Đào tạo nghề, cung ứng việc làm: Gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp
(LSO) – Trong thời gian qua, mối liên kết giữa nhà trường và một số doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh đã góp phần đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động (NLĐ) và học sinh, sinh viên (HSSV) trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), toàn tỉnh hiện có 26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và cơ sở tham gia lĩnh vực GDNN, trong đó có 22 cơ sở công lập và 4 cơ sở tư thục. Công tác xã hội hóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) được quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, DN tham gia đào tạo nghề. Hiện nay, đã có 2 cơ sở GDNN ngoài công lập tham gia đào tạo cho LĐNT (Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Tùng Linh, Trung tâm Hỗ trợ và Đào tạo Bắc Hà). Một số cơ sở đào tạo nghề đã thực hiện xã hội hoá theo hình thức liên kết với các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh, giữa cơ sở đào tạo với DN nhằm đào tạo theo nhu cầu của NLĐ, theo đơn đặt hàng, theo nhu cầu sử dụng lao động của DN. Một số DN đóng trên địa bàn tổ chức đào tạo nghề cho NLĐ theo hình thức vừa học, vừa làm và một số nghề đặc thù khác.
Sinh viên khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn trong giờ thực hành
Tại Trung tâm GDNN – giáo dục thường xuyên các huyện, thời gian qua, sau khi ổn định việc sáp nhập đã tập trung vào liên kết đào tạo nghề theo nhu cầu của LĐNT. Từ năm 2011 đến nay, các cơ sở GDNN và cơ sở tham gia vào lĩnh vực GDNN toàn tỉnh đã tổ chức được 709 lớp nghề cho 27.783 LĐNT tham gia học các ngành nghề chủ yếu là nông nghiệp và dịch vụ trong nông nghiệp; các nghề phi nông nghiệp như: lái xe ô tô, may mặc, cơ khí… chỉ chiếm 10 – 15%. Sau đào tạo, khoảng 80% LĐNT tìm được việc làm hoặc tự tạo được việc làm ổn định.
Cùng với LĐNT, đối tượng HSSV tham gia học nghề cũng được các cơ sở GDNN, nhất là trường chuyên nghiệp về dạy nghề nắm bắt nhu cầu, tạo điều kiện cho HSSV tiếp cận với hoạt động của DN, làm quen với môi trường lao động thực tế. Trong số các cơ sở GDNN của tỉnh thì Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn đã thực hiện khá hiệu quả việc gắn kết giữa nhà trường và DN.
Ông Lê Quang Hồng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn cho biết: Việc đào tạo nghề gắn với DN là một xu thế tất yếu và phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay. Thời gian qua, nhà trường đã chủ động phối hợp với Hiệp hội DN Lạng Sơn và ký hợp đồng đào tạo nguồn nhân lực cho các DN trong tỉnh như: Công ty TNHH Một thành viên xe điện DK Việt Nhật; Công ty TNHH Bảo Long, các đại lý, gara ô tô, các DN may… Năm học 2017 – 2018, nhà trường đã đưa 300 HSSV đi thực tập, thực tế tại các DN; một số HSSV được DN ký hợp đồng làm việc bán thời gian, vừa học vừa làm nhằm nâng cao tay nghề; nhiều HSSV sau khi ra trường đã được các DN tuyển dụng.
Công ty TNHH Một thành viên Xe điện DK Việt Nhật – DN sở hữu thương hiệu DKBike là đơn vị nhập khẩu, lắp ráp và phân phối các sản phẩm xe đạp điện, xe máy điện và ô tô điện trên toàn quốc với 15 model, chất lượng sản phẩm luôn ở phân khúc cao. Bà Bùi Bích Đào, Giám đốc điều hành công ty cho biết: Công ty chúng tôi rất cần nhân lực về kỹ thuật và lắp ráp có trình độ tay nghề cao nhưng qua tuyển dụng rất khó tìm được NLĐ đáp ứng được yêu cầu. Tháng 4/2017, DKBike và Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn đã ký kết về việc hợp tác đào tạo nghề, cung ứng việc làm, tổ chức các chương trình thực hành thực tế cho HSSV của trường với mong muốn giúp các em được trang bị kỹ năng chuyên môn cần thiết, có cách tư duy mới trong công việc, từng bước nâng cao tay nghề để qua đó, DN có cơ hội tìm kiếm NLĐ đáp ứng được yêu cầu.
Có thể thấy rằng, việc liên kết giữa các cơ sở GDNN và DN đã, đang và sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội cho HSSV, NLĐ cũng như cho chính các DN trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất bền vững của các DN trong và ngoài tỉnh.
THANH HUYỀN
Ý kiến ()