Đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn
– Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), những năm qua, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh Lạng Sơn đã tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, việc quy hoạch đào tạo nghề theo nhu cầu của từng địa phương và yêu cầu của thị trường đã giúp giải quyết việc làm cho rất nhiều người dân, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới với 80% lực lượng lao động là ở khu vực nông thôn. Mặc dù lực lượng đông nhưng chất lượng lao động chưa cao dẫn đến khó khăn trong vấn đề tìm việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp. Từ năm 2011, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT” theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Qua 10 năm triển khai, với tổng nguồn lực cho công tác đào tạo nghề cho LĐNT là trên 190 nghìn tỷ đồng, toàn tỉnh đã có trên 116 nghìn người lao động được đào tạo ở các cấp, trong đó, có trên 70 nghìn LĐNT, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2021 lên 57,2%.
Giảng viên lớp đào tạo kỹ thuật trồng rau an toàn hướng dẫn kỹ thuật cho LĐNT trên địa bàn huyện Bắc Sơn
Quá trình thực hiện, các chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề được triển khai đồng bộ, bảo đảm 100% đối tượng tham gia học nghề được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ. Đặc biệt, công tác đào tạo được quan tâm, ưu tiên các xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn, các xã được lựa chọn thí điểm mô hình nông thôn mới. Đồng thời, tỉnh luôn chú trọng công tác phối hợp với các doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo; rà soát, đánh giá nhu cầu lao động của thị trường, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Từng tham gia lớp dạy nghề về kỹ thuật chăn nuôi gà, bà Nông Thị Phượng, thôn Quảng Liên 1, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn cho biết: Những kiến thức được học đã giúp tôi thực hiện tốt việc chăm sóc, phòng dịch cho đàn gà. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn trước đây, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu nhập khoảng 50 triệu đồng từ chăn nuôi gà, cao gần gấp đôi so với chăn nuôi tự phát, không có kỹ thuật như trước kia.
Cũng giống như bà Phượng, nhiều bà con trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã tham gia các lớp học nghề về trồng trọt, chăn nuôi, từ đó có thêm việc làm và tăng thu nhập. Tùy theo đề xuất, nhu cầu của người học, các hình thức dạy nghề cũng được đa dạng, đổi mới. Ngoài các nghề nông nghiệp và dịch vụ trong nông nghiệp, một số nghề phi nông nghiệp cũng thu hút LĐNT tham gia học như: lái xe ô tô, may mặc, kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ du lịch…
Lao động nông thôn trên địa bàn huyện Cao Lộc tham gia học nghề kỹ thuật chế biến món ăn
Bà Nông Thị Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc chia sẻ: Nhận thấy nhu cầu nấu cỗ tại xã và các xã lân cận có xu hướng tăng nên tôi đã đăng ký học nghề kỹ thuật chế biến món ăn. Vào những dịp nông nhàn tôi cũng thường đi làm thuê cho dịch vụ nấu cỗ nên tôi muốn thông qua lớp nghề sẽ học thêm nhiều kỹ năng, nắm bắt cách thức chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng, trình bày đẹp mắt để sau khi học xong sẽ ngày càng nâng cao tay nghề, tiến tới liên kết với một số chị em cùng học mở dịch vụ nấu cỗ phục vụ nhu cầu nhân dân trong xã.
Việc triển khai các chính sách đào tạo nghề cho LĐNT đã được các cấp, chính quyền địa phương quan tâm triển khai, thông tin rộng rãi đến người lao động. Công tác tuyên truyền, tư vấn nghề và việc làm đối với LĐNT dần đi vào chiều sâu, phù hợp với điều kiện thực tế cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Qua công tác tuyên truyền, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã có nhiều chuyển biến, tạo sự phối hợp và trách nhiệm rõ ràng hơn trong việc triển khai, tổ chức thực hiện. Người LĐNT đã nhận thức được ý nghĩa thiết thực của công tác đào tạo nghề, lựa chọn ngành nghề để đăng ký học nghề phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương. Cùng với đó, việc triển khai đồng bộ các chính sách đào tạo nghề đối với người học, người dạy và các cơ sở đào tạo nghề góp phần khích lệ, thu hút người lao động học nghề.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hữu Lũng cho biết: Thông qua công tác tuyên truyền, hội viên và người nông dân trên địa bàn đã dần thay đổi nhận thức, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thực tiễn nhờ vào những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp đào tạo nghề. Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho LĐNT, sau khi đào tạo nghề, nông dân sẽ được các tổ chức Hội đoàn thể vận động tham gia các tổ, hội hợp tác để hỗ trợ sản xuất, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi…, giúp nông dân chủ động mở rộng sản xuất, tăng thêm thu nhập, góp phần đáng kể cải thiện cuộc sống.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu đào tạo nghề cho trên 71 nghìn người LĐNT. Trên cơ sở căn cứ Quyết định số 1181 của UBND tỉnh Lạng Sơn về giao mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch vốn Ngân sách Nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh và Thông tư hướng dẫn của Bộ LĐTB&XH về thực hiện một số nội dung về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2021- 2025, Sở LĐTB&XH tỉnh Lạng Sơn đã ban hành hướng dẫn thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT thuộc các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Kết quả, năm 2022, toàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo các cấp trình độ trong GDNN cho trên 19.000 nghìn người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%, tăng 2,8% so với năm 2021. Trong đó đào tạo nghề dưới 3 tháng cho LĐNT được trên 6.000 người. Sau học nghề có trên 90% số lao động học các nghề nông nghiệp biết áp dụng kiến thức, kỹ năng đã tiếp thu được vào thực tế sản xuất; có trên 80% học viên có việc làm và tăng thu nhập cho bản thân, gia đình.
