Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn
LSO-Thực hiện Quyết định 5480/QĐ-BNN-KTHT, ngày 29/12/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT) giai đoạn 2016 – 2020, từ năm 2017, Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn chủ trì công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT. Theo đó, Sở NN&PTNT giao cho Chi cục PTNT là cơ quan thường trực giúp sở tổ chức thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT.
Người dân xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc ứng dụng kiến thức kỹ thuật chăn nuôi gà |
Ông Phạm Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục PTNT cho biết: Chi cục đã gửi công văn đăng ký nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp nông thôn năm 2017 cho UBND huyện, thành phố và các xã về đích nông thôn mới năm nay. Trong đó, định hướng nội dung dạy nghề đối với cây, con chủ lực hoặc có hiệu quả tại địa bàn gắn với mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất. Đồng thời triển khai ký kết hợp đồng với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Bắc Sơn để tổ chức dạy nghề nông nghiệp.
Với kinh phí 1 tỷ đồng (tăng 200 triệu đồng so với năm 2016), đào tạo nghề nông nghiệp năm 2017 tập trung vào 9 nghề cơ bản: kỹ thuật chăn nuôi lợn, dê, gà, cá nước ngọt, kỹ thuật trồng hồi, trồng cây ăn quả, trồng rừng kinh tế, trồng rau an toàn, trồng lạc. Thống kê của Chi cục PTNT, đến hết tháng 11/2017, chi cục đã mở được 13 lớp dạy nghề nông nghiệp cho LĐNT (vượt 5 lớp so với năm 2016), thu hút trên 440 LĐNT tham gia học nghề nông nghiệp, đạt 100% kế hoạch đề ra. 100% lớp dạy nghề đều được chi cục kiểm tra, giám sát 3 – 4 lần để kịp thời nắm bắt tâm tư của người học, điều chỉnh hợp lý để lớp học hiệu quả.
Chị Vi Thị Oanh, người dân thôn Quang Hòa, xã Cường Lợi, huyện Đình Lập cho biết: Vừa rồi, tôi được học lớp kỹ thuật chăn nuôi gà do Trung tâm Khuyến nông tỉnh dạy. Sau khi học xong, tôi vay tiền mua một đàn gà để nuôi theo phương pháp được học. Hiện tại gà đang sinh trưởng, phát triển tốt. Hy vọng sẽ kịp bán dịp tết, nâng cao thu nhập cho gia đình. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tích cực chăn nuôi, quyết tâm ra khỏi hộ cận nghèo.
Theo đánh giá của Chi cục PTNT tỉnh, qua học nghề, có khoảng 80% học viên biết áp dụng kiến thức, kỹ năng được học vào thực tế sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động.
Để chủ động mở các lớp dạy nghề nông nghiệp cho LĐNT trong năm 2018, ngay từ cuối năm 2017, Chi cục PTNT đã tham mưu cho Sở NN&PTNT gửi văn bản cho UBND huyện, thành phố yêu cầu tổng hợp nhu cầu và đăng ký học nghề nông nghiệp năm 2018. Ông Phạm Tuyến cho biết thêm: Dự kiến chi cục sẽ phối hợp mở 123 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT với hơn 4.300 người tham gia. Trong đó có 75 lớp dạy nghề trồng trọt cho trên 2.620 người học; 48 lớp dạy nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản cho trên 1.680 người tham gia. Các lớp nghề sẽ dạy trực tiếp tại UBND xã hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên của các huyện.
THANH HÒA
Ý kiến ()