Quá trình phát triển công nghiệp, đô thị hóa cùng nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của Bắc Ninh đang đặt ra đối với các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trước mắt là đào tạo nghề lao động khu vực nông thôn (LĐNT)... Học nghề đúc đồng truyền thống ở thôn Đào Viên, xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành. Từ nghịch lý thừa và thiếu lao độngBắc Ninh được biết đến là một địa phương có tốc độ tăng trưởng cao, đô thị hóa nhanh. Hiện nay, toàn tỉnh có 15 khu công nghiệp và 26 cụm công nghiệp tập trung với tổng diện tích hơn 81 nghìn ha, đã và đang triển khai, đi vào hoạt động. Ba năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng bình quân 28%/năm. Chúng tôi về Khắc Niệm, một trong sáu xã mới tách từ các huyện lân cận, nhập về TP Bắc Ninh. Xã có nghề làm bún lâu đời, thời kỳ cao điểm có 500 hộ làm nghề, thu hút cả nghìn lao động. Công việc sản xuất bún ở xã khi được chuyển từ làm thủ...
Quá trình phát triển công nghiệp, đô thị hóa cùng nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của Bắc Ninh đang đặt ra đối với các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trước mắt là đào tạo nghề lao động khu vực nông thôn (LĐNT)…
Học nghề đúc đồng truyền thống ở thôn Đào Viên, xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành.
Từ nghịch lý thừa và thiếu lao động
Bắc Ninh được biết đến là một địa phương có tốc độ tăng trưởng cao, đô thị hóa nhanh. Hiện nay, toàn tỉnh có 15 khu công nghiệp và 26 cụm công nghiệp tập trung với tổng diện tích hơn 81 nghìn ha, đã và đang triển khai, đi vào hoạt động. Ba năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng bình quân 28%/năm.
Chúng tôi về Khắc Niệm, một trong sáu xã mới tách từ các huyện lân cận, nhập về TP Bắc Ninh. Xã có nghề làm bún lâu đời, thời kỳ cao điểm có 500 hộ làm nghề, thu hút cả nghìn lao động. Công việc sản xuất bún ở xã khi được chuyển từ làm thủ công sang làm máy, thì chỉ còn 200 hộ làm nghề, vài trăm lao động làm bún không có việc làm. Đồng chí Nguyễn Thanh Đôn, Phó Chủ tịch xã cho biết: Hiện nay, các doanh nghiệp thuộc cụm công nghiệp, làng nghề trên chính địa bàn xã đang cần tuyển hàng nghìn lao động, nhưng vài trăm lao động đang thiếu việc làm ở xã không thể dự tuyển vì không có nghề. Nghịch lý của Khắc Niệm đang tồn tại ở nhiều làng, xã ở Bắc Ninh. Trong khi hàng chục nghìn LĐNT của tỉnh đang thiếu việc làm thì mỗi năm, các khu công nghiệp, doanh nghiệp, làng nghề địa bàn Bắc Ninh cũng đang thiếu hàng vạn lao động chuyên môn kỹ thuật để duy trì và mở rộng sản xuất.
Hiện nay, tỷ lệ lao động toàn tỉnh chưa qua đào tạo còn gần 50% , trong đó LĐNT chiếm hơn 60%. Cùng với đó là cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn còn nhiều bất cập. Đồng chí Hoàng Huy Tập, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết : Lao động chuyên môn kỹ thuật của tỉnh hiện nay mới đáp ứng được gần 40% nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn.
Theo khảo sát mới đây, mỗi năm toàn tỉnh có gần 29 nghìn LĐNT có nhu cầu đào tạo nghề (trong đó, hơn 10 nghìn người có nhu cầu đào tạo nghề bậc trung cấp trở lên). Đến nay, thực tế đào tạo nghề LĐNT toàn tỉnh đạt khoảng 12 nghìn ở bậc sơ cấp và ngắn hạn cùng hơn bốn nghìn lao động đạt trình độ trung cấp và cao đẳng nghề. Như vậy, còn một số lượng lớn LĐNT có nhu cầu đào tạo nhưng chưa được đáp ứng. Đó là chưa tính còn một số lượng không nhỏ LĐNT cần đào tạo lại nghề hằng năm do đất nông nghiệp thu hẹp, do chuyển dịch cơ cấu kinh tế và để đáp ứng yêu cầu thị trường.
Sự thiếu hụt, mất cân đối về lao động ở khu vực nông thôn Bắc Ninh đã và đang là “điểm nghẽn” cản trở tiến trình phát triển kinh tế – xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa…
Cách làm mới, nguồn nhân lực mới
Trước thực tế đặt ra, nhiều năm liền, Bắc Ninh tập trung mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của LĐNT. Từ năm 2010 đến nay, qua khảo sát nhu cầu đào tạo nghề của LĐNT, tỉnh đã tập trung lãnh đạo công tác này. Tám huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo, đề ra chương trình hành động, phát triển các trung tâm dạy nghề đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế địa phương. Công tác đào tạo nghề LĐNT ở Bắc Ninh được triển khai theo hướng đa dạng các loại hình, các ngành nghề đào tạo: Dạy nghề tại cộng đồng theo nhu cầu lao động; liên kết với trường dạy nghề để đào tạo liên thông đạt trình độ cao; dạy nghề và tạo việc làm thông qua các chương trình của Chính phủ. Trên địa bàn, hàng loạt nghề được mở rộng đào tạo gắn với thị trường và nhu cầu lao động. Tỉnh đã đầu tư mở thêm hệ cao đẳng và trung cấp nghề, nâng số lao động được đào tạo hệ trung cấp và cao đẳng từ bốn nghìn lên hơn năm nghìn mỗi năm.
