Đáp ứng nhu cầu điện phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Vượt qua những thách thức lớn với những biến động phức tạp của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới và trong nước; cung ứng điện trong một số thời điểm gặp nhiều khó khăn do tình hình khô hạn; giá nguyên, vật liệu đầu vào, tỷ giá đều tăng cao...,
Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lãnh đạo cấp ủy và các đơn vị trực thuộc hoàn thành kế hoạch 5 năm (2011 – 2015) và đạt nhiều thành tựu quan trọng qua việc đáp ứng đủ nhu cầu điện phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH; hoàn thành kế hoạch đầu tư phát triển nguồn-lưới điện; đầu tư phát triển điện nông thôn vượt chỉ tiêu; giảm tổn thất điện năng; nâng cao độ tin cậy cung cấp điện…
Thắp sáng vùng xa, vươn ra hải đảo
Trở lại đảo tiền tiêu Cô Tô (Quảng Ninh) vào những ngày cuối năm, khó có thể nói hết niềm vui của gần 6.000 người dân trên đảo sau khi được dùng điện từ lưới điện quốc gia. Cuộc sống trên đảo như được tiếp thêm sinh lực mới. Có điện, lượng khách du lịch ra đảo tăng đột biến, có thời điểm, số khách lưu trú gần bằng số dân trên đảo. Điện lưới quốc gia đã góp phần đánh thức những tiềm năng kinh tế lớn của huyện đảo, tạo điều kiện phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ nghề cá. Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Tấn Lộc cho biết, Cô Tô là một trong 12 huyện đảo được EVN đầu tư cấp điện. Hiện, EVN đang tiếp tục triển khai cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho các xã đảo tỉnh Kiên Giang, Cù Lao Chàm (Quảng Nam), nhận bàn giao lưới điện và xây dựng phương án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), đảo bé Lý Sơn (Quảng Ngãi)…, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển, phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Mức độ phủ điện đến các hộ dân vùng sâu, vùng xa của Việt Nam là thành tựu mà không nhiều quốc gia trên thế giới đạt được.
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành, một trong những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ EVN nhiệm kỳ 2010-2015 là thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư cấp điện cho nông thôn, hải đảo và tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn. Giai đoạn 2011 – 2013, Tập đoàn thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo và hộ thu nhập thấp sử dụng điện với giá điện chỉ bằng 75% giá thành. Giá bán điện phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng duy trì nhiều năm ở mức 50% chi phí.
EVN cũng đã cơ bản hoàn thành công tác tiếp nhận và tiến hành cải tạo nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn, bán điện trực tiếp đến các hộ để người dân nông thôn được hưởng lợi từ chính sách giá điện của Chính phủ. Giai đoạn 2011-2015, EVN đã tiếp nhận gần 1.370 xã tương ứng 1,97 triệu hộ dân nông thôn. Đến nay, EVN đã cung cấp điện trực tiếp đến 23,7 triệu khách hàng, tăng hơn sáu triệu khách hàng (31%) so năm 2010. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, Việt Nam là quốc gia thực hiện thành công và đạt hiệu quả cao về đầu tư điện nông thôn. Tỷ lệ người dân dùng điện ở nước ta hiện đã cao hơn một số quốc gia có điều kiện kinh tế bằng hoặc khá hơn Việt Nam như In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin…
Tạo nền tảng để phát triển
Khắc phục nhiều khó khăn trong việc thu xếp vốn, Đảng ủy EVN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kiên trì, linh hoạt các giải pháp nhằm tập trung nguồn lực cho các công trình nguồn và lưới điện. Vai trò của các tổ chức đảng được khẳng định trong lãnh đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị. Giai đoạn 2011-2015, EVN đã hoàn thành đưa vào phát điện 34 tổ máy thuộc 17 dự án với tổng công suất 9.852 MW (bằng 125% so Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Đặc biệt, công trình Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông – Nam Á, công suất 2.400MW đã khánh thành vượt trước thời hạn ba năm so Nghị quyết của Quốc hội, đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho đất nước, được Đảng và Chính phủ đánh giá cao. Gần đây nhất, tổ máy 1 Nhà máy Thủy điện Lai Châu (ba tổ máy, tổng công suất 1.200 MW) vừa hòa lưới điện quốc gia vượt tiến độ một năm, cung cấp sản lượng điện lớn cho hệ thống điện quốc gia. Các dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhiệt điện Duyên Hải 1… cũng góp phần quan trọng bảo đảm cung ứng điện cho miền nam.
