Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động: Hiệu quả từ hợp tác 3 bên
– Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) đã góp phần đáng kể kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, ổn định tình hình trật tự xã hội của địa phương. Để có những kết quả đó chính là hiệu quả từ việc chủ động đẩy mạnh hợp tác 3 bên giữa nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp (DN).
Đầu tư nguồn lực cho dạy nghề
Toàn tỉnh hiện có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với các ngành, nghề đào tạo ở 3 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp). Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của các cơ sở GDNN tiếp tục được đầu tư. Tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) – giáo dục thường xuyên (GDTX), thiết bị dành cho đào tạo nghề, nhất là các nghề phi nông nghiệp đã được đầu tư, đáp ứng nhu cầu cho đào tạo nghề ở cơ sở. Đối với các nghề trọng điểm, cấp quốc gia, quốc tế, trong vài năm gần đây đã được Nhà nước quan tâm đẩy mạnh, tạo nguồn lực hỗ trợ các địa phương. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã được trung ương phân bổ 14 tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị đào tạo các nghề trọng điểm các cấp độ như: quốc gia, quốc tế và ASEAN.
Công ty TNHH MTV DK Việt Nhật tự tổ chức đào tạo nghề cho đội ngũ nhân viên mới tuyển dụng vào làm việc tại công ty
Cụ thể, năm 2020, Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc được phân bổ 5 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo 5 nghề trọng điểm: nghề gia công và thiết kế sản phẩm mộc cấp độ quốc tế; nghề công nghệ ô tô và nghề vận hành máy thi công nền cấp độ ASEAN; nghề lâm sinh và nghề mộc xây dựng và trang trí nội thất cấp độ quốc gia. Năm 2021, Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn được đầu tư 9 tỷ đồng mua sắm các trang thiết bị phục vụ đào tạo 5 ngành nghề trọng điểm cấp quốc gia gồm: cơ điện nông thôn, điện công nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm; nâng cấp xưởng thực hành nghề điện công nghiệp và nghề cơ điện nông thôn.
Ông Lê Quang Hồng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn cho biết: Ngoài được đầu tư trang thiết bị để đào tạo 5 nghề cấp quốc gia thì hiện nay, nhà trường đang đào tạo cho nhiều cấp trình độ và ngành nghề khác nhau, cụ thể gồm: 9 nghề trình độ cao đẳng, 13 nghề trình độ trung cấp, 15 nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên theo nhu cầu của xã hội. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đặc biệt được quan tâm nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy nghề, kịp thời đáp ứng nhu cầu về đào tạo nghề cho DN và xã hội.
Sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước cho các nhà trường để đào tạo nghề đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhiều DN ở địa phương, nhờ vậy, công tác phối hợp, hợp tác 3 bên Nhà nước – nhà trường – DN trong công tác đào tạo được đẩy mạnh. Theo đó, các bên đã đa dạng hóa các hình thức hợp tác như: xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo; tổ chức ký kết đào tạo theo đặt hàng của DN; liên kết đào tạo giữa trường và DN; khuyến khích động viên NLĐ trong DN tham gia học nghề; hợp tác tổ chức, bồi dưỡng kỹ năng giảng dạy, kỹ năng tổ chức, quản lý đào tạo cho cán bộ, giảng viên của nhà trường và cán bộ kỹ thuật (người dạy) của DN tham gia giảng dạy; hợp tác cho sinh viên vừa học vừa làm tại cơ sở GDNN và DN; hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng và cấp chứng chỉ nghề cho NLĐ của DN và việc tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho DN.
