Đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt tại các cây ATM
Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Dù đang trong thời điểm cận kề dịp nghỉ Tết dài ngày, nhưng theo nhiều ngân hàng, nhu cầu rút tiền ATM vẫn chưa tăng cao, các trường hợp ATM trục trặc hay hết tiền cũng giảm nhiều so với các năm về trước.
Ghi nhận thực tế tại nhiều điểm đặt ATM, nhất là tại các khu công nghiệp, khu đông dân cư,… có thể thấy hoạt động rút tiền tại các ATM không căng thẳng như các năm trước.
Giảm giao dịch rút tiền mặt
Những ngày đầu tháng 1/2022, tại Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), các cây ATM của nhiều ngân hàng thưa thớt người tới giao dịch. Mọi năm, vào thời điểm này, nhiều cây ATM lúc nào cũng quá tải khi có rất đông người xếp hàng chờ tới lượt rút tiền. Trong khi đó năm nay, tình hình đã khác hẳn. Số liệu từ một số ngân hàng cho thấy, nếu như vào thời điểm dịp Tết như các năm trước, mỗi ATM được cán bộ tiếp quỹ từ 2 đến 3 lần/ngày, tổng giá trị tiếp quỹ gần 1 tỷ đồng/lần, thì năm nay, việc tiếp quỹ đã giảm gần một nửa.
Thực tế khi đánh giá về khả năng đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt tăng cao tại ATM vào dịp cuối năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã “mạnh dạn” đánh giá tình hình sẽ không căng thẳng như mọi năm. Theo lý giải từ cơ quan này, nguyên nhân thứ nhất là bởi dịch bệnh ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập của người dân khiến việc rút tiền mặt giảm bớt. Thứ hai và cũng quan trọng nhất là xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán điện tử, qua đó, giúp phân tải từ hệ thống ATM sang các hệ thống thanh toán khác: thanh toán 24/7, điểm thanh toán chấp nhận thẻ, thanh toán bằng di động,… “Chúng tôi tự tin nhu cầu rút tiền mặt sẽ không căng thẳng như mọi năm. Ngành ngân hàng sẽ đáp ứng tốt nhu cầu rút tiền mặt của người dân”-Phó Vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Lê Anh Dũng khẳng định.
Nhu cầu rút tiền mặt qua ATM thực tế cũng giảm nhiều trong năm 2021 khi mới đây, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã công bố dữ liệu cho thấy, tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống của NAPAS tiếp tục giảm mạnh từ 26% năm 2020 xuống mức 12% năm 2021. Cụ thể, theo Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành NAPAS Nguyễn Thị Hồng Quyên, năm 2021, tổng số giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS tăng trưởng 94% về số lượng giao dịch và 131% về giá trị giao dịch so với năm 2020. Cùng với giá trị giao dịch tăng mạnh, số khách hàng trong năm 2021 cũng tăng trưởng hơn 80% so với năm 2020. Đáng chú ý, giao dịch rút tiền mặt ATM xử lý qua hệ thống NAPAS trong năm 2021 lần đầu giảm -5% so với năm 2020, phản ánh sự chuyển dịch và phát triển mạnh mẽ của thanh toán không dùng tiền mặt.
Bảo đảm hoạt động thanh toán thông suốt, an toàn
Tuy nhiên, dù lượng giao dịch rút tiền mặt tại ATM giảm nhiều, song đây vẫn là nhu cầu và trong thực tế là luôn tăng cao hơn trong dịp Tết so với mọi thời điểm trong năm. Cho nên, dù đã có rất nhiều cố gắng nhưng tại ATM của một số ngân hàng vẫn có tình trạng trục trặc, ATM không “nhả” tiền hoặc được dán thông báo tạm ngưng hoạt động. Vào ngày thứ bảy vừa qua, chị Thu Hoài (Hà Nội) ghé vào một ATM đặt cạnh cổng một ngân hàng trên phố Hàng Trống để rút tiền. Tuy nhiên, sau một loạt thao tác, chỉ còn chờ tiền ra thì chị Hoài chỉ nghe thấy một tràng dài tiếng kêu xoành xoạch từ ATM và tiếp theo là thông báo “Giao dịch không thành công. Quý khách vui lòng nhận thẻ”. Vì đã từng bị “nuốt” thẻ trước đó, cho nên chị Hoài đứng chờ thêm vài phút sau khi màn hình ATM trở lại bình thường mới ra về, nhưng chỉ ít phút sau lại nhận được tin nhắn trừ tiền từ phía ngân hàng. Sau đó, chị phải gọi điện thoại đến đường dây nóng của ngân hàng báo cáo giao dịch, thực hiện một số thủ tục để làm tra soát,… và phải mất vài ngày tiền mới được trả lại tài khoản.
Thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhu cầu về mua sắm và thanh toán tăng cao, cho nên ngay khi triển khai nhiệm vụ toàn ngành năm 2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã yêu cầu các đơn vị phải tập trung đáp ứng tốt nhu cầu tiền mặt, thanh toán, tín dụng của người dân, doanh nghiệp trong dịp Tết, bảo đảm mọi hoạt động ngân hàng diễn ra an toàn, thông suốt. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngay trong những ngày đầu năm 2022 cũng có văn bản đề nghị các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác thanh toán dịp Tết Nguyên đán 2022. Theo đó, yêu cầu các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp Tết Nguyên đán năm 2022; có biện pháp phù hợp đối với ATM tại các địa bàn dự báo có khả năng xảy ra hiện tượng quá tải do nhu cầu giao dịch của khách hàng tăng đột biến như khu công nghiệp, khu chế xuất. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan như: Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán… xử lý kịp thời các yêu cầu tra soát, khiếu nại của khách hàng theo quy định. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng yêu cầu NAPAS duy trì, vận hành hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử liên tục, ổn định, xuyên suốt trong mọi điều kiện. Hiện nay NAPAS có thể thực hiện được khối lượng giao dịch rất lớn, mỗi ngày có thể lên tới 7 triệu giao dịch chuyển mạch mà vẫn bảo đảm an toàn.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, hoạt động thanh toán trong nền kinh tế được diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt; các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng tương đối tốt. Theo đó chỉ trong 10 tháng năm 2021, giao dịch qua máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng để thanh toán hóa đơn dịch vụ (POS) tăng tương ứng 14,25% và 12,6% về số lượng và giá trị giao dịch so cùng kỳ; qua kênh internet tăng tương ứng 49,39% và 29,14%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 72,67% và 85,09%; thanh toán qua mã phản ứng nhanh QR code tăng tương ứng 54,24% và 120,64% với hơn 90 nghìn điểm chấp nhận thanh toán qua QR code… Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn luôn coi trọng và xác định quản lý tiền mặt là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong quản lý, điều hành. “Việc bảo đảm an toàn kho quỹ trong hệ thống ngân hàng được Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định đã được ban hành. Ngân hàng Nhà nước cũng bảo đảm cung ứng đủ lượng tiền mặt cho nền kinh tế cả về cơ cấu, số lượng, thời gian, tính chất phục vụ cho người dân, thông qua máy ATM để người dân rút tiền. Ngoài ra cũng có những biện pháp cần thiết khi ATM dịp cuối năm thường quá tải, Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp chỉ đạo các tổ chức tín dụng có những hình thức đáp ứng thuận lợi cho người dân, có thể rút tiền ở nhiều nơi chứ không chỉ ở nơi làm việc hoặc doanh nghiệp đang làm việc”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu rõ.
Ý kiến ()