Đào tạo nhân lực chưa bám sát nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội
Còn thiếu sự liên hoàn
Cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung, đào tạo nhân lực nói riêng đã được xác định từ nhiều năm trước đây. Tuy nhiên, hiện nay, cơ cấu hệ thống giáo dục có nhiều điểm chưa phù hợp thực tiễn. Theo TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Giáo dục ĐH (Bộ GD và ĐT), cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam theo Luật Giáo dục năm 2005 gồm: mầm non; tiểu học; THCS; THPT, đào tạo nghề, trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp; đào tạo ĐH, CĐ; đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Về mặt chủ trương, chính sách, hệ thống giáo dục của nước ta ngày càng được chuẩn hóa so với thế giới. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện lại chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Hiện nay, tỷ lệ dân số trong độ tuổi từ 18 đến 22 (sau giáo dục phổ thông) nhập học ĐH của Việt Nam năm 2011 mới chỉ chiếm 24%, thấp hơn so với mức trung bình của thế giới là 30%. Cùng với tỷ lệ chưa cao, công tác đào tạo lại không bám sát chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và địa phương; việc thả nổi các cơ sở đào tạo dẫn đến cơ cấu trình độ và cơ cấu ngành nghề không hợp lý. Trong đào tạo nhân lực, phần lớn không có sự phân luồng người học và phân tầng cơ sở giáo dục…
Dẫn chứng từ thực tiễn, GS Trần Phương (Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cho rằng, nền giáo dục nước ta hiện nay không song hành với nền kinh tế. Bởi nền kinh tế đòi hỏi nhân lực, con người nào thì phải đào tạo ra con người đó. Nhưng thực tế ở Việt Nam hiện nay đang bắt người học học quá dư thừa kiến thức, thời gian. Dẫn giải việc đào tạo ồ ạt cử nhân kế toán những năm gần đây, GS Trần Phương cho biết, nước ta có khoảng 500 nghìn doanh nghiệp tư nhân, bộ phận kế toán chỉ cần trình độ trung cấp là đủ nhưng nhiều nhà tuyển dụng tuyển cử nhân do nguồn nhân lực có trình độ ĐH kế toán đang dư thừa. “Tình trạng đào tạo ngành nghề cứ phải trình độ ĐH khiến nhà tuyển dụng trả lương cao không phù hợp công việc, trong khi người học thừa kiến thức, lãng phí thời gian đào tạo” – GS Trần Phương khẳng định.
Đáng chú ý, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, cơ cấu nền giáo dục nước ta đang bất cập còn do thiếu phân tầng trong giáo dục ĐH. Mặc dù vấn đề phân tầng được nói đến nhiều nhưng chỉ dừng lại ở sự “ban phát” của cơ quan quản lý nhà nước. Việc Bộ GD và ĐT quy định số giờ nghiên cứu khoa học mang tính “cào bằng” cho giảng viên ở tất cả các trường ĐH dẫn đến sự vô lý giữa các cơ sở đào tạo. Không ít trường ĐH được xếp vào trọng điểm, định hướng nghiên cứu, đào tạo nhân lực chất lượng cao… nhưng quy mô sinh viên quá lớn cho nên bỏ qua nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. GS Trần Phương phân tích: Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) đáng lẽ phải đào tạo nghiên cứu vĩ mô nhưng thực tế cũng lại mở đào tạo ngành tài chính, quản trị kinh doanh, ngân hàng giống như nhiều trường ĐH công lập và NCL khác, vậy trường nào sẽ theo định hướng nghiên cứu?
GS, TSKH Nguyễn Minh Đường (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề) nhận định: Công tác quản lý đào tạo hiện nay còn theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, chưa quản lý theo chất lượng và chưa phân cấp đúng mức. Mô hình hiện nay có ba hệ thống con gồm: giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH hoạt động gần như riêng rẽ cho nên chưa được phân luồng hợp lý, thiếu liên thông và ngày càng mất cân đối. Riêng trường CĐ và trung cấp có hai loại hình trường (gồm CĐ và CĐ nghề, trung cấp và trung cấp nghề) nhưng mục tiêu đào tạo thì gần như nhau. Mặt khác, trong quản lý hệ thống giáo dục hiện nay vừa quản lý theo ngành vừa theo lãnh thổ, có nhiều đầu mối quản lý chồng chéo, một cơ sở đào tạo có thể chịu sự quản lý trực tiếp của bốn cơ quan cấp trên… dẫn đến việc chưa bảo đảm được tính chỉnh thể của hệ thống giáo dục.
Xác định đúng mục tiêu đào tạo
Xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội đất nước là cần thiết. GS, TSKH Nguyễn Minh Đường nhìn nhận: Để có một bộ máy quản lý tinh giản, gọn nhẹ, ít đầu mối và có hiệu lực, cần thống nhất một đầu mối quản lý hệ thống giáo dục quốc dân. Trong khi đó, GS Trần Phương thì cho rằng, cần phải cải tạo lại hệ thống giáo dục theo nguyên tắc phù hợp với nhu cầu kinh tế. Việc phân luồng từ THCS là cần thiết nhưng nguyên tắc đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế trong từng giai đoạn. Về mặt cơ chế, chính sách cần có những thay đổi để hấp dẫn được thí sinh đăng ký vào các ngành nghề khác nhau, thay vì chỉ tập trung vào một vài ngành nghề nào đó.
Theo nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Cần cơ cấu lại các trường ĐH, CĐ trên cơ sở xác định rõ vị trí, mục tiêu rõ ràng. Từ đó xác định chương trình đào tạo như thế nào rồi xác định khung chung. Nếu chỉ nói ĐH một cách chung chung sẽ chưa giải quyết được vấn đề. Vì vậy, cần điều chỉnh lại hệ thống, phân loại theo vị trí của từng loại hình trường và xem xét chi phí đào tạo như hiện nay đã hợp lý chưa? Từ nghiên cứu kinh nghiệm một số nước trên thế giới, Ban hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL) cho biết, trên thế giới hiện nay có bốn tiêu chí cho một hệ thống giáo dục ĐH tiên tiến gồm: công bằng, chất lượng, hiệu quả và thống nhất. Vì vậy, ở Việt Nam trong cấu trúc hệ thống đào tạo nhân lực có thể đổi tên trường trung cấp nghề thành trung học nghề và điều chỉnh lại mục tiêu và chương trình đào tạo, bảo đảm học sinh tốt nghiệp vừa có trình độ học vấn (để có thể học lên khi có cơ hội) vừa có nghề thành thạo. Quy hoạch lại nhiệm vụ cho các trường ĐH theo hướng: nghiên cứu và nghề nghiệp, ứng dụng. Hướng nghiên cứu chủ yếu dành cho các trường ĐH trọng điểm; các trường địa phương và trường của các bộ, ngành chủ yếu đi theo hướng nghề nghiệp ứng dụng, bám sát nhu cầu nhân lực của địa phương. Về lâu dài, có thể sáp nhập một số viện nghiên cứu khoa học vào các trường ĐH trọng điểm để hình thành các ĐH nghiên cứu. Tiếp tục điều chỉnh cơ cấu phân luồng người học căn cứ dịch chuyển cơ cấu kinh tế cả ở tầm quốc gia lẫn tầm địa phương…
Ý kiến ()