Cần ghi nhận sự vào cuộc mạnh mẽ của các đoàn thể quần chúng như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh. Nỗ lực này góp phần để công tác đào tạo nghề phủ rộng tới tận làng, xã và cả các đối tượng thiệt thòi như: Lao động trình độ văn hóa thấp, lao động trung niên chưa có nghề, người hoàn lương… trên địa bàn toàn tỉnh.
Nhờ vậy đã xuất hiện những mô hình mới, hiệu quả. Huyện Thuận Thành thành lập Trường trung cấp Nghề kinh tế – kỹ thuật và thủ công mỹ nghệ truyền thống. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Chế cho biết: Nhà trường đào tạo nghề luôn gắn với nhu cầu nhân lực của các khu công nghiệp trên địa bàn, đồng thời thông qua đào tạo nghề LĐNT nhằm khôi phục các làng nghề truyền thống của huyện và vùng phụ cận. Đề án đào tạo nghề truyền thống ở xã Nguyệt Đức (Thuận Thành) của nhà trường đã làm sống lại nghề đúc đồng lâu đời ở thôn Đào Viên, thu hút được hàng trăm lao động của thôn đi làm xa về học nghề, chung vốn mở lò mới. Sản phẩm ra lò được bao tiêu hết. Thu nhập của thợ đạt hơn ba triệu đồng/tháng. Mới đây, nhà trường tiếp tục mở lớp dạy nghề kỹ thuật chạm khắc trên gỗ, góp phần khôi phục làng nghề truyền thống mộc mỹ nghệ thôn Bình Cầu, xã Hoài Thượng.
Một mô hình khác, đó là: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm LĐNT gắn liền với doanh nghiệp. Mô hình “ba trong một” này lấy các cơ sở dạy nghề làm nơi đào tạo, thực hành, vừa là nơi giới thiệu việc làm. Năm 2010, mô hình trên của các huyện Thuận Thành, Lương Tài, Gia Bình, thị trấn Từ Sơn dạy các nghề thêu, mộc dân dụng, may, cơ khí… đã tạo việc làm cho 1.200 lao động với mức lương từ hai triệu đồng/tháng/người trở lên…
Điều dễ nhận thấy lĩnh vực đào tạo nghề LĐNT Bắc Ninh đã có bước phát triển rõ nét cả về lượng và chất: Nếu như năm 2009 mới chỉ có bảy nghìn LĐNT được đào tạo thì năm 2010 đạt 11 nghìn, riêng sáu tháng đầu năm 2011 có hơn 10 nghìn LĐNT của tỉnh tham gia học nghề. Đây chính là nguyên nhân quan trọng để trong sáu tháng đầu năm 2011, tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 13 nghìn lao động, tăng 19% so cùng kỳ năm 2010.
Nỗ lực phải đồng bộ, chính sách cần hoàn thiện
Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh có 660 nghìn lao động trong độ tuổi, LĐNT chiếm 76%. Triển khai thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, tỉnh đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi đây là nhân tố cơ bản góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Nhằm tạo bước đột phá vào lĩnh vực trên, tháng 4-2011, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt và triển khai đề án đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020. Đề án đặt ra mục tiêu mỗi năm, tỉnh đào tạo nghề cho 12 nghìn LĐNT với tỷ lệ có việc làm là 85%. Theo đó, trong năm năm, cùng với nguồn ngân sách Trung ương là hơn 112 tỷ đồng, tỉnh sẽ huy động từ ngân sách địa phương 229 tỷ đồng cho lĩnh vực công tác này. Như vậy, với nguồn kinh phí hằng năm tăng gấp từ hai đến ba lần trước đây cho phép Bắc Ninh tăng cường cả về quy mô và chất lượng đào tạo nghề LĐNT. Nhất là trong bối cảnh nhiều cơ sở dạy nghề của tỉnh quy mô còn nhỏ, trang thiết bị vừa thiếu vừa lạc hậu, cơ cấu đào tạo nghề chưa hợp lý.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Nhân Chiến nhấn mạnh: Thông qua đề án, tỉnh tập trung thực hiện tốt hơn chính sách đối với các gia đình có công, hộ nghèo, hộ diện thu hồi đất canh tác khu vực nông thôn. Tỉnh cũng tập trung nguồn lực để đến năm 2015 đào tạo mới 1.250 công chức cấp xã có trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học. Tỉnh nỗ lực tạo chuyển biến căn bản về nhân lực quản lý khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, hiện nay LĐNT ở Bắc Ninh từ 35 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ hơn 60%. Đây chính là nhóm đối tượng có tiềm năng phát triển kinh tế hộ. Hầu hết họ là chủ gia đình. Những khảo sát mới đây lại cho thấy, một tỷ lệ không nhỏ trong nhóm đối tượng này đang thiếu việc làm, nhu cầu được đào tạo và đào tạo lại nghề cao. Trong đó, riêng lao động nữ thuộc diện hộ thu hồi đất nông nghiệp, hộ nghèo, cận nghèo lên đến con số hàng chục nghìn. Thiết nghĩ, các chương trình, dự án đào tạo nghề cần nỗ lực cao hơn và tập trung vào nhóm lao động này.
Từ cách làm tại các huyện Thuận Thành, Gia Bình, Từ Sơn và thành phố Bắc Ninh cho thấy, việc đào tạo nghề LĐNT nhất là với lao động nữ, lao động tuổi trung niên muốn hiệu quả phải gắn liền với phát triển các HTX sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ chính tại thôn, xóm. Nhân tố này đặt ra yêu cầu tỉnh tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất trên địa bàn. Đồng thời cần xã hội hóa công tác đào tạo nghề LĐNT, phát huy vai trò của doanh nghiệp và người lao động trong việc đào tạo và tự đào tạo nghề.
Theo Nhandan
Ý kiến ()