Đào Tết ở Nhật Tân: Bắt đầu tháng cả làng "bồng bế" nhau ra vườn
Là biểu trưng cho vận may, tài lộc dồi dào cả năm, tìm được cành đào như ý vào dịp Tết Nguyên đán là mong mỏi của không ít người Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung.
Năm nay thời tiết thất thường, nhuận tháng khó làm, nắng nhiều, mưa ít nên nhiều nông dân làng đào Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) chưa biết chăm bón như thế nào cho phù hợp. Trồng đào ra hoa thì dễ chứ để điều chỉnh nở đúng dịp Tết mới là khó. Có người nói vui “trồng mai ăn cơm nằm, trồng đào ăn cơm đứng”.
Thức khuya, dậy sớm
Hàng năm cứ đến tháng Chạp, người dân làng đào Nhật Tân lại tấp nập đón những đoàn khách đến thăm hỏi mua hoặc thuê đào. Những cành đào khỏe khoắn, đâm nụ nở chồi khiến nhiều người mê mẩn. Nhưng đằng sau những cành hoa đẹp đẽ ấy là những nỗi khổ riêng của nghề trồng đào.
Cả làng Nhật Tân trồng đào nhưng mỗi nhà lại chơi một kiểu, có nhà trồng đào tròn (đào cành), có nhà lại trồng đào cây, đào thế. Đào cành trồng dễ, lợi nhuận ít nhưng nhiều nhà vẫn trồng, trồng đào cây, đào thế mất công chăm sóc, tỉ mẩn uốn nắn hơn nhưng lợi nhuận cao.
Người trồng đào phải thức đêm hôm đi khuân đất đổ cho cây, mà phải là đất phù sa sông Hồng cây mới lên hoa đẹp. Thuê xe chở đất mọi năm chỉ 300-350
nghìn đồng/xe, năm nay lên tận 450 nghìn đồng. Nhiều nhà thậm chí còn mất ăn Tết Dương lịch, vì mùng 1, mùng 2 đầu năm lại phải đi tìm cành giống về trồng cho kịp.
Nuôi đào không dễ như nuôi mai, mai nắng to, nở mấy tháng cũng đẹp, trồng lại dễ. Đào chỉ cần rét một tuần cũng chết, mà nắng to lâu ngày cũng không xong. Nhiều năm rét buốt, phải đi kiếm giấy báo về bọc cho từng cành.
Đào cây bình thường có tuổi thọ nhất định, nhất là xu hướng cả làng Nhật Tân bây giờ nhiều nhà chỉ cho thuê đào, gốc đào bị đào lên chôn xuống nhiều lần khiến rễ đứt, cây khó sống. Đào bình thường chỉ trồng được 3 năm, cây nào khỏe thì được 4 năm. Cây lâu năm mục ruỗng chết cây phải tốn tiền mua cây mới. Rất hiếm những gốc đào lên đến hàng chục năm, chính vì vậy giá thuê hoặc mua những cây như vậy rất đắt đỏ.
Như… đánh bạc với ông trời
Một nông dân trồng đào kể: “Anh phải lặn lội lên rừng tìm mua những gốc đào to, khỏe, dáng đẹp về đem ghép với bích đào nhà mình. Đi lại như vậy vừa mất công, vận chuyển lại tốn kém lắm em ạ!”. Đào mang về không phải trồng được luôn, lại phải mất công chăm bẵm, ghép cành, uốn nắn cho cây. Ghép sai cây mọc xấu thì không có người mua, coi như mất trắng.
Mỗi năm thời tiết một khác, nông dân trồng đào hàng ngày phải nghe ngóng thời tiết để điều chỉnh chế độ chăm sóc phù hợp. Nếu chăm sai, đào nở sớm quá hoặc muộn quá thì khách không mua, có năm tính sai thời tiết, cả làng nhiều nhà mất trắng cả vườn cây trăm triệu.
Gần Tết, các hộ gia đình trồng đào lại “bồng bế” nhau ra trông vườn, có nhiều nhà nửa đêm lơ đễnh là bị kẻ trộm đào mất cây, mà toàn những gốc đào đắt tiền. Ban ngày cũng như ban đêm, các hộ gia đình thay phiên nhau trông vườn cũng như chờ khách đến mua.
Anh Hà, một người dân trồng đào cho biết: “Cả nhà anh 5 người cắt cử thay phiên nhau trông vườn, nhiều khi cả ngày chỉ chợp mắt được 3-4 tiếng lại phải dậy hoặc có khách đến hỏi mua. Rét mướt, nắng nôi nhưng vẫn phải cố. Chỉ cần sơ sảy một chút là mất toi công sức cả năm đi làm”.
“Cho thuê cũng khó mà bán cũng không xong“
Vào một trong những nhà vườn nổi tiếng của Nhật Tân, gặp bác Hiệp chủ vườn đào Hiệp Vụ có gần 700 cây. Bác chia sẻ: “Nhà tôi có gần 700 gốc đào, chỉ cho thuê chứ không bán. Toàn khách quen từ bao năm nay nên tôi không lấy giá cao. Nhiều khi khách ở xa, tôi lại mất thêm tiền vận chuyển, xa quá thì coi như lấy giá bán luôn cây chứ vận chuyển về cũng chết.”
Giá đào thuê cũng rất đa dạng, từ 5-7 triệu đồng cũng có mà hàng chục triệu đồng cũng có, đa số người thuê đào là các công ty, doanh nghiệp. Nhiều công ty là khách quen nên họ thường chơi rất lâu, có khi qua Tết mấy tháng. Đào cây không vận chuyển về chăm sóc kịp thời để lâu là cây hỏng, coi như bỏ đi nên các chủ vườn rất ngại. Mà bán cây thì vừa tiếc công chăm sóc vừa không nhiều người mua.
Cũng như bao nông dân khách, những người trồng đào vẫn ám ảnh chuyện “được mùa mất giá”. Gần Tết, đào trên phố bạt ngàn, khách tha hồ lựa chọn mặc cả. Nhiều khi phải hạ bớt xuống một chút bán mới dễ, để kiếm được lãi là chuyện không phải đơn giản, đào phải bán cho xong trước Giao thừa, chứ đến hôm ấy thì coi như đem về trồng lại.
Khi được hỏi về việc tại sao trồng đào khổ vậy mà vẫn làm, một người chia sẻ: “Khổ nhưng vẫn có nhiều thú vui, với lại nó là nghiệp của mình rồi. Mong rằng năm nay thời tiết đẹp, bán nhiều cây để vợ con được ăn Tết được vui vẻ chứ bảo bỏ thì mình không bỏ được.”./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()