Đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp
Ðến nay, mô hình liên kết giữa đào tạo và nhu cầu của doanh nghiệp đã được hình thành tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho xã hội và trực tiếp cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Kỳ thi sát hạch theo chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin châu Á. |
Khu giáo dục và đào tạo được bố trí ở phía bắc Khu công nghệ cao Hòa Lạc, quy hoạch tập trung các trường đại học, các cơ sở đào tạo, dạy nghề, với diện tích 123,53ha, chiếm 7,79% diện tích toàn khu. Hiện, đã có Trường đại học FPT đi vào hoạt động; Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội đang triển khai xây dựng; Trường đại học Việt-Nhật và Trường đại học Văn Lang cũng đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để sớm triển khai xây dựng.
Do đặc thù là khu tập trung các công nghệ cao cho nên các chuyên ngành đào tạo cũng phục vụ cho nhu cầu của các doanh nghiệp ở đây, như: Công nghệ thông tin và truyền thông; công nghệ kỹ thuật cơ điện tử; công nghệ sinh học nông y dược; kỹ thuật hàng không; khoa học vật liệu tiên tiến và công nghệ nano; kỹ thuật điện và năng lượng tái tạo; khoa học vũ trụ và công nghệ vệ tinh; khoa học dữ liệu; rô-bốt và tự động hóa; quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế;…
Theo đánh giá của Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, thành công bước đầu là đã hình thành liên kết giữa đào tạo và nhu cầu về nhân lực của doanh nghiệp giữa Trường đại học FPT và Công ty TNHH Phần mềm FPT Hà Nội. Chia sẻ về kết quả của mô hình liên kết này, đại diện Công ty TNHH Phần mềm FPT Hà Nội cho biết, hệ sinh thái nhà trường-doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc giúp doanh nghiệp kết nối với trường thuận lợi hơn, nhà trường hiểu được doanh nghiệp cần gì, giúp doanh nghiệp chủ động về nguồn nhân lực. Hằng năm, Công ty TNHH Phần mềm FPT Hà Nội (FPT Software) thu hút hàng nghìn lượt sinh viên đến thực tập và làm việc, nhất là sinh viên đến từ Trường đại học FPT.
Trong ba năm gần đây, mỗi năm có gần 1.000 lượt sinh viên từ Trường đại học FPT đến FPT Software thực tập, làm việc, trong đó có ít nhất 30% sinh viên được tuyển dụng sau thời gian đào tạo, thực tập. Sinh viên Trường đại học FPT nhận được nhiều đánh giá tích cực từ dự án như khả năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm tốt, năng động và cầu tiến.
Công ty TNHH Phần mềm FPT Hà Nội định hướng đào tạo nguồn nhân lực đạt tiêu chuẩn quốc tế, có khả năng làm việc toàn cầu, do đó, doanh nghiệp mong muốn thời gian tới hợp tác chặt chẽ với nhà trường để xây dựng các chuẩn đầu ra cho sinh viên phù hợp yêu cầu tuyển dụng. Khi được đào tạo theo các tiêu chuẩn quốc tế ngay từ đầu, sinh viên sẽ có khả năng tiếp cận doanh nghiệp khi còn học trong nhà trường; sinh viên năm thứ 2, thứ 3 có thể đủ kiến thức để tham gia thực tập; sinh viên năm thứ 4 có thể làm việc song song với thời gian hoàn thành đồ án tại trường.
Phát triển nhân lực cho các ngành, lĩnh vực khác, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã ký thỏa thuận hợp tác với Ðại học Quốc gia Hà Nội sau khi cơ sở Ðại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc đi vào hoạt động. Theo đó, Ðại học Quốc gia Hà Nội sẽ nghiên cứu nhu cầu đào tạo và phát triển nhân lực của các doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc; tổ chức các chương trình đào tạo và bồi dưỡng nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của các doanh nghiệp trong khu; cung cấp nguồn nhân lực, nhóm nghiên cứu chất lượng cao cho các cơ sở nghiên cứu, hoạt động ươm tạo và các doanh nghiệp trong khu…
Bên cạnh đó, từ năm 2006 đến nay, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã tổ chức các khóa đào tạo về kỹ sư cầu nối, giảng viên công nghệ thông tin, quản lý dự án công nghệ thông tin, an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, kỹ năng làm việc nhóm,… cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu. Ðáng chú ý là triển khai chương trình sát hạch theo chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin chung châu Á nhằm phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao cho Việt Nam.