Đào tạo nghề theo nhu cầu của DN và xã hội
Để phát huy cơ sở vật chất, trang thiết bị, Nhà nước đã đầu tư cho các cơ sở GDNN trong đào tạo nghề, thời gian qua, các cơ sở GDNN đã chủ động phối hợp với một số DN trên địa bàn tỉnh tổ chức khảo sát, rà soát nhu cầu đào tạo nghề trong các DN, qua đó, nắm bắt nhu cầu ngành, nghề đào tạo để tập trung tuyển sinh, đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực cho các DN tuyển dụng. Theo đó, các cơ sở GDNN đã phối hợp với DN thực hiện đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho NLĐ; tổ chức cho sinh viên thực hành tại các công ty, DN; phối hợp đào tạo theo đặt hàng của đơn vị, DN…
Mục tiêu của tỉnh đối với GDNN và giải quyết việc làm trong năm 2022:
|
Đáng chú ý, năm 2021, mặc dù ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng một số cơ sở GDNN và DN đã phối hợp đào tạo nghề, cụ thể như: Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc phối hợp với 3 DN thuộc nhóm nghề: chăn nuôi – thú y, chế biến gỗ, điện – điện lạnh – điện tử đưa dây chuyền sản xuất của DN về nhà trường để kết hợp đào tạo và sản xuất kinh doanh; phối hợp với 23 DN tổ chức cho học sinh, sinh viên đến thực tập có hưởng lương; hợp tác với 30 DN trong công tác tuyển dụng học sinh, sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp ra trường.
Tại Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn, nhà trường đã tuyển sinh đào tạo được 6 lớp của 2 DN theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với tổng số 135 học viên. Cùng với đó, nhà trường phối hợp với 40 DN hợp tác thực tập sản xuất, thực tập tốt nghiệp, đào tạo nâng cao tay nghề cho NLĐ; hợp tác với các DN trong mối quan hệ hợp tác tuyển dụng ngay sau khi học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường là 80 người; 100 người học được các DN có mối quan hệ hợp tác đón nhận đến thực tập có hưởng lương…
Bà Hà Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Sở đã chủ động phối hợp với Hiệp hội DN tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức rà soát, thống kê nhu cầu GDNN cho NLĐ trong DN trên địa bàn tỉnh; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở GDNN, phòng LĐTB&XH – dân tộc các huyện, thành phố thực hiện triển khai gắn kết với DN trong công tác đào tạo, chủ động đẩy mạnh hợp tác 3 bên: Nhà nước – nhà trường – DN. Các cơ sở GDNN tích cực chủ động tìm các đơn hàng để hợp tác đào tạo trong các lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với địa phương theo đúng định hướng phát triển kinh tế – xã hội; phối hợp cùng Hiệp hội DN tỉnh, các DN có nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo thực hiện đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo theo đơn đặt hàng của DN nhằm hỗ trợ hoạt động phát triển kinh doanh của DN.
Theo thống kê của Hiệp hội DN tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có trên 3.400 DN đang hoạt động với khoảng 45 nghìn NLĐ. Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho biết: Hiệp hội có khoảng 600 hội viên. Để các DN vận hành thì bên cạnh nhu cầu về vốn, tiềm lực tài chính thì nguồn nhân lực cũng vô cùng quan trọng. Vì vậy, thời gian qua, Hiệp hội DN tỉnh đã đẩy mạnh phối hợp với Sở LĐTB&XH chỉ đạo các DN, hội viên và các cơ sở GDNN, các trường nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức rà soát, phân tích cung – cầu lao động để có sự phối hợp hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu về sử dụng lao động cho các DN.
Hiệu quả thiết thực
Với những nỗ lực trong công tác phối hợp, liên kết đào tạo, năm 2021, các cơ sở GDNN tuyển sinh và đào tạo được 11.370 người, trong đó, trình độ sơ cấp 7.894 người; đào tạo dưới 3 tháng 700 người; trung cấp 2.160 người; cao đẳng 616 người, đạt 60% so với kế hoạch, qua đó, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 57,2%, tăng 1,2% so với năm 2020; sau đào tạo có trên 80% học sinh có việc làm, thu nhập ổn định.
