Ðáp ứng nhu cầu thông tin cho phát triển kinh tế - xã hội
Nhiệm kỳ 2005 - 2010, một loạt các chỉ tiêu Đại hội X của Đảng đề ra cho ngành bưu chính - viễn thông (BCVT) và công nghệ thông tin (CNTT) đã được hoàn thành, nhiều chỉ tiêu đã vượt ở mức cao. Với tỷ trọng đóng góp vào GDP hằng năm đạt khoảng 8%, ngành dịch vụ hàng đầu này tiếp tục đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.Hiện đại hóa hạ tầng thông tin quốc giaThực hiện tốt phương châm đi thẳng vào công nghệ hiện đại, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển viễn thông và in-tơ-nét nhanh trên thế giới. Hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia trong những năm qua không ngừng được hiện đại hóa, đồng bộ, công nghệ hiện đại, tốc độ và chất lượng cao, đáp ứng mọi loại hình dịch vụ. Nhờ đó, thông tin liên lạc luôn được bảo đảm thông suốt, vững chắc trong mọi tình huống...
Hiện đại hóa hạ tầng thông tin quốc gia
Thực hiện tốt phương châm đi thẳng vào công nghệ hiện đại, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển viễn thông và in-tơ-nét nhanh trên thế giới. Hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia trong những năm qua không ngừng được hiện đại hóa, đồng bộ, công nghệ hiện đại, tốc độ và chất lượng cao, đáp ứng mọi loại hình dịch vụ. Nhờ đó, thông tin liên lạc luôn được bảo đảm thông suốt, vững chắc trong mọi tình huống từ trung ương đến tất cả các tỉnh, huyện, xã trên cả nước, đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đến tất cả các nước trên thế giới.
Hạ tầng và dịch vụ BCVT, CNTT tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh mẽ theo hướng công nghệ hiện đại, tiên tiến, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Giai đoạn 2005 – 2010, mạng viễn thông và in-tơ-nét tiếp tục tăng trưởng mạnh, trung bình 40 – 45%/năm. Tổng số thuê bao điện thoại được đăng ký và đang hoạt động trên toàn mạng hiện có là 162,88 triệu thuê bao, trong đó thuê bao di động chiếm 91,2%. Mật độ điện thoại của cả nước đã đạt con số 189 máy/100 dân, vượt gấp hơn năm lần chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội X của Đảng đề ra cho ngành là đến năm 2010 đạt hơn 35 máy/100 dân. Toàn quốc có hơn 26,8 triệu người sử dụng in-tơ-nét, đạt mật độ 31,12%. Tổng số thuê bao băng rộng đạt 3,68 triệu thuê bao, đạt mật độ 4,2%.
Không chỉ phát triển mạnh về hạ tầng viễn thông, mạng lưới bưu chính cũng không ngừng được mở rộng. Đến nay, cả nước có gần 19 nghìn điểm phục vụ bưu chính, trong đó có hơn tám nghìn điểm bưu điện – văn hóa xã (BĐ – VHX) được đưa vào hoạt động để cung cấp dịch vụ BCVT cơ bản tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bán kính phục vụ bình quân được rút ngắn còn 2,43 km/điểm. Tỷ lệ số xã có báo Đảng đến trong ngày ngày càng tăng, tính trung bình cả nước, số xã có Báo Nhân Dân đến trong ngày đạt 94,3% (trong đó, số xã đặc biệt khó khăn là 91,8%). Có thể thấy, mạng lưới BCVT tiếp tục được mở rộng về vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện rút ngắn khoảng cách về thông tin, dịch vụ giữa thành thị và nông thôn. Vệ tinh Vinasat-1, vệ tinh đầu tiên của Việt Nam được phóng thành công lên quỹ đạo trái đất ngày 19-4-2008 cùng với các hệ thống cáp quang biển quốc tế đã và đang được xây dựng, đã góp phần hoàn thiện hạ tầng mạng lưới viễn thông của Việt Nam, là cầu nối truyền thông giữa Việt Nam với khu vực, đưa viễn thông Việt Nam lên tầm cao mới. Mạng bưu chính, trong đó có các điểm BĐ-VHX đã góp phần tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến nhân dân mọi vùng, miền của Tổ quốc, giữ vai trò quan trọng trong việc phổ cập dịch vụ BCVT; góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc đưa các dịch vụ BCVT cơ bản đến các vùng sâu, vùng xa.
Trên cơ sở hạ tầng mạng lưới BCVT được mở rộng, hiện đại hóa, hàng loạt các dịch vụ tiên tiến ra đời, cập nhật những công nghệ mới nhất của thế giới với nhiều tiện ích và chất lượng ngày càng cao, đem lại sự lựa chọn đa dạng cho khách hàng. Dịch vụ 3G, IPTV, HDTV… được chính thức đưa vào khai thác, giúp người dân được hưởng đầy đủ các dịch vụ tiện ích với giá cả hợp lý và chất lượng cao.