Trong số đó, huyện Cao Lộc là địa phương có số học viên tham gia đông nhất với hơn 2.200 học viên, với 64 lớp đào tạo nghề cho LĐNT. Từ nguồn kinh phí hơn 8 tỷ đồng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Cao Lộc đã giao cho Trung tâm GDNN-GDTX huyện là đơn vị tuyển sinh và trực tiếp đào tạo nghề.
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Cao Lộc tổ chức lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện
Bà Nguyễn Thuý Phương, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Cao Lộc cho biết: Với nguồn kinh phí lớn, thời gian thực hiện gấp, để thực hiện có hiệu quả chương trình này, Trung tâm GDNN-GDTX Cao Lộc đã đẩy mạnh công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương rà soát nhu cầu học nghề, tư vấn tuyển sinh. Đồng thời nghiên cứu, biên soạn các tài liệu, giáo trình dạy nghề đầy đủ, phù hợp; huy động đội ngũ giảng viên giảng viên từ các tỉnh, thành khác cũng như bố trí cơ sở vật chất phục vụ cho quá trình dạy và học nghề. Kết quả, trung tâm đã tổ chức được 64 lớp học nghề, đa dạng các loại hình như: Kỹ thuật chăn nuôi gà, chăn nuôi lợn, chăn nuôi trâu, bò; kỹ thuật trồng và nhân giống cây hồng; kỹ thuật trồng nấm, hồi; kỹ thuật may, thêu thời trang dân tộc; chế biến món ăn; sửa chữa máy nông nghiệp… Những lớp nghề được mở đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân.
Việc mở những lớp đào tạo nghề cho nông dân tại các huyện, thành phố không những giúp các địa phương đạt tiêu chí tỷ lệ lao động qua đào tạo, mà còn góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân, cơ cấu lại LĐNT và đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế của địa phương. Thông qua chương trình đào tạo nghề đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển sản xuất theo các nhóm nghề ở địa phương, các học viên còn liên kết và thành lập một số hợp tác xã sản xuất kinh doanh cây giống lâm nghiệp, trồng rau an toàn, chăn nuôi theo mô hình trang trại hiệu quả.
Ông Phạm Đức Huân, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết: Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nội dung “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” được thiết kế thành một dự án riêng, có mục tiêu, lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể. Qua đó, hướng tới hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững. Thực tế đã có rất nhiều mô hình đào tạo nghề nông thôn gắn với giải quyết việc làm, vừa giải quyết được việc làm tại chỗ, vừa góp phần làm chuyển dịch LĐNT hay chuyển đổi nghề nghiệp cho LĐNT, phần lớn các nghề nông nghiệp đã dựa vào thế mạnh về sản xuất của địa phương gắn với các sản phẩm đặc thù để phát triển ngành nghề. Qua những lớp đào tạo nghề, bà con đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi; biết áp dụng cách đưa sản phẩm ra thị trường, sản phẩm tiêu thụ nhanh và đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo bền vững, một số hộ còn vươn lên thành hộ khá và giàu. Vì vậy, đào tạo nghề cho LĐNT nếu có chính sách tốt, hỗ trợ người nghèo từ tư vấn hướng nghiệp, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm sẽ góp phần quan trọng trong giảm nghèo bền vững. Những kết quả đào tạo nghề LĐNT và các giải pháp đồng bộ khác đã góp phần tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 xuống còn 9,20%, tương đương giảm 5.785 hộ nghèo, ước đạt 100% kế hoạch đề ra, giảm 3% số hộ nghèo so với năm 2021.
Có thể khẳng định, việc đào tạo nghề cho LĐNT trong thời gian qua tại tỉnh Lạng Sơn đã đem lại hiệu quả rõ rệt khi làm thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất trong lao động của người dân, nhất là ở những vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là một trong những giải pháp rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước hình thành đội ngũ lao động có tay nghề cao, có cơ cấu ngành nghề hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động,.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh, Sở LĐTB&XH tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát nhu cầu học nghề của lao động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người lao động về đào tạo nghề; gắn chương trình đào tạo nghề với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội địa phương; nghiên cứu ban hành chính sách đặc thù của tỉnh về công tác đào tạo nghề, ưu tiên cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Qua đó đáp ứng nhu cầu lao động cho các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()