Đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn
Quê tôi trước đây chỉ chuyên canh hai vụ lúa. Thấm đẫm những nhọc nhằn, vất vả, chúng tôi đều được định hướng phải cố gắng học giỏi để thi đỗ vào đại học mới mong thoát khỏi cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Nếu không đỗ đại học hoặc gia đình không có điều kiện cho ăn học thì chủ yếu ở nhà làm phụ hồ hoặc đi làm ăn xa chứ rất ít người nghĩ đến việc học nghề. Giờ đây, ngoài học đại học, làm thợ xây, thanh niên quê tôi còn có thêm lựa chọn nữa là làm lao động phổ thông ở một số khu, cụm công nghiệp gần nhà. Còn việc học nghề, nhất là nghề để tận dụng được thế mạnh và làm giàu trên mảnh đất quê hương thì gần như không có.
Hướng dẫn cách làm sản phẩm mây tre đan cho thanh niên tại xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Ảnh: Báo Nhân Dân. |
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung, thanh niên nông thôn nói riêng còn nhiều bất cập, như vẫn mang tính thời điểm, chưa được quan tâm thường xuyên, liên tục và có hệ thống; công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp cho thanh niên chưa được quan tâm đúng mức; đào tạo chưa gắn kết với cơ cấu lao động, sinh kế và việc làm tại chỗ cho người lao động… Một thách thức nữa với đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn là tuyển sinh đại học ngày càng “dễ” và tư duy “phải vào đại học” còn ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều gia đình. Số liệu công bố tại Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 khu vực Đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 27-5 cho thấy: Ở nước ta, nếu có 1 người học đại học trở lên thì có 0,35 người học cao đẳng, 0,65 người học trung cấp và sơ cấp là 0,4. Trong khi đó, ở nhiều nước trong khu vực, cứ có 1 người tốt nghiệp đại học sẽ có khoảng 3 người tốt nghiệp cao đẳng, 5 người tốt nghiệp trung cấp. Đây là một trong những lý do khiến chỉ số chất lượng nguồn nhân lực; năng suất lao động tính theo giờ làm việc và năng lực cạnh tranh của nước ta thấp so với các nước trong khu vực.
Đào tạo nghề không theo nhu cầu thực tế ở địa phương, không gắn với việc làm tại chỗ, thanh niên nông thôn ắt phải rời bỏ quê đi làm ăn xa. Từ đó, kéo theo nhiều hệ lụy và áp lực cho xã hội. Nổi cộm là nạn tín dụng đen, cờ bạc, ma túy, mại dâm bủa vây các khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân… Hay như khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhiều công nhân ở các khu công nghiệp trở về quê khiến doanh nghiệp sản xuất bị thiếu hụt lao động nghiêm trọng, đứt gãy nguồn cung ứng hàng hóa. Trong khi đó, ở nhiều vùng quê, đất nông nghiệp bị bỏ hoang vì không có người canh tác.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam diễn ra ngày 29-5 vừa qua, nhiều đại biểu băn khoăn về việc làm thế nào để hình thành một thế hệ nông dân làm nông nghiệp một cách chuyên nghiệp? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng: Phải coi đào tạo nghề là một trong những khâu đột phá trong xây dựng cơ cấu nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại; đồng thời, cần đổi mới công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, định hướng cho nông nghiệp, cho nông dân; đào tạo gắn với cơ cấu lao động, sinh kế và việc làm tại chỗ cho người lao động, tăng thu nhập cho người dân; sử dụng nguồn lực cho đào tạo nghề đúng mục đích. Thiết nghĩ, đây cũng là giải pháp, hướng đi đúng cho vấn đề đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn nhưng cần sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương bởi đây là việc không dễ.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()