Ðáp ứng nguồn điện, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Kiểm tra trạm biến áp cấp điện khu vực nông thôn. Trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện nay huyện An Nhơn (Bình Định) đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đi vào hoạt động năm cụm công nghiệp (CCN), thu hút 85 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho gần 4.500 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) hiện nay đã chiếm hơn 40% tổng giá trị sản xuất toàn huyện, trong đó điện năng đã "đi trước" góp phần tích cực vào tiến trình này.AN NHƠN là một trong những huyện đồng bằng của tỉnh Bình Định có diện tích gần 250 km2, dân số gần 280 nghìn người với 13 xã và hai thị trấn. Vùng đất này tuy không có ưu thế tiếp giáp với biển, nhưng bù lại, phù sa của các nhánh sông Côn, sông Hà Thanh đã bồi đắp cho An Nhơn một vùng đất màu mỡ để cây lúa, rau màu, cây đậu tương cùng các loại cây, con khác làm nên một vùng quê An Nhơn trù phú, phát huy thế mạnh nông nghiệp trong...
|
AN NHƠN là một trong những huyện đồng bằng của tỉnh Bình Định có diện tích gần 250 km2, dân số gần 280 nghìn người với 13 xã và hai thị trấn. Vùng đất này tuy không có ưu thế tiếp giáp với biển, nhưng bù lại, phù sa của các nhánh sông Côn, sông Hà Thanh đã bồi đắp cho An Nhơn một vùng đất màu mỡ để cây lúa, rau màu, cây đậu tương cùng các loại cây, con khác làm nên một vùng quê An Nhơn trù phú, phát huy thế mạnh nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới.
Những năm gần đây, huyện An Nhơn đang vươn lên làm giàu từ phát triển công nghiệp với hệ thống các làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và CCN mới. Nguồn điện quốc gia đã sớm về với An Nhơn, lưới điện liên tục phát triển sau dự án SIDA-3. Hiện nay trên địa bàn huyện An nhơn đã có một trạm 110 kV, hai trạm phân phối 35/22 kV với hàng chục trạm biến áp phụ tải đưa điện về 100% số xã, thôn của huyện, tạo điều kiện thuận lợi để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa SXCN – TTCN phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng bình quân 22,93%/năm. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2011, sản lượng điện thương phẩm trên địa bàn huyện An Nhơn đã đạt con số 56 triệu kWgiờ, trong đó điện phục vụ SXCN chiếm gần 45%.
Trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang phát triển công nghiệp, hiện nay, An Nhơn đã xây dựng hoàn chỉnh đưa vào hoạt động năm CCN, thu hút 85 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho gần 4.500 lao động, giá trị SXCN chiếm hơn 40% tổng giá trị sản xuất toàn huyện.
Ưu thế nổi trội trong SXCN của huyện An Nhơn là phát huy nguồn nhân lực có tay nghề cao từ hàng chục làng nghề truyền thống của địa phương như nghề rèn, đúc kim loại ở Phương Danh, Đập Đá; nghề làm đồ gốm, tiện gỗ mỹ nghệ ở Nhơn Hậu; nghề chế biến thực phẩm, sản xuất rượu Bàu Đá ở Nhơn Phúc… Ngoài các CCN, dọc theo quốc lộ 19 thuộc xã Nhơn Hòa còn có gần 30 nhà máy, xí nghiệp với đủ các ngành nghề: chế biến lâm sản, nông sản, khai thác, thu hút hơn 5.000 lao động, với mức thu nhập từ hai đến ba triệu đồng/người/tháng. Các địa phương khác trong huyện cũng tích cực đẩy mạnh phát triển SXCN, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Trong những năm qua, hoạt động SXCN ở An Nhơn đã có bước phát triển khá mạnh mẽ. Năm 2010, giá trị SXCN trên địa bàn huyện đạt 329 tỷ đồng, tăng gấp đôi so năm 2005. Tám tháng đầu năm 2011, dù tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng toàn huyện vẫn thực hiện giá trị SXCN đạt hơn 210 tỷ đồng, tăng 14,1% so cùng kỳ.
An Nhơn đã và đang hội tụ các điều kiện để trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh Bình Định, trong tương lai các lợi thế liền kề với trung tâm tỉnh; cơ sở hạ tầng ban đầu khá thuận lợi; là đầu mối giao thông quan trọng thông qua quốc lộ 1A và quốc lộ 19 sẽ được phát huy. Hiện An Nhơn đang chuẩn bị điều kiện để lên thị xã, trong quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội từ nay đến năm 2015, An Nhơn xác định tiếp tục lấy công nghiệp làm trung tâm phát triển kinh tế. Phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2015, tỷ trọng công nghiệp trong GDP của huyện chiếm khoảng 50%, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16-17%/năm.
Ngoài năm CCN hiện có, để tạo thêm mặt bằng phát triển công nghiệp, An Nhơn đang xúc tiến đầu tư xây dựng thêm các CCN mới như: Thắng Công (Nhơn Phúc), Gò Ổi (Nhơn Lộc), Gò Cây Sanh (Nhơn Thọ), Vân Sơn (Nhơn Hậu), Gò Sơn (Nhơn Tân) và Nhơn Phong (Nhơn Phong). Bên cạnh đó, sự ra đời của KCN Nhơn Hòa đã góp phần thúc đẩy tốc độ phát triển công nghiệp của huyện. Dù hạ tầng kỹ thuật chưa được xây dựng hoàn chỉnh, nhưng hiện KCN Nhơn Hòa đã thu hút được 18 dự án đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó có bốn dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 38,6 triệu USD và 14 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 346,5 tỷ đồng; tỷ lệ lấp đầy đạt 90% trong giai đoạn 1.
Cùng với tiến trình tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn huyên, hiện nay, Điện lực An Nhơn (thuộc Công ty Điện lực Bình Định) đang phấn đấu mở rộng quy mô và kéo lưới điện đến tận chân công trình trong CCN, bảo đảm đủ điện cho sản xuất và đời sống, trong đó ưu tiên cho sản xuất, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.
Theo Nhandan
Ý kiến ()