Đào tạo nghề cho LĐNT: Kết quả và thách thức
LSO-Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2010 đến nay đã được triển khai đồng bộ tại các tỉnh, thành trong cả nước.
LSO-Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2010 đến nay đã được triển khai đồng bộ tại các tỉnh, thành trong cả nước. Tại tỉnh Lạng Sơn, hơn 3 năm qua, các cơ sở dạy nghề trong toàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu về đào tạo nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 37%.
Đào tạo nghề công nghệ ô tô ở Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc |
Những kết quả tích cực
Trong giai đoạn 2010 – 2013, theo đánh giá chung của Ban chỉ đạo tỉnh, công tác đào tạo nghề theo quyết định 1956 đã có những kết quả tích cực, góp phần vào công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm chung trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đáng chú ý là hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với LĐNT, thời gian qua, các ngành chuyên môn đã chủ động phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho LĐNT. Về cơ bản, LĐNT trên địa bàn tỉnh nhận thức và biết được các cơ sở dạy nghề của tỉnh; ngành nghề, thời gian, trình độ đào tạo; chế độ chính sách học nghề theo Đề án. Trong 3 năm qua, tỉnh ta đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với cơ sở dạy nghề công lập. Đến nay, toàn tỉnh đã có 21 cơ sở dạy nghề, tăng 2 cơ sở so với năm 2010. Đối với trang thiết bị phục vụ dạy nghề, từ năm 2011 đến nay được đầu tư 4 tỷ đồng, các trang thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy nghề, tuy nhiên vẫn còn một số Trung tâm mới xây dựng xong chưa đảm bảo đủ thiết bị để dạy nghề, cần tiếp tục có kinh phí đầu tư. Ông Lê Quang Hồng, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTB&XH cho biết: ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 206/QĐ-UBND ngày 07/02/2013 về việc giao mục tiêu nhiệm vụ và phân bổ vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2013. Theo đó đã giao chỉ tiêu kinh phí cho các sở, ngành, các huyện, thành phố chỉ tiêu kinh phí thực hiện Đề án dạy nghề cho LĐNT, đồng thời phê duyệt kế hoạch dạy nghề cho LĐNT năm 2013.
Theo số liệu của Phòng dạy nghề, từ đầu năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức dạy nghề được 82 lớp cho 2.852 người, gồm 33 lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho 1.192 người và 49 lớp dạy nghề nông nghiệp cho 1.660 người. Sau các lớp học, phần lớn người học nghề đã biết vận dụng kiến thức vào sản xuất, chăn nuôi, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ hoặc tự hành nghề để tăng thu nhập, qua đó nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần ổn định cuộc sống.
Cần sớm tháo gỡ những khó khăn
Kết quả trên đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của tỉnh đối với công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Tuy nhiên, để thực hiện được những mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2013-2015 nói chung, mục tiêu năm 2013 nói riêng là một thách thức lớn. Theo kế hoạch, toàn giai đoạn 2011-2015, tỉnh đào tạo nghề cho trên 74,7 nghìn LĐNT; trong đó, giai đoạn 2013-2015 đào tạo 47,7 nghìn người; năm 2013, đào tạo nghề cho 6.500 người. Mục tiêu là thế nhưng đến nay, đã qua hơn 3 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh mới tổ chức được 313 lớp với 9.605 người tham gia, đạt 38,4% kế hoạch đề án đưa ra. Riêng chỉ tiêu năm 2013, đến nay toàn tỉnh mới thực hiện đào tạo đạt 43,8%. Nói về khó khăn này, chị Nguyễn Thu Hương, chuyên viên Phòng Dạy nghề, Sở LĐTB&XH bày tỏ: năm nay, do những khó khăn về kinh phí nên việc thực hiện đạt chỉ tiêu dạy nghề sẽ thực sự nan giải. Hiện nay, số nhu cầu mở lớp học tại các địa phương nhiều, nhưng kinh phí tổ chức hạn chế nên kết quả dạy nghề thực tế còn thấp.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, kinh phí dạy nghề năm 2012 chuyển sang là 1,5 tỷ đồng, nhưng hiện nay số kinh phí này đã bị cắt giảm. Kinh phí cho dạy nghề năm 2013 là 5 tỷ đồng. Trong số này phân bổ cho 6 Trung tâm dạy nghề của các huyện Văn Lãng, Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan, Lộc Bình, Bắc Sơn tổng kinh phí 3 tỷ đồng; phân bổ cho Sở Nông nghiệp thực hiện công tác dạy nghề nông nghiệp là 600 triệu đồng; còn lại 1,4 tỷ đồng Sở LĐTB&XH sẽ trực tiếp phê duyệt các lớp đào tạo dạy nghề của các trung tâm dạy nghề, trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Nếu số kinh phí dư năm 2012 chuyển sang không bị cắt giảm thì tổng kinh phí cho dạy nghề sẽ được nhiều hơn, tạo điều kiện cho các trung tâm, cơ sở dạy nghề mở được nhiều lớp đào tạo hơn.
Tham gia học nghề, nhiều LĐNT trên địa bàn tỉnh đã biết áp dụng KHKT, sửa chữa máy móc nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp |
Thực tế đó cho thấy, nhiệm vụ dạy nghề cho LĐNT trong giai đoạn 2011-2015 thực sự khó khăn, để đạt được mục tiêu năm 2013 cũng rất nan giải. Vì vậy, đặt ra nhiều vấn đề mà Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 của tỉnh cần quyết liệt chỉ đạo thực hiện. Thiết nghĩ, trước mắt, Ban chỉ đạo cần tháo gỡ những khó khăn về vấn đề kinh phí, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng giảng dạy cho đội ngũ giáo viên dạy nghề. Đặc biệt, việc lựa chọn đơn vị tham gia đào tạo cần kết hợp được 2 yếu tố là gắn đào tạo với bao tiêu sản phẩm, hoặc giới thiệu địa chỉ đầu ra cho LĐNT… Có như vậy, vấn đề dạy nghề mới đi vào thiết thực và tỉnh ta mới có thể đạt được những mục tiêu về dạy nghề cho LĐNT đã đề ra trong giai đoạn 2011-2015.
HUYỀN THANH
Ý kiến ()