nhiều khó khăn. Sau khi được đầu tư nhiều chục tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới nhiều công trình dịch vụ và nhận khoán với Vườn Quốc gia Ba Vì quản lý 107,5ha rừng, Ao Vua đã trở thành khu du lịch sinh thái đầu tiên của vùng Ba Vì hấp dẫn du khách và tạo việc làm ổn định cho gần 100 lao động công ty và gần 500 lao động khác của địa phương, tiêu thụ mỗi năm hàng nghìn tấn vật tư, nông sản thực phẩm của người dân…
Từ sự thành công của khu du lịch sinh thái Ao Vua, liên tiếp các khu du lịch sinh thái khác ra đời quanh núi Tản. Trong đó, trước năm 2004, Ðầm Long (Cẩm Lĩnh – Ba Vì) là khu vực đầm lầy chua, bỏ hoang hóa, với diện tích gần 100 ha, ở giữa là khu rừng nguyên sinh có diện tích 17,5 ha. Trước thực trạng như vậy, tôi đã xây dựng dự án đưa nơi đây thành khu du lịch sinh thái bảo tồn, rừng, đầm nước và cải tạo để nuôi trồng thủy sản. Sau nhiều công sức được bỏ ra, Ðầm Long đã trở thành khu du lịch sinh thái lý tưởng với rừng nguyên sinh được bảo vệ, phát triển tốt nuôi thả hàng nghìn con khỉ, hàng trăm con hươu, nai và nhiều loài động vật hoang dã khác; khu đầm được cải tạo để trồng sen, nuôi thả cá… Ngoài hai khu du lịch sinh thái Ao Vua và Ðầm Long, chúng tôi còn xây dựng khu du lịch cao cấp trên một bãi nổi giữa sông Ðà thuộc thị trấn Thanh Thủy (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ). Ðây là một bãi đất mà từ nhiều đời nay người dân chỉ sử dụng trồng ngô, đậu, lạc và chăn thả trâu bò, hiệu quả kinh tế rất thấp. Với số vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng tôi đã đưa một vùng bãi nổi giữa sông thành một “hòn ngọc xanh” dùng cho du lịch nghỉ dưỡng…
PV: Khởi đầu với những khu du lịch sinh thái nhưng nhiều người lại nhận định ông là người luôn tạo ra sự bất ngờ với những dự án “không giống ai”?
Ông Nguyễn Mạnh Thản: Ðúng là trong kinh doanh thì tìm cái khác lạ dễ dẫn đến thành công. Tôi nghĩ, mọi người muốn nhắc đến việc đầu tư dự án Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng. Nói thật, khi đưa ra ý tưởng vào đầu những năm 2000 nhiều người can ngăn, tỏ ra hoài nghi, thậm chí có người cho là “quái gở”. Tuy nhiên, xuất phát từ nhận thức đi trước đón đầu và khả năng, kinh nghiệm trong kinh doanh, sau hàng chục năm ấp ủ, suy nghĩ, tháng 10-2003 khu đồi hoang, sỏi đá của xã Phú Sơn và Vật Lại (Ba Vì) chính thức được đầu tư trở thành Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân. Ðây là một mô hình kinh doanh độc đáo đầu tiên tại Việt Nam bởi có những đặc điểm riêng, tiết kiệm đất, giữ môi trường bền vững, góp phần phát triển kinh tế – xã hội vùng. Năm 2010, khi mà Nghị quyết của HÐND thành phố Hà Nội về việc đóng cửa nghĩa trang Văn Ðiển đã gần đến hạn chót vẫn chưa tìm được nơi nào thay thế cho nghĩa trang Văn Ðiển. Tôi lại xin thành phố cho mở rộng Dự án Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, đưa vào thay thế cho việc chôn cất tại nghĩa trang Văn Ðiển.
Ngoài ra, từ mấy chục năm nay cả Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận chỉ có một cơ sở hỏa táng tại nghĩa trang Văn Ðiển. Thành phố Hà Nội lập quy hoạch rất nhiều cơ sở hỏa táng trên địa bàn để giảm tải cho Ðài hóa thân Hoàn vũ, nhưng đến nay vẫn chưa có nơi nào xây dựng được, mọi quy hoạch, mọi dự án vẫn chỉ là con số không. Ðứng trước tình hình đó, chúng tôi lại tiên phong thực hiện, xin đầu tư xây dựng nhà hỏa táng công suất sáu lò đốt, tổng mức đầu tư khoảng 80 tỷ đồng với hình thức xã hội hóa 100%. Dự án chuẩn bị được đưa vào sử dụng sẽ giảm áp lực đáng kể cho Ðài hóa thân Hoàn Vũ của nghĩa trang Văn Ðiển.
Mô hình Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng trở thành mô hình kinh doanh có tính nhân văn, độc đáo đầu tiên tại Việt Nam bởi có những đặc điểm riêng, tiết kiệm đất, giữ môi trường bền vững, có tính nhân văn cao trong chôn cất người quá cố, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội về môi trường và cảnh quan.
