Đào tạo giáo viên dạy tiếng Chăm cho hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận
Thực hiện Quyết định 1123, ngày 22/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về bồi dưỡng tập trung giáo viên dạy tiếng dân tộc Chăm, ngày 12/6, tại Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận, Ban quản lý dự án SeQuap (chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học – Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận tổ chức khai giảng lớp đào tạo ngôn ngữ Chăm cho 30 giáo viên nòng cốt người Chăm dạy tiếng Chăm bậc tiểu học ở hai tỉnh Ninh Thuân và Bình Thuận.
Theo đó, với 2 buổi học/ngày và kéo dài trong khoảng thời gian từ 4 đến 5 tháng, các học viên sẽ được đào tạo, bồi dưỡng một cách căn bản về ngôn ngữ, chữ viết Chăm thông qua 10 chuyên đề được học. Đây là điều kiện tốt nhất để các học viên là người Chăm có cơ hội nắm bắt, biết và hiểu rõ hơn về ngôn ngữ của dân tộc mình, qua đó truyền đạt, giảng dạy lại cho học sinh và con em đồng bào về ngôn ngữ của dân tộc.
Cô giáo Đồng Thái Hiệp, giảng dạy ở trường tiểu học Vĩnh Hanh, thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cho biết: Trước đây do chưa được đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản về phương pháp lẫn kiến thức nên việc giảng dạy tiếng Chăm cho học sinh tiểu học gặp nhiều khó khăn. Qua lớp học này, chúng tôi hy vọng sẽ được đào tạo, bồi dưỡng một cách có hệ thống hơn, để việc giảng dạy tiếng Chăm cho con em đồng bào được tốt hơn.
Với trách nhiệm giảng dạy lớp tiếng Chăm, ông Lộ Minh Trại, Trưởng phòng Giáo dục Dân tộc – Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận cho biết: Theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, Ninh Thuận là một trong những tỉnh trong cả nước sớm đưa tiếng dân tộc (tiếng Chăm) vào trường học. Thời gian qua, tuy lớp học căn bản, nâng cao có tổ chức, thế nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời, bởi muốn được bài bản và hiệu quả hơn, việc đào tạo ngôn ngữ chữ viết Chăm phải được thực hiện một cách có hệ thống. Lần này được Dự án SeQuap tổ chức đào tạo với thời gian dài hơn, quy mô hơn, khoa học hơn, sát hợp với học viên, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả tốt cho học viên.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận cho biết: Thực hiện Quyết định của Bộ về giao nhiệm vụ bồi dưỡng tập trung giáo viên dạy tiếng dân tộc Chăm, Ban Giám hiệu nhà trường đã phối hợp với phòng Giáo dục Dân tộc – Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận chuẩn bị đầy đủ giáo trình, giáo viên giảng dạy, cơ sở vật chất… để việc tổ chức giảng dạy được thuận lợi, đúng với thời gian đào tạo.

Ý kiến ()