Ông Lê Việt Dũng, phụ trách mảng đào tạo sát hạch của Trung tâm Ươm tạo và Ðào tạo Công nghệ cao cho biết, chuẩn kỹ năng này được công nhận lẫn nhau tại 7 nước trong Hội đồng chuyên môn về sát hạch công nghệ thông tin châu Á (Hội đồng ITPEC), đó là: Nhật Bản, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Mông Cổ, Bangladesh. Chuẩn kỹ năng được sát hạch theo 7 bậc, tương ứng từ mức yêu cầu kiến thức cơ bản, tối thiểu đến mức chuyên gia cao cấp về lĩnh vực công nghệ thông tin trong nước và quốc tế.
Tại Việt Nam, Trung tâm Ươm tạo và Ðào tạo Công nghệ cao là đầu mối duy nhất tổ chức và phối hợp các nước để triển khai hỗ trợ đào tạo theo chuẩn kỹ năng, và tổ chức các kỳ sát hạch chung, cùng đề và thời gian với các nước. Ðến nay, trên cả nước có gần 17 nghìn thí sinh đăng ký dự thi, nhưng mới chỉ có 3.120 thí sinh vượt qua kỳ sát hạch khắt khe này được cấp chứng nhận của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ.
Theo ông Lê Việt Dũng, doanh nghiệp có thể sử dụng kết quả sát hạch theo các chuẩn chung châu Á (IP, FE, AP) như một thước đo uy tín và chính xác về trình độ năng lực nguồn nhân lực đang làm việc cũng như tuyển dụng, và là một trong những cơ sở để tham gia thị trường nhân lực khu vực và quốc tế. Với khung chương trình được xây dựng và thường xuyên cập nhật theo sát sự phát triển của công nghệ, nguồn câu hỏi thi do các doanh nghiệp, giảng viên đại học xây dựng và cập nhật mỗi kỳ sát hạch, cho nên có giá trị đánh giá phân loại trình độ nhân lực cao.
Tại Việt Nam, một số cơ sở đào tạo cũng đã nhanh chóng tiếp thu, định hướng, có chính sách khuyến khích học viên, sinh viên của trường tiếp cận và tham dự sát hạch theo chuẩn kỹ năng này khi còn chưa tốt nghiệp, như: Trường đại học FPT, Ðại học Bách khoa, Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường đại học Hoa Sen, Trường đại học Văn Lang, Trường đại học Duy Tân, Trường đại học CMC, Trường đại học Ðông Á… Ðể đáp ứng nhu cầu chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, thời gian tới, trung tâm sẽ mở rộng áp dụng sát hạch chuẩn quốc tế cho các ngành, lĩnh vực khác.
Từ thực tiễn hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao, ông Lê Việt Dũng cho rằng, số lượng lao động đạt chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin chung châu Á còn quá thấp so với số lượng hơn 50 nghìn sinh viên tốt nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông hằng năm. Ðể góp phần thực hiện mục tiêu hằng năm có thể sát hạch đánh giá nhân lực đạt trình độ tương đương quốc tế cho 100% sinh viên đã qua đào tạo, các bộ, ngành liên quan cần xem xét, áp dụng chính thức chuẩn kỹ năng để đào tạo tại các trường đại học có ngành công nghệ thông tin thay vì nhu cầu đào tạo của riêng từng trường như hiện nay.
Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển chuỗi hoạt động tri thức và công nghệ giữa trường đại học; tổ chức nghiên cứu, triển khai kết nối doanh nghiệp và thị trường.
Ý kiến ()