Để bảo đảm đấu nối, truyền tải công suất phát các nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải của toàn hệ thống, Đảng ủy EVN đã chỉ đạo tăng cường đầu tư hệ thống truyền tải điện với việc hoàn thành đóng điện 885 công trình lưới điện từ 110-500kV với tổng chiều dài đường dây (ĐD) hơn 12.500 km và tổng dung lượng trạm biến áp tăng thêm gần 60 nghìn MVA (giai đoạn 2011-2015); kết nối khép kín mạch vòng 500kV tại vùng kinh tế trọng điểm miền bắc, miền nam và kết nối ở cấp điện áp 500kV lưới điện Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ… Trong đó, đã hoàn thành đưa vào vận hành các công trình nâng khả năng truyền tải Bắc – Nam như: ĐD 500kV Plây Cu – Mỹ Phước – Cầu Bông, ĐD 220kV Đác Nông-Phước Long – Bình Long; thay thế tụ bù dọc cho cả hai mạch ĐD 500kV Bắc – Nam; các công trình lưới điện đấu nối các nhà máy: Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu, các Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, Mông Dương… Để hoàn thành khối lượng đầu tư lưới điện lớn đó, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) Đặng Phan Tường cho biết, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy Tập đoàn, cùng với kiện toàn tổ chức đảng theo ngành dọc, Đảng ủy EVNNPT đã lựa chọn khâu đột phá và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cùng với nhiệm vụ đầu tư xây dựng, EVNNPT còn bảo đảm vận hành an toàn, liên tục, ổn định hệ thống truyền tải điện quốc gia, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch Tập đoàn giao, trong đó sản lượng điện đã truyền tải tăng bình quân 10,8%/năm… Hệ thống truyền tải điện quốc gia đã vươn tới hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và từng bước kết nối với lưới truyền tải điện của các nước trong khu vực với công nghệ ngày càng hiện đại như ĐD nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, cáp ngầm 220 kV, trạm GIS 220 kV, hệ thống điều khiển tích hợp bằng máy tính, thiết bị định vị sự cố, giám sát dầu online…
Đại hội Đảng bộ EVN vừa qua đã dự báo những thuận lợi và khó khăn tác động ngành điện trong giai đoạn 2016-2020, từ đó xác định mục tiêu tổng quát là xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam trở thành doanh nghiệp có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại, chuyên môn hóa cao, hoạt động hiệu quả, phấn đấu trở thành một trong bốn đơn vị hàng đầu trong ASEAN… Để hoàn thành mục tiêu này, Tập đoàn không chỉ cần nguồn lực vật chất rất lớn mà sự đầu tư về con người, đổi mới quản trị doanh nghiệp… cũng đòi hỏi những chuyển biến mạnh mẽ. Những kết quả đạt được trong giai đoạn 2011-2015 và truyền thống tốt đẹp của ngành điện 61 năm qua sẽ tạo đà vững chắc cho EVN hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Đến cuối năm 2015, cả nước có 100% số huyện có điện lưới và điện tại chỗ; 99,8% số xã với 98,76% số hộ dân nông thôn có điện lưới, vượt 0,76% so chỉ tiêu được giao. Hầu hết nhân dân ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới đã được sử dụng điện: khu vực các tỉnh miền núi phía bắc đạt 96,62% về số xã và 83,76% số hộ dân nông thôn có điện; các tỉnh Tây Nguyên là 99,83% và 95,8%; Tây Nam Bộ là 98,85% và 97,27%.
Theo Nhandan
Ý kiến ()