Dập tắt hiểm họa
LSO-Các loại bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen do vi rút gây ra được coi là căn bệnh “ung thư” đối với cây lúa. Không giống như những bệnh thông thường khác, một khi lúa mắc những bệnh này chỉ còn cách nhổ vùi, cấy lại để tránh lây lan. Các bệnh vi rút trên lúa xuất hiện ở địa bàn tỉnh cách đây khoảng 5 năm. Có những năm đã bùng phát thành dịch ở một số huyện. Thế nhưng trong vòng 2 năm trở lại đây diện tích nhiễm bệnh đã giảm hẳn.
![]() |
Nông dân Hữu Lũng phun phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân |
Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen trên lúa được các nhà chuyên môn nhận định là nguy cơ đe doạ đến an ninh lương thực. Theo các chuyên gia nông nghiệp, nếu diện tích nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cả nước chiếm từ 10% trở lên thì sẽ không đảm bảo được an ninh lương thực. Thực tế những năm trước đây, các loại bệnh này không phải là vấn đề đối với Lạng Sơn, bởi cơ bản chỉ xuất hiện trên các vùng sản xuất lương thực lớn ở vùng đồng bằng.
Thế nhưng, vụ mùa năm 2009, những dấu hiệu đầu tiên của bệnh vi rút trên lúa đã xuất hiện tại huyện Chi Lăng. Qua kiểm tra, giám sát, cán bộ bảo vệ thực vật đã phát hiện mẫu rầy nâu dương tính với vi rút gây bệnh lùn xoắn lá ở thôn Làng Đăng, xã Quang Lang. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật thì rầy nâu là môi giới truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, còn rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen. Khả năng phát tán của các loại rầy này lên đến hàng ngàn cây số. Cũng trong thời điểm bấy giờ, qua kiểm tra, nhận định của cơ quan Bảo vệ thực vật là các bệnh do vi rút trên lúa sẽ có xu hướng xuất hiện nhiều hơn trên địa bàn tỉnh. Nguy cơ cao hơn cả là các huyện ở phía Nam như Hữu Lũng, Chi Lăng. Nhận định đã đúng, vụ xuân năm 2010 ngoài Chi Lăng thì các huyện khác như Hữu Lũng, Tràng Định đều đã xuất hiện bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen trên lúa.
Ông Dương Mạnh Hùng, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Hữu Lũng cho biết: trong năm 2010, có thời điểm bệnh đã bùng phát thành dịch, trong năm đó 24/26 xã thị trấn trên địa bàn huyện nhiễm bệnh vi rút trên lúa. Thực chất, ngay từ khi cảnh báo nguy cơ, các cơ quan chuyên môn đã tiến hành tập huấn cho cán bộ và nông dân, đồng thời đặt các bẫy đèn để theo dõi sâu, rầy di trú… Bởi vậy không chỉ Hữu Lũng mà các huyện có diện tích nhiễm bệnh này đều khoanh vùng xử lý được ngay. Theo thống kê, diện tích nhiễm bệnh vi rút trên lúa ở Hữu Lũng giảm dần theo từng năm, năm 2011, toàn huyện có 13/26 xã bị nhiễm, đến năm 2013 chỉ có 1 xã nhiễm bệnh và đến thời điểm này, theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện, Hữu Lũng chưa phát hiện diện tích lúa xuân nhiễm bệnh.
Để đạt được hiệu quả cao, ngoài sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên môn phải kể đến sự chủ động của người nông dân. Bởi đây là loại bệnh mới xuất hiện, nên việc người dân đồng ý nhổ vùi diện tích nhiễm để cấy lại không phải là đơn giản. Thế nhưng hầu hết các gia đình đều thực hiện rất tốt khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Anh Chu Tôn, thôn Làng Giãn, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng chia sẻ: thực chất từ những đợt bùng phát dịch rầy và sâu cuốn lá nhỏ từ những năm 2007-2008, nông dân chúng tôi đã rất thấm thía thiệt hại do sâu bệnh gây ra, bởi vậy biết đây là loại bệnh mới xuất hiện, lại nguy hiểm nên ai cũng chủ động tiếp cận tài liệu, tìm hiểu và phòng trừ.
Theo ông Trần Đại Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật: thời điểm này là thời điểm lúa xuân đang rất mẫn cảm với các loại sâu, bệnh, do vậy Chi cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo các Trạm tăng cường bám cơ sở, dự tính, dự báo để phát hiện và khuyến cáo kịp thời cho nhân dân. Đến nay chưa phát hiện các bệnh vi rút trên lúa xuân, nhưng cũng không thể chủ quan. Hiện các bẫy đèn theo dõi rầy di trú tại các huyện vẫn hoạt động tốt, đảm bảo giám sát bệnh kịp thời. Trong khi đó các lớp tập huấn, phòng trừ sâu bệnh nói chung và phòng trừ bệnh do vi rút nói riêng vẫn được Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các huyện tổ chức. Trong vòng 2 năm trở lại đây, do phòng trừ tốt nên sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại có xu hướng giảm, dẫn tới bệnh do vi rút trên lúa cũng không xuất hiện nhiều. Tuy nhiên qua khảo sát thực tế, cơ quan chuyên môn và người nông dân vẫn rất chủ động và cảnh giác.
NHƯ PHONG

Ý kiến ()