“Hàng năm, trên địa bàn tỉnh có hơn 10.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Theo tổng hợp năm 2021, có 75,7% học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các trường THPT; 18,4% học sinh vào học tại các cơ sở GDNN; 5,9% học sinh tham gia lao động sản xuất tại địa phương. Đối với phân luồng sau THPT cho thấy học sinh có nhiều lựa chọn hơn sau khi tốt nghiệp THPT. Qua khảo sát năm 2021 cho thấy, nhóm đi học tiếp các trường chuyên nghiệp sau khi tốt nghiệp chiếm 34,9%; nhóm đi làm công nhân chiếm 28,9%; nhóm tham gia lao động sản xuất ở địa phương chiếm 32,4%; số còn lại tham gia vào các phân luồng khác như: đi nghĩa vụ, đi du học… Thông qua việc phân luồng, khảo sát nhu cầu của HSSV, thời gian qua, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở LĐTB&XH, các cơ sở GDNN thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền các chính sách khuyến khích học sinh sau THCS, THPT vào học tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề như: miễn giảm học phí, hỗ trợ nhà ở và hỗ trợ tìm đầu ra sau khi tốt nghiệp cho HSSV trên địa bàn tỉnh.” Bà Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo |
Anh Nông Văn Vàng, sinh viên nghề công nghệ ô tô, Khoa Cơ khí, khoá 17, Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn cho biết: Sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi đã xin vào làm việc tại gara ô tô Suzuki ở ngã tư Phai Trần, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn. Với kỹ năng nghề nghiệp được học tại trường, tôi đã áp dụng hiệu quả vào công việc, hiện nay, hằng tháng, tôi có thu nhập ổn định, phụ giúp được kinh tế cho gia đình.
Cùng với đào tạo nghề, thời gian qua, tỉnh cũng chú trọng công tác giải quyết việc làm cho NLĐ. Mặc dù ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng năm 2021, các ngành chức năng của tỉnh đã nỗ lực giải quyết việc làm cho trên 2.000 NLĐ ở khu vực nông thôn và trên 14,6 nghìn NLĐ tại các DN trong và ngoài tỉnh cũng như đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;…
Bà Bùi Thị Bích Đào, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xe điện DK Việt Nhật cho biết: Năm 2019, DN chúng tôi ký hợp đồng liên kết với Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn để cung cấp dây chuyền lắp ráp xe điện, đặt các modul, chuyên đề đào tạo gắn với nhu cầu của DN. Sau 3 năm triển khai thực hiện, chúng tôi đã xây dựng được giáo trình lắp ráp, tổ chức đào tạo các nội dung về cơ khí, cơ điện và sơn hàn, cung cấp cho DKBike những cán bộ kỹ thuật cốt cán làm chủ kỹ thuật, kỹ năng, hiện số NLĐ này chiếm khoảng 18% tổng lao động của DN. Ngoài ra, từ cuối năm 2021 đến nay, chúng tôi đang được thụ hưởng 3 lớp nghề sửa chữa xe máy và công nghệ hàn cho 65 NLĐ từ chương trình hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Những kết quả trong đào tạo nghề, tạo việc làm cho NLĐ đã khẳng định hiệu quả trong liên kết giữa Nhà nước – nhà trường – DN. Nếu tiếp tục phát huy hiệu quả mối quan hệ hợp tác 3 bên này thì thời gian tới, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NLĐ trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều bước tiến mới, đạt những mục tiêu năm 2022 đề ra.
“Thời gian qua, Huyện uỷ, UBND huyện đã quan tâm chỉ đạo công tác đào tạo nghề, tạo việc làm trên địa bàn huyện. Năm 2021, toàn huyện có 744 học viên được đào tạo nghề, đạt 106% so với kế hoạch; giới thiệu lao động đi làm việc tại các DN trong và ngoài tỉnh được 1.334 người, đạt 102% so với kế hoạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 61,5%, đạt 100,8% so với kế hoạch. Phát huy những kết quả này, năm 2022, huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát nhu cầu, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở GDNN, cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh nhằm thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu trong lĩnh vực lao động, nghề nghiệp của huyện”. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc |
Ý kiến ()