Đào tạo nghề: Linh hoạt để phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp
Đào tạo tại Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội (chụp trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19
Xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt
Tham gia tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Giáo dục nghề nghiệp: Những bước chuyển mình mạnh mẽ thu hút giới trẻ” do Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và báo VietNamNet phối hợp tổ chức ngày 7-5, bạn Trương Thế Diệu, cựu sinh viên trường Cao đẳng Nghề Bách Khoa Hà Nội, người giành Huy chương Bạc trong Kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019, chia sẻ, kỹ năng nghề phải qua thực hành, làm việc mới hình thành được. Thành tích của Diệu có được chính từ sự cần cù, chăm chỉ học hỏi từ thầy cô và rèn luyện tại môi trường làm việc – công ty Denso, một trong những đối tác tham gia đào tạo ngành cơ khí cùng trường.
Sự hợp tác giữa các trường cao đẳng, trường nghề với các doanh nghiệp là một trong những xu thế hiện nay để nâng cao chất lượng đào tạo trong nhà trường, giúp sinh viên tiếp cận gần hơn với thị trường lao động. Ông Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng nhận xét, cách đây 10 năm, nhà trường liên hệ với doanh nghiệp thường chỉ để xin tham quan và cho sinh viên thực tập. Nhưng hiện nay, việc hợp tác đã trở nên toàn diện hơn.
Tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng hiện có 19 ngành nghề đào tạo và đang hợp tác với hơn 500 doanh nghiệp để chia sẻ đánh giá chất lượng, tuyển dụng, góp ý chương trình đào tạo, tài trợ trang thiết bị, hỗ trợ cho các cuộc thi học thuật, chia sẻ công nghệ mới… Từ đó, nhà trường có sự thay đổi phù hợp, linh hoạt hơn trong chương trình đào tạo để sinh viên ra trường có thể đáp ứng được ngay yêu cầu của doanh nghiệp.
Ngay cả chương trình đào tạo, ông Kha cho biết, trước đây nếu không lắng nghe ý kiến doanh nghiệp – bên sử dụng lao động, thường từ hai tới ba năm, nhà trường mới thay đổi. Nhưng giờ có thể điều chỉnh linh hoạt hơn trong năm học. Đó cũng là trách nhiệm của nhà trường để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động luôn thay đổi liên tục hiện nay.
Hiệu quả từ hợp tác ba bên
Nằm trong Khu Công viên phần mềm Quang Trung (quận 12, TP Hồ Chí Minh), một trong những trung tâm công nghệ lớn của Thành phố được xem là một lợi thế của trường Cao đẳng Viễn Đông khi tiếp cận với thị trường lao động. Ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông cho biết, nhà trường kết nối với nhiều doanh nghiệp công nghệ ngay tại đây để tổ chức các khóa học cho sinh viên. Sau đó, chính các doanh nghiệp này lại là nơi đón nhận sinh viên của nhà trường.
Tại trường Cao đẳng Viễn Đông, hầu hết chương trình của nhà trường có đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tham gia vào ban cố vấn. Sinh viên còn tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế của nhà trường để thêm các cơ hội nâng cao kỹ năng nghề, tìm kiếm việc làm sau khi ra trường.
Dù nhìn thấy hiệu quả thực sự, nhưng trong quá trình triển khai, vẫn còn những vấn đề hợp tác mang tính hình thức. Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động chỉ ra, trong tổng kết giai đoạn 2011-2020 về việc kết nối nhà trường và doanh nghiệp của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp tham gia đào tạo. “Hình thức nhận học viên thực tập tại doanh nghiệp mang tính hình thức, cao nhất là 14% doanh nghiệp thực hiện. Việc doanh nghiệp tham gia tích cực như tiêu chuẩn nghề, đầu ra, ngành mục đào tạo, đánh giá kết quả học tập, còn lại rất hạn chế”, bà Lan Anh cho biết.
Nguyên nhân của những tồn tại trên một phần do tư duy của những người đứng đầu. Nhà trường chủ động hướng tới nhu cầu của doanh nghiệp, lấy học viên và doanh nghiệp làm trọng tâm thì sẽ mang lại hiệu quả, có thể đo đếm bằng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm. Trong khi đó, việc làm chưa thực chất còn bởi nhiều nhà trường và doanh nghiệp chưa biết cách triển khai trong thực tế.
Ông Vũ Văn Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Thanh tra (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, việc phối hợp giữa ba bên – Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp rất quan trọng để các bên có thể gắn kết với nhau từ chính sách tới triển khai thực tế. Bên cạnh nhà trường và doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cũng giữ vai trò ban hành cơ chế chính sách, khuyến khích quy định rõ trách nhiệm doanh nghiệp, điều kiện thực hành thực tập… để có thể bảo đảm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, hiệu quả.
Theo Nhandan
Ý kiến ()