Đào tạo lái xe: Tăng câu hỏi, siết chặt đầu ra người học bằng lái
Ngoài việc tăng thêm số lượng câu hỏi thi lý thuyết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tăng cường công tác giám sát, siết chặt thực hành nhằm đảm bảo người cầm lái tự tin khi ra đường.
Trả lời sai một câu sẽ trượt?
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đưa vào Dự thảo Thông tư 12 sửa đổi tăng câu hỏi lý thuyết lên 600 câu (trước đây là 450 câu) nhằm tăng cường kiến thức về Luật giao thông đường bộ cũng như pháp luật an toàn giao thông cho người học lái xe. Trong 600 câu này sẽ có 100 câu hỏi nếu đề có 35 câu mà làm đúng 35 câu mà có 1 câu trong 100 câu điểm liệt thì vẫn trượt và sẽ hủy kết quả lý thuyết.
Ở góc độ cơ sở đào tạo sát hạch, ông Lê Văn Đại, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề, Công ty cổ phần vận tải ôtô số 2 cho biết, dù tăng thêm số lượng câu hỏi, bộ câu hỏi trong bài thi sát hạch sẽ ngắn gọn và chỉ có 2 đáp án “đúng” hoặc “sai.”
“Việc không đưa ra các câu hỏi quá dài hoặc câu trả lời có nhiều ý trả lời “đúng” hoặc “sai” trong cùng một câu sẽ giúp người học, thi lấy bằng dễ nắm bắt kiến thức hơn và dễ trả lời câu hỏi khi làm bài thi. Chưa kể, học viên học lái xe đâu phải là các chuyên gia, nhà bác học nên cần phải đổi mới theo hướng phù hợp với thực tế, trình độ cần thiết của người học lái xe,” ông Đại nhìn nhận.
Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, việc đổi mới bộ câu hỏi sẽ bám sát thực tế, đảm bảo dữ liệu ngân hàng câu hỏi phù hợp với điều kiện địa lý, dân trí và quy định hiện hành để áp dụng cho sát hạch lý thuyết; bổ sung câu hỏi liên quan đến các tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nghiêm trọng.
Theo ông Thống, có một số câu hỏi mang tính đặc thù, sát với thực tiễn là điều kiện tiên quyết về một số hành vi gây hậu quả nghiêm trọng như vượt đường sắt, chuyển làn không xi nhan, phóng nhanh vượt ẩu. Trong số 100 câu hỏi, có 10 câu hỏi mang tính đặc thù nếu trả lời sai cho trượt ngay.
“Bộ đề hiện đã xây dựng, lấy ý kiến xong các Sở Giao thông Vận tải và các trung tâm đào tạo sát hạch giấy phép lái xe và mới đây được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận. Dự kiến, bộ đề sẽ được phát hành trong tháng Sáu này, sau đó sẽ xây dựng phần mềm và chuyển giao Sở Giao thông Vận tải, các trung tâm đào tạo và sát hạch. Nhanh nhất, sau 3 tháng nữa mới có thể đưa vào để học viên làm quen với bộ đề mới trước khi tổ chức sát hạch chính thức,” ông Thống cho hay.
Ngoài ra, tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 65 quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, Tổng cục Đường bộ cũng triển khai bổ sung phần mềm sát hạch trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông; lắp đặt camera giám sát lý thuyết, lắp đặt thiết bị giám sát trên xe để giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên theo lộ trình; bổ sung quy định cơ sở đào tạo phải sử dụng phần mềm để cập nhật thông tin và quản lý đội ngũ giáo viên và xe tập lái.
Siết đầu ra, lái xe đủ tự tin sau khi cấp bằng
Thừa nhận việc đầu tư sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp khi chi phí thiết bị mô phỏng có thể lên tới hàng tỷ đồng, ông Đại cho rằng, Trung tâm có thể bỏ ra chi phí đầu tư trang thiết bị nhưng thực chất người học sẽ phải gánh học phí chắc chắn sẽ tăng.
“Hiện nay, trên 90% cơ sở đào tạo sát hạch giấy phép lái xe do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, nếu thay đổi gấp gáp thì các đơn vị đầu tư sẽ là cả vấn đề. Do đó, Nhà nước cũng phải tính toán có lộ trình để đơn vị thực hiện,” vị Giám đốc Trung tâm Dạy nghề, Công ty Vận tải ôtô số 2 cho hay.
Mặt khác, ông Đại cũng nhấn mạnh, đào tạo cấp bằng lái xe nên tập trung vào khâu sát hạch mà Nhà nước độc quyền quản lý, học viên có được cấp bằng lái hay không là do cơ quan quản lý sát hạch bởi thực tế chưa có ngành nghề nào tỷ lệ thi đỗ hay trượt chỉ đạt 50/50, điều đó cho thấy độ khó của bài thi đã đến bước gần như tiệm cận.
Bên cạnh đó, ông Đại cho rằng, tỷ lệ lái xe ra trường sẽ tiếp tục được sàng lọc bởi nghề lái xe có đặc thù tập nhiều, rèn luyện từ kinh nghiệm thành kỹ năng.
Dẫn chứng, các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gần đây theo con số công bố của ngành công an cho thấy, tuổi nghề lái xe gây ra tai nạn đa số từ 7-8 năm kinh nghiệm. Vì thế, ông nhìn nhận, câu chuyện quản lý sau đào tạo của doanh nghiệp phải quan tâm. Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi và chờ được ban hành đã yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý sử dụng lái xe.
Theo ông Thống, trong quá trình đào tạo, ngoài các tình huống, sa hình được nhà sản xuất tích hợp, Tổng cục Đường bộ cũng sẽ xây dựng thêm các phần mềm mô phỏng bổ sung vào chương trình đào tạo cho phù hợp với các tình huống diễn ra ở thực tế nhất.
“Nghị định 138/2018 của Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị tập lái này. Hiện, Tổng cục đã xây dựng kế hoạch triển khai trình Bộ phê duyệt. Dự kiến, bắt đầu từ ngày 1/6/2020, các trung tâm đào tạo lái xe sẽ phải đầu tư ‘cabin cầm lái’ để phục vụ công tác đào tạo,” ông Thống nói.
Đề cập đến việc thời gian học thực hành lái xe ôtô cấp bằng B1, B2 quy định 84 giờ học thực hành và 1.100km lái xe trên đường của học viên hiện không có công cụ để giám sát, ông Thống cho rằng, khi có thiết bị giám sát GPS lắp trên xe tập lái, chắc chắn thời gian, số kilomet của người học sẽ tăng lên theo đúng quy định, giáo viên không bớt được giờ học, khi đó các trung tâm đào tạo sẽ phải tính phí đào tạo theo thực tế.
“Khi đã có hệ thống giám sát, dữ liệu giám sát sẽ được truyền về Tổng cục và các Sở Giao thông Vận tải và để hậu kiểm. Trước yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, các trung tâm sẽ phải đầu tư. Đến thời hạn quy định nếu trung tâm nào không chấp hành sẽ xem xét dừng đào tạo hoặc rút giấy phép đào tạo, sát hạch theo Nghị định 46/2016,” ông Thống nhấn mạnh./.
Ý kiến ()