Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực triển khai các dự án đường cao tốc
Theo định hướng phát triển, mục tiêu đến năm 2030, nước ta sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác 5.000 km đường bộ cao tốc. Đây là cơ hội rộng mở cho các nhà đầu tư, nhà thầu thi công xây lắp nhưng cũng là thách thức lớn về nguồn nhân lực để triển khai mục tiêu này.
Mới đây, Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức toạ đàm liên kết, phát triển nguồn nhân lực với gần 1.000 sinh viên tiêu biểu của 15 trường đại học, cao đẳng và các thầy, cô giáo, nhằm xây dựng mối quan hệ hợp tác với các trường đào tạo để cung ứng nguồn nhân lực trong tương lai gần.
Cơ hội lớn của các nhà đầu tư
Theo tính toán, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, nhu cầu vốn dành cho hạ tầng giao thông dự báo đến năm 2030 tại Việt Nam lên khoảng 2 triệu tỷ đồng.
Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định, đến năm 2025, tổng chiều dài đường bộ cao tốc của nước ta sẽ nâng từ hơn 1.100 km thời điểm hiện tại lên 3.000 km, năm 2030 đạt 5.000 km.
Để hoàn thành mục tiêu này, Chính phủ đã xây dựng kế hoạch trong từng thời kỳ trung hạn làm cơ sở cân đối nguồn lực và tổ chức thực hiện. Theo đó, ước tính nhu cầu vốn năm 2025 khoảng 490 nghìn tỷ đồng và năm 2030 hơn 900 nghìn tỷ đồng.
“Đây sẽ là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà thầu trong lĩnh vực giao thông nói chung và Tập đoàn Đèo Cả nói riêng tham gia triển khai, gia tăng hoạt động, mở rộng quy mô, phát huy giá trị và tiếp tục khẳng định thương hiệu trên những công trình giao thông lớn”, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả nhìn nhận.
Trong giai đoạn 2021-2025, Tập đoàn Đèo Cả đang nghiên cứu 15 dự án lớn ở cả ba miền, trong đó có dự án cao tốc bắc-nam, các dự án vành đai 4, 5 Vùng Thủ đô Hà Nội và các dự án vành đai 3, 4 tại TP Hồ Chí Minh. Đèo Cả hạ quyết tâm tham gia đầu tư xây dựng 300 km cao tốc, 25 km cầu lớn, 9 km hầm và tập trung một phần nguồn lực triển khai các hợp đồng quản lý dự án.
Trước khối lượng công việc hiện có, Tập đoàn tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu doanh thu đạt gần 4.000 tỷ đồng trong năm nay, phấn đấu tăng lên hơn 10.400 tỷ đồng vào năm 2023, gần 12 nghìn tỷ đồng trong năm 2024. Để đạt được doanh số nêu trên, định hướng của Đèo Cả không chỉ đầu tư phát triển các tuyến cao tốc mà còn mở rộng hợp tác với nhiều nhà đầu tư, tổng thầu trên cả nước phát triển các sản phẩm mới như đường sắt tốc độ cao, hầm vượt sông, bất động sản nghỉ dưỡng,…
Đặc biệt ưu tiên yếu tố con người
Khi “chung một con thuyền”, các đối tác chiến lược của Đèo Cả sẽ được tạo điều kiện tham gia các dự án do Tập đoàn thực hiện với nhiều chính sách ưu đãi. Ngược lại, các đơn vị cũng sẽ đồng hành với Đèo Cả từ khi bắt đầu đến lúc phát triển dự án; cung cấp năng lực, vật tư bảo đảm chất lượng, tiến độ, giá cả,… Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn 911, việc hợp tác giữa các đơn vị là bước đi đúng đắn để nắm bắt cơ hội rộng mở trong tương lai gần. Các đơn vị sẽ có điều kiện học hỏi lẫn nhau về tầm nhìn, sứ mệnh cũng như phương pháp quản trị doanh nghiệp khoa học và bài bản để đầu tư hiệu quả bền vững.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng cho rằng, trong hoạt động doanh nghiệp, tiền có thể đi vay nhưng văn hóa doanh nghiệp và nhân lực là hai thứ phải tự tạo lập và xây dựng chứ không thể đi vay mượn. “Điều đó được thể hiện rất rõ trong phương châm phát triển của Tập đoàn: “Quản người – Quản việc – Quản lợi nhuận”, yếu tố con người được ưu tiên phát triển sau đó mới đến lợi ích. Một doanh nghiệp có nhiều con người tốt sẽ có tổ chức tốt và sự phát triển bền vững”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Để mở rộng quy mô tập đoàn, Đèo Cả đặt mục tiêu tăng nhân sự từ hơn 5.000 người năm 2021 lên hơn 10.500 nhân sự vào năm 2025.
Đèo Cả đã liên kết và hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, trường nghề nhằm đáp ứng nguồn nhân lực theo các nhóm ngành. Đối với nhóm ngành kỹ thuật-công nghệ, Tập đoàn hợp tác các trường đại học: Xây dựng Hà Nội, Giao thông vận tải, Bách khoa, Công nghiệp Vinh,… nhóm ngành tài chính, luật sẽ liên kết với các trường đại học: Kinh tế quốc dân, Quốc gia Hà Nội, Luật, Tài chính,…
Theo PGS, TS Bùi Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng trường Trường đại học Kinh tế quốc dân, từ những thành quả đã tạo dựng, có thể khẳng định người thợ Việt Nam đủ năng lực làm được những công trình tầm cỡ quốc tế, hiện thực hóa khát vọng người Việt.
Ý kiến ()