Đạt được tiêu chí gia đình ít con
LSO - Tiêu chí ít con (từ 1-2 con), gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc đã được Ban Bí thư (Khóa IX) đặt ra trong Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/2/2005 về “xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Trong 10 năm qua, tỉnh ta đã đạt được tiêu chí gia đình ít con, song để đạt được sự no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc thì còn một chặng đường dài...
Phụ nữ xã Lợi Bác (Lộc Bình) tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe sinh sản
“PHỔ CẬP” NHẬN THỨC VỀ KHHGĐ
Với thông điệp “Kiên trì thực hiện mục tiêu: mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con”, từ năm 2005 đến nay, hoạt động truyền thông tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh với nhiều kênh thông tin, nhiều hình thức vận động, đa dạng đối tượng vận động. Sau 10 năm, toàn tỉnh đã có 100% cán bộ đảng, chính quyền, các đoàn thể, 98% dân số thành thị, 87% dân số nông thôn có nhận thức đúng về chính sách dân số/KHHGĐ. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể như Liên đoàn Lao động tổ chức ký cam kết không sinh con thứ 3 trở lên, Hội Phụ nữ với cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”, Hội Nông dân với chương trình “Dân số và phát triển”, Tỉnh đoàn với các mô hình can thiệp tại cộng đồng… Vì vậy, tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) tăng, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm. Nếu năm 2005, tỷ lệ áp dụng các BPTT là 78%, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 12%, thì 6 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ áp dụng các BPTT là 81%, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 6,3%. Mô hình gia đình ít con đã trở nên phổ biến.
GIẢM NGHÈO VÀ TIẾP CẬN VỚI CÁC DỊCH VỤ XÃ HỘI
Thành tựu xóa đói giảm nghèo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song thực hiện tốt pháp luật về KHHGĐ đã làm cho các chính sách an sinh xã hội nhanh đi vào cuộc sống và có tính bền vững. Nếu năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo ở Lạng Sơn là 29,07%, thì năm 2014 còn 14,9%; như vậy bình quân mỗi năm đã giảm 1,5% hộ nghèo. Số thoát nghèo phần lớn là các hộ gia đình trẻ, ít con.
Trình độ học vấn được nâng lên, khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế và nhất là thông tin cũng tăng lên. Hiện đã có trên 90% số hộ dân khu vực nông thôn được tiếp cận với các thông tin về giảm nghèo. Ông Vi Văn Phù, Chủ tịch MTTQ xã Hồng Thái (Văn Lãng) nói rằng: do khó khăn về cơ sở hạ tầng, nhất là thủy lợi nên diện tích 2 vụ lúa bị thu hẹp, khiến nhiều lao động thiếu việc làm. Tuy nhiên, hầu hết các gia đình trẻ ở đây đều có cơ hội tìm việc làm qua nhiều kênh thông tin và họ đã tìm được những công việc phù hợp như làm ở các công ty trong nước, sang Lục Ngạn (Bắc Giang) thu hái vải thiều… cho thu nhập tốt. Theo thống kê của Sở Y tế, hiện nay toàn tỉnh đã có trên 96% số phụ nữ có thai được khám đủ 3 kỳ, tỷ lệ phụ nữ đẻ tại trạm y tế đạt trên 87% và có trên 98% số phụ nữ đẻ có cán bộ y tế đỡ. Thống kê của ngành GD&ĐT cũng thể hiện tỷ lệ ấn tượng về số trẻ ra lớp, số thanh, thiếu niên tốt nghiệp cấp THCS.
VẪN CÒN ĐÓ NHỮNG KHÓ KHĂN
Trong thời đại ngày nay, gia đình ít con (từ 1-2 con) là một trong những điều kiện đầu tiên để đạt được sự no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Tuy chúng ta đã có được “điều kiện đầu tiên” ấy, song no ấm, tiến bộ, hạnh phúc còn phụ thuộc vào những yếu tố khác. Để đạt được mục tiêu no ấm, nhiều gia đình trẻ đã phải đánh đổi, phải hy sinh nhiều thứ. Ở rất nhiều địa phương trong tỉnh, sự tồn tại của các gia đình trẻ hầu như chỉ là hình thức, vì thường xuyên phải chịu cảnh xa cách chồng một nơi, vợ một nơi và con gửi ông bà để đi làm ăn xa. Họ không có điều kiện chăm sóc con cái, nhất là việc học hành. Nhiều gia đình nghèo khi xây dựng gia đình cho con trai, trở thành mô hình gia đình nhỏ, song cái nghèo không hết mà lại là sự “nhân đôi”.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, Lạng Sơn đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Song để đạt được mục tiêu mà Chỉ thị nêu ra sẽ còn nhiều việc phải làm; trước hết, giải quyết tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn sẽ là bài toán nan giải nhất trong giai đoạn hiện nay.
Bài, ảnh: Trần Kim
Ý kiến ()