Chủ nhật, 24/11/2024 23:57 [(GMT +7)]
Đào tạo nghề lao động nông thôn ở Bình Gia: Còn nhiều khó khăn
Thứ 4, 25/04/2012 | 15:56:00 [(GMT +7)] A A
chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn...
LSO-Theo số liệu khảo sát về nhu cầu học nghề của huyện Bình Gia, hiện địa phương có gần 30 nghìn người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, số lao động nông thôn được đào tạo nghề mới đạt 5,7% (hơn 1.700 người). Qua con số này có thể thấy công tác đào tạo nghề ở đây còn nhiều hạn chế.
Người lao động được đào tạo kỹ thuật ươm cây giống (ảnh minh họa)
Theo báo cáo của UBND huyện Bình Gia, năm 2011, Trung tâm Dạy nghề huyện liên kết với Trung tâm Giới thiệu việc làm – Sở LĐ-TB&XH tỉnh và trường Trung cấp nghề Việt Đức mở được 6 lớp dạy nghề cho 195 lao động trên địa bàn. 6 lớp này cũng chỉ mở ở tại 4 xã là Minh Khai, Mông Ân, Hoàng Văn Thụ và Thiện Long. Bình Gia là một huyện nghèo (tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức 54,48%) với 14 xã/20 xã thị trấn còn nằm trong diện xã đặc biệt khó khăn, đó là chưa kể đến 3 thôn vùng 3 của 2 xã vùng 2 là Minh Khai và Hồng Phong. Chính vì vậy, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn mới đến 4 xã như vậy là chưa đạt được mục tiêu đề ra. Bà Hoàng Thị Đường, trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Gia cho biết: Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, huyện Bình Gia đã tổ chức rà soát, điều tra nhu cầu lao động học nghề với lao động trên địa bàn, đồng thời hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất dạy và học còn sơ sài, đặc biệt là ý thức của chính người lao động khu vực nông thôn vẫn chưa muốn học nên số lượng mở lớp cũng như học viên được đào tạo không nhiều. Nguyên nhân của việc này là do công tác tuyên truyền và tư vấn học nghề chưa tốt. Một số xã chưa phối hợp một cách chặt chẽ khi xây dựng kế hoạch, định hướng đào tạo nghề để phát triển ngành nghề nông thôn. Chính quyền địa phương chưa chú trọng đến công tác dạy nghề cho lao động, các văn bản chỉ đạo tuyển lao động, tạo việc làm cho người lao động của cấp trên không triển khai đến nhân dân. Đây là nguyên nhân chính khiến kết quả đào tạo nghề đạt thấp. Một nguyên nhân khác là do địa phương thiếu giáo viên, hiện Trung tâm Dạy nghề của huyện cũng chỉ có 4 biên chế (1 lãnh đạo, 1 kế toán, 1 giáo viên kỹ thuật, 1 giáo viên nông lâm). Trong khi đó, việc dạy nghề cho lao động nông thôn theo QĐ 1956 phần lớn là dạy tại địa phương, dạy theo phương pháp cầm tay chỉ việc. Do vậy, với 2 giáo viên thì thật khó có thể mở rộng diện đào tạo. Việc liên kết với các trung tâm dạy nghề khác cũng không phải lúc nào cũng làm được.
Cùng với những khó khăn trên, Bình Gia vẫn chưa quy hoạch về đào tạo nghề cho một giai đoạn dài hơi 5 năm, 10 năm mà vẫn chỉ căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch từng năm. Do vậy, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các đoàn thể xã hội chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ trong triển khai đào tạo. Việc định hướng nghề cho lao động nông thôn chưa được chuyên sâu, các ngành nghề đào tạo còn ít. Trong năm 2011 và cả 3 tháng đầu năm 2012, Bình Gia đã mở một số lớp dạy nghề như: kỹ thuật trồng cây mỡ, chăn nuôi lợn, trồng trọt, sửa chữa máy nông nghiệp – xe máy. Nhưng nhìn vào đây, chúng ta có thể thấy, các ngành nghề được đào tạo đều chủ yếu thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực phi nông nghiệp còn ít. Do đó, đào tạo nghề hiện vẫn chưa đáp ứng được một trong những mục tiêu của Đề án 1956 đề ra là chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn…
PHƯƠNG DUNG
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()