Bên cạnh đó, việc triển khai cung cấp dịch vụ viễn thông công ích và phủ sóng thông tin di động trên vùng biển, đảo cũng được đẩy mạnh. Hơn 5.000 xã thuộc vùng công ích đã được sử dụng dịch vụ viễn thông, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của quân và dân tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Mật độ điện thoại tại đây đã tăng từ 2,5 máy/100 dân năm 2006 lên 10 máy/100 dân năm 2010.
Giai đoạn 2005-2010 cũng ghi nhận lĩnh vực CNTT có nhiều chuyển biến và phát triển mạnh mẽ. Năm 2010, tổng doanh thu ngành CNTT đạt hơn 6 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 20%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội X của Đảng đề ra. Ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước và đời sống xã hội được đẩy mạnh, bước đầu đạt kết quả tốt. Nhiều cơ quan nhà nước đã chú trọng sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc, làm giảm chi phí hoạt động, tăng tốc độ xử lý thông tin. Tỷ lệ cán bộ, công chức được cung cấp hộp thư điện tử sử dụng trong công việc tương đối cao, đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đạt trung bình từ 80 đến 90%; với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tính đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện đạt tỷ lệ 39%. Nhiều cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương được tổ chức với hình thức hội nghị truyền hình trực tuyến, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian. Cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả, tạo một kênh thông tin và giao dịch mới, vừa tiện lợi vừa công khai, minh bạch.
Đến nay, 20/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có trang/cổng thông tin điện tử. Khoảng 5.700 thủ tục hành chính đã được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc website của các bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Mô hình một cửa điện tử đã được triển khai thành công ở nhiều địa phương cấp huyện, góp phần giải tỏa bức xúc của người dân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh.
Phấn đấu trở thành nước mạnh về CNTT truyền thông
Tiếp tục phát huy vai trò là một ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, ngành BCVT và CNTT đang bước vào một giai đoạn mới với đầy triển vọng. Đề án 'Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT truyền thông' đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giai đoạn 2010-2015, toàn ngành sẽ quyết tâm thực hiện thành công Đề án này. Trong đó, tập trung phát triển và hoàn thiện hạ tầng viễn thông và CNTT. Tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có, phát triển hạ tầng băng thông rộng đến các xã, phường, thôn, bản trên cả nước, phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân và công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, phấn đấu để các hộ gia đình trong toàn quốc được hưởng thụ đầy đủ các dịch vụ BCVT, in-tơ-nét, phát thanh, truyền hình, sách báo, đồng thời đáp ứng yêu cầu thông tin, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước. Nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ các thiết bị thông tin số phục vụ khả năng tiếp cận thông tin cho người cao tuổi và người khuyết tật.
Giai đoạn 2010 – 2015, mạng viễn thông băng rộng (cáp quang hoặc vô tuyến băng rộng) sẽ phủ tới 100% số xã trong cả nước; có khoảng 35-40% số hộ gia đình sử dụng in-tơ-nét băng rộng. Doanh thu toàn ngành viễn thông đạt 8 – 10% GDP. Còn bưu chính sẽ trở thành ngành kinh tế hoạt động độc lập, có hiệu quả sau năm 2013. Mức độ sử dụng dịch vụ bưu chính đạt tương đương với mức của các nước tiên tiến.
Lĩnh vực CNTT cũng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tiếp tục trở thành một ngành kinh tế quan trọng, góp phần nâng cao năng lực quản lý, sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin quốc gia, góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Công nghiệp CNTT sẽ chuyển từ lắp ráp các sản phẩm phần cứng, điện tử cho các công ty nước ngoài sang giai đoạn sản xuất linh kiện phụ tùng, phát triển công nghiệp phụ trợ, thay thế dần các chi tiết nhập khẩu, đẩy mạnh nội địa hóa sản phẩm. Phấn đấu để nước ta nằm trong số 15 nước cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số hấp dẫn nhất thế giới. Hình thành được một số sản phẩm phần mềm, nội dung số mang thương hiệu Việt Nam để thay thế sản phẩm nước ngoài tại thị trường trong nước. Nỗ lực đưa nước ta trở thành một trong những trung tâm cung cấp dịch vụ CNTT và dịch vụ trên nền CNTT hàng đầu trên thế giới. Ứng dụng CNTT tiếp tục được đẩy mạnh, phấn đấu để nước ta đứng thứ 80 trở lên trong các bảng xếp hạng của Liên hợp quốc về mức độ sẵn sàng Chính phủ điện tử tiến tới xây dựng thành công Chính phủ điện tử ở Việt Nam; 80% số doanh nghiệp và tổ chức xã hội ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh…
Với nỗ lực không mệt mỏi, toàn ngành quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước, phục vụ nhu cầu thông tin cho phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng và đời sống của nhân dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()