Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Góp phần xây dựng nông thôn mới
- Đào tạo nghề là giải pháp căn cơ nhằm tạo việc làm, nâng thu nhập, giảm nghèo cho lao động khu vực nông thôn. Do vậy, thời gian qua, các cấp, ngành chức năng đã chú trọng thực hiện công tác này, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
Bà Hoàng Thị Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm giúp người dân có thu nhập ổn định, góp phần quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Chính vì vậy, thời gian qua, sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện rà soát nhu cầu học nghề phù hợp với thực tế sản xuất của nông dân để đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn về dạy nghề.
Điển hình như tại huyện Cao Lộc, từ năm 2022 đến nay, phòng chuyên môn huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 14 lớp đào tạo nghề trung cấp cho 365 người và 77 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng cho 2.693 người dân tại địa bàn các xã, thị trấn, ưu tiên những trường hợp thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng gia đình chính sách. Các ngành nghề đào tạo rất đa dạng, cụ thể như: kỹ thuật chăn nuôi gà, lợn; kỹ thuật chế biến món ăn; kỹ thuật trồng cây...
Ông Hứa Văn Thư, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội và Dân tộc huyện Cao Lộc cho biết: Để thực hiện công tác đào tạo nghề hiệu quả, góp phần tạo việc làm, nâng thu nhập cho người dân, chúng tôi đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát nhu cầu học nghề của nông dân ngay từ đầu năm. Đồng thời, chú trọng giới thiệu việc làm, tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh để giới thiệu việc làm cho lao động địa phương.
Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ lao động có việc làm của huyện đạt trên 90%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65,1% (tăng 1,4% so với năm 2022). Thông qua công tác này đã góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo trên địa bàn huyện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,29% (năm 2022) xuống còn 5,27% (năm 2023), góp phần hoàn thiện các tiêu chí số 11 nghèo đa chiều, tiêu chí số 12 về lao động tại các xã điểm xây dựng NTM và NTM nâng cao trên địa bàn huyện. Đến nay, toàn huyện có 10 xã đạt chuẩn NTM và 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Năm 2024, huyện tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề của người dân, dự kiến tổ chức đào tạo nghề cho hơn 700 người dân tại địa phương. Từ đó, người dân có kiến thức, kỹ năng làm việc ở nhiều ngành nghề để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần vào công tác xây dựng NTM.
Tương tự Cao Lộc, thời gian qua, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2022 đến nay, các huyện, thành phố đã phối hợp tổ chức 354 lớp đào tạo nghề cho 12.419 người. Trong đó, có đa dạng các ngành nghề như: kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cảnh; kỹ thuật chăn nuôi gà, lợn; kỹ thuật chế biến món ăn; kỹ thuật may; sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp...
Qua các lớp đào tạo nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 62% (tăng 2% so với năm 2022). Từ những kiến thức và kỹ năng được đào tạo, người dân đã tìm được việc làm, tạo thu nhập ổn định, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 8,92% (năm 2022) xuống còn 6,02% (năm 2023). Nhờ thực hiện tốt công tác đào tạo nghề đã góp phần hiệu quả thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM. Cụ thể, hiện nay, toàn tỉnh có 90/181 xã đạt tiêu chí nghèo đa chiều, 127/181 xã đạt tiêu chí lao động, góp phần nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM mới trên địa bàn tỉnh đạt 98 xã, 24 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Bà Hoàng Thị Bạch, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng cho biết: Trước đây, gia đình tôi đã đầu tư chăn nuôi gà, do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi, khi thời tiết giao mùa, gà hay bị mắc bệnh tụ huyết trùng, cúm gia cầm. Năm 2021, tôi được UBND xã giới thiệu tham gia lớp dạy nghề về kỹ thuật chăn nuôi gà theo hướng an toàn. Theo đó, tôi nắm được các kỹ thuật chăn nuôi từ cách lựa chọn giống gà, bố trí khu vực chăn nuôi hợp lý, cách phòng, chống bệnh xuất hiện trên đàn gà. Qua đó, đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị dịch bệnh, trung bình mỗi năm, gia đình tôi xuất bán khoảng 6.000 con gà, thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/năm, tăng 20% so với trước khi được dạy nghề.
Năm 2024, toàn tỉnh có kế hoạch thực hiện chỉ tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 64%. Để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu trên, các cấp, ngành chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn.
Ý kiến ()