Ðáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán
Ðoàn công tác liên ngành của TP Hà Nội kiểm tra việc cung ứng hàng hóa tại các siêu thị trên địa bàn.
Ngay từ tháng 9-2019, Sở Công thương Hà Nội đã xây dựng, ban hành và triển khai các văn bản gửi các quận, huyện, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về công tác chuẩn bị phục vụ thị trường Tết 2020. Bên cạnh việc sản xuất, dự trữ lượng hàng hóa khoảng 31.200 tỷ đồng, tăng 10% so với kế hoạch năm 2019, ngành công thương Thủ đô còn xây dựng các phương án tổ chức kinh doanh, bảo đảm mọi người dân đều có thể tiếp cận nguồn hàng Tết với chất lượng, giá ổn định.
Thành phố sẽ tổ chức các điểm bán hàng, phiên chợ Việt, chuyến bán hàng lưu động, các hội chợ, chương trình khuyến mại phục vụ nhân dân. Trong đó, Chương trình Bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của thành phố sẽ tổ chức bán hàng bình ổn tại hơn 11 nghìn điểm. Từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, thành phố dự kiến tổ chức hai hội chợ, hơn 100 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhân dân. Sở Công thương phối hợp các quận, huyện, thị xã rà soát được 51 địa điểm tổ chức chợ hoa Xuân phục vụ Tết và đang phối hợp các sở, ngành giao thông vận tải, công an thành phố thống nhất trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt. Thành phố hỗ trợ, tạo điều kiện cấp phép cho 66 xe chở hàng hóa thiết yếu, xăng dầu hoạt động 24 giờ trong khu vực nội thành để bảo đảm lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân.
Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch về hàng hóa, tăng cường sử dụng tối đa công suất hệ thống mạng lưới bán hàng dịp Tết, tổ chức các chương trình khuyến mại, hậu mãi, bố trí, sắp xếp hàng hóa phù hợp, ngăn nắp, bảo đảm văn minh thương mại, trong đó chú trọng các nhóm hàng thiết yếu phục vụ Tết. Bố trí, tăng cường quầy thanh toán, tăng cường cán bộ, nhân viên phục vụ, hướng dẫn khách đến mua hàng, tránh tình trạng ùn tắc khi mua sắm, thanh toán, nhất là trong những ngày giáp Tết khi sức mua tăng cao. Qua tổng hợp báo cáo của doanh nghiệp, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2020, tại các điểm bán hàng, doanh nghiệp sẽ tăng thêm từ ba đến năm quầy thanh toán, từ 10% đến 30% số nhân viên thời vụ; sử dụng đa dạng hình thức thanh toán như tiền mặt, thẻ ngân hàng, phiếu mua hàng, ví điện tử… để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân mua sắm hàng hóa.
Thành phố sẽ tổ chức Hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm Tết Canh Tý trong tháng 1-2020 với quy mô dự kiến khoảng 250 đến 300 gian hàng tiêu chuẩn. Tại đây sẽ bố trí sắp xếp khu vực cho các doanh nghiệp, các quận, huyện, thị xã và mời các tỉnh, thành phố cả nước tham dự, để đưa sản phẩm, nông sản, thực phẩm đáp ứng nguồn cung, đồng thời góp phần thay thế sản phẩm thịt lợn đang bị thiếu nguồn cung do dịch tả lợn châu Phi.
Thành phố đề nghị các doanh nghiệp xăng dầu, trung tâm thương mại, siêu thị, các doanh nghiệp bình ổn giá đăng ký các điểm tổ chức bán hàng phục vụ nhân dân trước, trong và sau Tết. Trong đó, khuyến khích các điểm bán mở cửa đến hết ngày 30 Tết và các điểm bán mở cửa bán hàng trở lại trong các ngày mồng 1, mồng 2, mồng 3 tháng Giêng. Tính đến ngày 15-11-2019, các doanh nghiệp đã đăng ký 181 điểm bán hàng mở cửa sau Tết và hơn 800 điểm mở cửa từ ngày mồng 4 để phục vụ nhân dân.
Trước diễn biến phức tạp của thị trường trong dịp Tết, thành phố Hà Nội đã giao các sở, ngành, quận, huyện, thị xã thường xuyên theo dõi sát thị trường, nắm bắt thông tin về giá cả, hàng hóa, sức mua tại các khu vực trên địa bàn, để chỉ đạo doanh nghiệp điều tiết đưa hàng về các khu vực thiếu hàng phục vụ nhân dân. Sở Tài chính phối hợp Sở Công thương theo dõi tổng hợp tình hình cung cầu, giá cả thị trường hàng phục vụ Tết, nhất là giá mặt hàng thịt lợn, kịp thời báo cáo và tham mưu cho UBND thành phố các giải pháp tài chính để kiểm soát giá theo thẩm quyền quản lý và sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả.
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở Công thương sẽ chủ trì, phối hợp ngành chức năng theo dõi, kiểm tra hàng loạt đơn vị sản xuất, kinh doanh để nắm bắt nguồn cung cấp hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu và mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết. Tổng hợp tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp về lượng hàng hóa kinh doanh, giá cả, tình hình cung cầu thị trường trong dịp Tết để kịp thời có giải pháp điều tiết, ổn định thị trường khi xảy ra biến động, bảo đảm phục vụ tốt nhất hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm hàng hóa.
Theo Nhandan
Ý kiến ()