Đào tạo giảng viên chất lượng cao tại nước ngoài - Một hướng đi đúng
Chưa bao giờ, sự phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay lại đặt ra yêu cầu cấp bách về nguồn nhân lực chất lượng cao đến thế. Cùng với nó là đòi hỏi gắt gao về việc phải đổi mới giáo dục đại học mà trước tiên là đổi mới và nâng tầm đội ngũ giảng viên – linh hồn của các trường đại học và là lực lượng làm nên chất lượng đào tạo của giáo dục đại học.
Chia sẻ về con đường xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên đại học hiện nay, Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Hoàng Yến – Học viện Quản lý giáo dục với tiêu đề “Đào tạo giảng viên chất lượng cao tại nước ngoài – Một hướng đi đúng.”
Trong mấy ngày gần đây, báo chí có đăng tải những ý kiến khác nhau liên quan đến hiệu quả của phương thức đào tạo tiến sỹ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để có một đánh giá khách quan cần có sự nhìn nhận đa chiều từ nhiều đối tượng. Tôi (giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Hoàng Yến – lời tòa soạn) may mắn có cơ hội tham gia Nhóm chuyên gia độc lập khảo sát đánh giá hiệu quả của công tác đào tạo cán bộ ở nước ngoài tại hơn 200 cơ quan, 2.000 lưu học sinh theo hình thức trực tiếp và online ở cả 3 miền đất nước.
Tôi xin chia sẻ một số suy nghĩ của cá nhân về việc đào tạo tiến sỹ ở nước ngoài như sau:
Kinh nghiệm quốc tế
Hiệu quả của việc đào tạo cán bộ trình độ cao ở nước ngoài có thể được nhìn nhận từ thành công của một số nước đã có những bước đột phá để trở thành những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới. Nhật Bản là một trong những quốc gia có chính sách đưa lưu học sinh đi học nước ngoài sớm nhất châu Á.
Từ năm 1875-1902, khoảng gần 1.000 sinh viên đi học nước ngoài theo Chương trình học bổng của Chính phủ Nhật Bản về các lĩnh vực mà Nhật Bản còn yếu và thiếu như khoa học, công nghệ, y dược tại các nước châu Âu và châu Mỹ.
Trước 1945, có khoảng 100 nhà khoa học được Hàn Quốc đưa đi đào tạo ở nước ngoài. Từ 1960, Hàn Quốc đã mở rộng và khuyến khích đưa sinh viên đi du học nước ngoài, dành ngân sách gửi cán bộ chủ chốt đi đào tạo chủ yếu ở Mỹ. Nhờ vậy, vào đầu những năm 1990, Hàn Quốc đã xây dựng được ngành công nghiệp dựa vào công nghệ mới có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Ngày 23/06/1978, sau khi đến thăm Đại học Thanh Hoa, Ông Đặng Tiểu Bình đã đề cập đến việc cử học sinh đi học ở nước ngoài. Ông nhấn mạnh, các lưu học sinh phải thật sự hòa nhập vào xã hội, vào môi trường sống của nước bạn để học hỏi được nhiều thứ hơn và học có thực chất hơn. Từ đó, Trung Quốc nhanh chóng bắt tay vào việc cử học sinh ra nước ngoài học tập. Đây là một quyết sách trọng đại, có ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển của quốc gia này.
Từ thực tế Việt Nam
Là người trực tiếp khảo sát hơn 2.000 người đã được đào tạo tại nước ngoài năm qua, chúng tôi có thể khẳng định hầu hết các cơ sở tiếp nhận học viên Việt Nam tại nước ngoài đều là những cơ sở giáo dục có uy tín trên thế giới.
Theo kết quả khảo sát, 96% lưu học sinh đánh giá được nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ và quan trọng hơn là có sự thay đổi về tư duy, tầm nhìn, phương thức làm việc, nói chung là có sự thay đổi mang tính “bước ngoặt” đối với cá nhân.
Trung bình có 8,1 bài/người đã công bố các công trình trên tạp chí trong nước. Đáng chú ý là có 3,4 bài/người đăng trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI (các tạp chí khoa học có uy tín thế giới) và 2,6 bài/người đăng trên tạp chí quốc tế khác.
Một đóng góp rất quan trọng là các cán bộ được cử đi đào tạo sau khi hoàn thành lại là những “đại sứ,” “cầu nối” giúp các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong nước tiếp cận và mở rộng hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu quốc tế.
Một cán bộ quản lý của Đại học Đà Nẵng chia sẻ: “Phần lớn lưu học sinh đi học về đều có kết nối với các trường nước ngoài rất tốt. Anh chị em trở thành cầu nối để tổ chức các hoạt động chia sẻ giao lưu học thuật, phát triển các dự án hợp tác nghiên cứu giữa trường với bên kia.”
Các cựu lưu học sinh còn cho rằng, họ được mời tham gia các dự án gắn với hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, giao lưu văn hóa tại các địa phương.
Hướng đi đúng
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng tiến sỹ trong các trường đại hiện đang rất thấp (21%). Trong khi đó, theo thông lệ thế giới, tại hầu hết các trường đại học, đã là giảng viên thì thường có trình độ tiến sỹ.
Đổi mới giáo dục là một nhu cầu bức thiết và là việc phải triển khai một cách căn bản và toàn diện. Đây được xem như là một cuộc cách mạng và cũng là giải pháp mà Đảng, Chính phủ đã lựa chọn để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang từng ngày làm thay đổi thế giới. Hãy bắt đầu bằng việc xây dựng một đội ngũ giảng viên ngang tầm thế giới.
Qua những phân tích về chất lượng giảng viên được đào tạo ở nước ngoài cũng như đóng góp của họ cho các trường đại học, có thể khẳng định rằng việc tiếp tục đào tạo giảng viên trình độ tiến sỹ tại nước ngoài là giải pháp cần thiết cho giai đọan hiện nay.
Đào tạo nhân lực chất lượng cao ở nước ngoài – Việc làm này không nên rời rạc, lẻ tẻ mang tính tự phát ở từng gia đình, từng địa phương như thời gian vừa qua mà cần có sự chủ động và vào cuộc của ngành giáo dục bằng một chương trình tổng thể bài bản.
Cùng với đó đương nhiên phải là các chính sách phù hợp hơn trong việc thu hút, sử dụng nhân lực này cho hiệu quả, có như vậy mới thu hẹp khoảng cách về chất lượng đào tạo và trình độ khoa học kỹ thuật của Việt Nam và thế giới./.
Ý kiến ()