PV: Những cái mới bao giờ cũng tạo nên sự khác lạ nhưng thường gặp nhiều khó khăn. Ông giải quyết khó khăn ra sao để thành công với những ý tưởng kinh doanh độc đáo?
Ông Nguyễn Mạnh Thản: Cái gì mới, đi trước cũng vấp phải những khó khăn. Thậm chí kể cả khi đã thành công, thực hiện hiệu quả vẫn phải hứng chịu những thông tin không chính xác, không đúng sự thật; gặp phải những cản trở trong quá trình phát triển vươn lên. Tuy nhiên, chúng tôi không coi đó là vấn đề lớn lao. Vì quan trọng là trong sản xuất, kinh doanh, cần nhận định tình hình thực tế và suy đoán tương lai để từ đó mới có những ý tưởng táo bạo, đi trước đón đầu và chớp thời cơ thuận lợi. Khi đã quyết định phải nói sao làm vậy, tập trung chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, không được kéo dài thời gian, càng rút ngắn thời gian đầu tư bao nhiêu thì càng có lợi trong việc thu hồi vốn và quay vòng vốn.
Ðiều quan trọng trong kinh doanh là làm những gì luật pháp không cấm, chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật, hoàn thành nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với Nhà nước và cộng đồng. Ðồng thời phải làm tốt công tác dân vận nhằm đạt được sự đồng thuận ủng hộ từ nhân dân. Chính từ giải pháp này mà tất cả các dự án mà tôi tham gia đầu tư ở bất cứ địa bàn nào cũng đều được nhân dân nơi đó đón nhận và ủng hộ mạnh mẽ, góp phần rút ngắn thời gian triển khai thực hiện so với kế hoạch đề ra. Mặt khác, phải biết hy sinh quyền lợi trước mắt để đón nhận sự thành công về sau. Trong kinh doanh phải luôn đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân và phải biết chia sẻ quyền lợi cho tất cả những người có nghĩa vụ và trách nhiệm liên quan.
PV: Với những thành công trong việc sản xuất, kinh doanh ở khá nhiều lĩnh vực khác nhau. Vậy làm thế nào để ông vẫn bố trí thời gian tham gia các hoạt động cộng đồng, nhất là các hoạt động từ thiện?
Ông Nguyễn Mạnh Thản: Hiện, tôi đang là Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Thọ… Tất bật với việc sản xuất, kinh doanh và tham gia các hoạt động xã hội là điều không tránh khỏi. Quan trọng là xác định rõ trong sản xuất, kinh doanh không chỉ là chú trọng đến lợi nhuận mà quan trọng là góp một phần vào phát triển kinh tế – xã hội nói chung.
Vì vậy, bên cạnh việc phát triển sản xuất, kinh doanh, chúng tôi luôn tâm niệm làm tốt công tác xã hội từ thiện. Trong những năm qua, bản thân tôi luôn tích cực tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động từ thiện nhân đạo góp phần làm vơi đi nỗi đau của những người có số phận rủi ro, giảm bớt nỗi lo của những người khó khăn hoạn nạn. Hằng năm, chúng tôi đều tham gia ủng hộ các quỹ từ thiện như: Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo, Quỹ xóa đói giảm nghèo, Quỹ nạn nhân chất độc da cam, Quỹ vì trẻ em, Quỹ Khuyến học… bằng nhiều hình thức, do các cơ quan, tổ chức phát động. Chỉ tính từ năm 2008 đến 2013, số tiền từ thiện được ủng hộ lên tới hơn bảy tỷ đồng. Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, người nghèo đã được giúp đỡ, sẻ chia. Ðáng chú ý, năm 2014, ngoài những nội dung tham gia từ thiện hằng năm, Công ty cổ phần Ao Vua đã chi sáu tỷ đồng để thành lập hai ngân hàng bò. Một ngân hàng bò do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Thọ làm ban chỉ đạo, gồm 250 con bò trị giá ba tỷ đồng và một ngân hàng bò do Hội Nông dân huyện Ba Vì (Hà Nội) làm ban chỉ đạo, gồm 250 con bò trị giá ba tỷ đồng. Số tiền trên công ty giúp các hộ nghèo vay không tính lãi để phát triển chăn nuôi bò sinh sản có chu kỳ vay là 36 tháng. Hết chu kỳ lại chuyển vốn đó cho các hộ khác vay, việc làm nêu trên sẽ góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện Ba Vì và tỉnh Phú Thọ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua được tặng thưởng: – Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba (năm 2013, 2008 và 2007). – Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc (năm 2005 và 2012). – Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2011). – Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu (năm 2013). – “Tấm lòng vàng nhân đạo” ủng hộ nạn nhân chất độc da cam năm 2010 – 2011 của T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. |
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()