Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Chi Lăng: Chú trọng các nghề nông nghiệp
LSO- Thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020”, từ năm 2017 đến tháng 8/2018, huyện Chi Lăng đã tổ chức được 20 lớp nghề nông nghiệp, thu hút gần 700 lượt người dân tham gia.
Tháng 7/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chi Lăng ban hành nghị quyết đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, các xã, thị trấn trong huyện đã xác định được cây, con, vật nuôi chủ lực, cùng với đó là việc tìm kiếm thị trường, bảo đảm đầu ra cho nông sản, tăng cường đào tạo, tập huấn các nghề nông nghiệp cho người dân trên địa bàn.
Trong năm 2017, huyện Chi Lăng đã tổ chức, phối hợp tổ chức được 11 lớp đào tạo nghề cho LĐNT trình độ sơ cấp và học nghề dưới 3 tháng cho 381 đối tượng. Trong năm 2018, tính đến ngày 5/8/2018, huyện đã mở được 9 lớp nghề cho gần 300 LĐNT. Số LĐNT tham gia học nghề chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo và hộ nghèo. Các nghề được lựa chọn và tổ chức mở lớp tập trung nhiều ở lĩnh vực nông – lâm nghiệp như: trồng rau an toàn; trồng cây có múi; kỹ thuật trồng, bảo quản và chăm sóc na; trồng hồng vành khuyên; kỹ thuật chăn nuôi lợn nái; chăn nuôi gà; kỹ thuật nuôi ong… Thông qua học nghề tạo cho người dân cơ hội có việc làm tại chỗ, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động, góp phần thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, tăng thu nhập và giá trị sản phẩm hàng hóa ở khu vực nông thôn. Đồng thời góp phần giảm nghèo bền vững, qua đó xây dựng các vùng sản xuất tập trung như: vùng trồng na, vùng trồng cây ăn quả, vùng chăn nuôi lợn, gà…
Người dân xã Vạn Linh tham gia lớp học nghề kỹ thuật trồng na được tổ chức tại xã đầu tháng 8/2018
Đáng chú ý, trong số 20 lớp nghề được tổ chức từ năm 2017 đến nay có 5 lớp đào tạo nghề kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản na, đây là loại cây trồng chủ lực của huyện. Ông Lương Văn Hiên, Trưởng thôn Đông Thành, xã Vạn Linh – học viên lớp kỹ thuật trồng na tổ chức tại xã đầu tháng 8/2018 cho biết: Tôi muốn qua lớp học biết được nhiều kỹ thuật mới để ứng dụng vào trồng cây tại vườn nhà. Sau lớp học, tôi tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng và chăm sóc na nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, góp phần nâng giá trị thương hiệu na Chi Lăng.
Ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng khẳng định: Hiện nay, huyện vẫn chú trọng đào tạo các nghề thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp để bà con tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, xây dựng các thương hiệu cho nông sản của huyện. Cùng với mô hình na, hiện nay, mô hình chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà sinh học, nuôi ong cũng được LĐNT áp dụng sau khi được học nghề.
Bà Đoàn Thu Trà, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội – Dân tộc huyện Chi Lăng cho biết: Những nỗ lực trong đào tạo nghề cho LĐNT thời gian qua đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện từ 31,58% (năm 2011) tăng lên 44,01% (năm 2017). LĐNT khi tham gia học nghề được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản, được trực tiếp thực hành, từ đó vận dụng những kiến thức đã học vào phát triển sản xuất tại gia đình. Vì vậy, có trên 75% học viên có việc làm và biết cách vận dụng kiến thức đã học vào sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, đóng góp vào công tác giảm nghèo cũng như tiến trình xây dựng nông thôn mới của huyện.
THANH HUYỀN
Ý kiến ()