Đào tạo định hướng nghề nghiệp: Cần sự quyết tâm hay khung pháp lý?
Tăng tỉ lệ sinh viên có việc làm
Ông Siep Littooij, đồng Giám đốc Dự án giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp – ứng dụng (POHE) cho biết: Trong khuôn khổ hoạt động, Dự án đã triển khai điều tra đánh giá sinh viên tốt nghiệp. Hầu hết họ đều cảm thấy hài lòng với công việc hiện tại bởi năng lực đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. 85% sinh viên có việc làm trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên ra trường không có việc làm đã giảm xuống 19%.
Chương trình (POHE) lần đầu tiên được triển khai thí điểm tại Việt Nam năm 2005 với sự hỗ trợ kỹ thuật của nhóm các trường đại học hàng đầu Hà Lan do đại học Khoa học ứng dụng Saxion điều phối thông qua Tổ chức phát triển năng lực giáo dục đại học.
Mục đích của dự án là phát triển các chương trình đào tạo đại học gắn với nhu cầu của thị trường lao động nhằm cung cấp đủ lượng sinh viên tốt nghiệp đại học có kiến thức, thái độ, kỹ năng phù hợp với từng nhóm nghề nghiệp cụ thể ; củng cố và hoàn thiện chương trình đào tạo đại học theo định hướng nghề nghiệp – ứng dụng gắn liền với nhu cầu của thị trường lao động.
Cho đến nay, sau 9 năm, 50 chương trình thuộc dự án POHE đã triển khai tại 8 trường đại học ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, thuộc các lĩnh vực như: du lịch và khách sạn, sư phạm, nông lâm, kỹ sư xây dựng, công nghệ thông tin, và kỹ sư điện tử…
Đã có 2200 sinh viên được đào tạo theo chương trình giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng và 6000 sinh viên đang theo học. Theo báo cáo đánh giá dự án, hầu hết sinh viên tốt nghiệp các chương trình POHE đã được thị trường lao động hài lòng đón nhận.Ngoài ra, dự án còn có sự tham gia hợp tác của hơn 500 cơ quan, doanh nghiệp.
Theo kết quả khảo sát cựu sinh viên POHE thực hiện tháng 2-2014, các sinh viên cho rằng chương trình đã phát triển các kỹ năng cho họ. Trong quá trình học, sinh viên được trang bị các kỹ năng liên quan đến giao tiếp, làm việc nhóm, làm việc độc lập, xây dựng kế hoạch và thực hiện các công việc cụ thể, thu thập và xử lý số liệu, viết báo cáo, trình bày… thông qua các hoạt động thực tiễn như: đến các cơ sở, doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu khách hàng, thực hành, thực tập tại các công ty…
Sinh viên thực hành trên cánh đồng.
Trong các chương trình đào tạo POHE, thực hành chiếm tỉ lệ lớn và thời lượng kéo dài, sinh viên được định hình thực tập từ những năm học đầu tiên, được tiếp xúc nhiều với thực tế.
Ưu thế lớn nhất được các cựu sinh viên POHE tự hào là thông qua thực hành tại các doanh nghiệp, sinh viên có được những trải nghiệm về công việc, hình dung khái quát về nghề trong tương lai.
Nói ngắn gọn về dự án POHE, ông Siep Littooij cho rằng “Đây là dự án tập trung đào tạo năng lực và kỹ năng áp dụng kiến thức nghề nghiệp cho sinh viên, giảng viên POHE không phải là người duy nhất đào tạo sinh viên có được những năng lực và thành công trên thị trường lao động”.
Cần sự quyết tâm hay khung pháp lý?
Trường Đại học Nông lâm – Đại học Huế đã xây dựng chương trình POHE cho ngành Khoa học cây trồng từ năm 2005 và bắt đầu thực hiện tuyển sinh từ năm 2007 với 30 sinh viên. Số lượng sinh viên nhập học tăng lên trong mỗi năm, hiện có 162 sinh viên đang học chương trình POHE. Trường đã thực hiện khảo sát 72 doanh nghiệp, kết quả cho thấy sinh viên đã đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động. Bên cạnh những đánh giá tốt về năng lực chuyên ngành của sinh viên POHE, các doanh nghiệp đánh giá cao về các năng lực chung như: giao tiếp, hiểu biết vấn đề xã hội, làm việc độc lập và theo nhóm, ý thức trách nhiệm công dân, thái độ và đạo đức nghề nghiệp…
Hiện chương trình POHE đang thực hiện ở giai đoạn hai (2012-2015) và với những thành công bước đầu, chương trình tiếp tục hướng đến mục tiêu tạo nền tảng cho một hệ thống giáo dục đại học có định hướng nghề nghiệp tại Việt Nam, đáp ứng tích cực đối với những đòi hỏi của thị trường lao động.
Theo ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, thành công bước đầu trong thí điểm 8 trường đại học triển khai chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng là động lực thúc đẩy việc thực hiện các chương trình POHE trong các cơ sở giáo dục đại học “8 trường sẽ là hạt nhân để giúp các trường khác trong hệ thống giáo dục đại học tiếp cận và triển khai chương trình đào tạo theo hướng này”, ông Bùi Anh Tuấn nói.
Trong tương lai hệ thống giáo dục đại học nước ta sẽ hướng đến việc phân tầng trong đó sẽ hình thành các cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng, cơ sở đại học định hướng thực hành. Theo Dự thảo Nghị định phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học vừa được Bộ GD-ĐT công bố, các cơ sở đại học định hướng ứng dụng sẽ chiếm số lượng đáng kể trong toàn hệ thống. Mô hình giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng sẽ trở thành xu thế phát triển chính trong đào tạo đại học tại Việt Nam.
Tại Diễn đàn các bên liên quan trong giáo dục đại học và định hướng nghề nghiệp ứng dụng ở Việt Nam trong tháng 12, PGS.TS Bùi Anh Tuấn – đã cho rằng: “Xét về dài hạn, các cơ sở giáo dục đại học thuộc tầng thứ hai và thứ ba của hệ thống sẽ thích hợp với các chương trình đào tạo kiểu POHE”.
Theo đánh giá từ nhiều phía, POHE đã đáp ứng tích cực cho yêu cầu đổi mới chương trình đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học theo định hướng ứng dụng nhằm gắn kết đào tạo với thị trường lao động , qua đó tạo ra những sinh viên có kỹ năng chuyên môn và giao tiếp tốt, tự tin, sáng tạo và linh hoạt nhờ được rèn luyện trong môi trường thực tế của nghề nghiệp.
Ông Đàm Quang Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Agricare VN cho rằng: “Trong đào tạo mang tính định hướng nghề nghiệp ứng dụng, việc kết hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường đóng vai trò hết sức quan trong. Thông qua mối quan hệ này, lợi ích giữa Nhà trường – Doanh nghiệp – Sinh viên sẽ hứa hẹn những tiềm năng, lợi ích của các bên”.
Tuy nhiên, để có thể nhân rộng mô hình POHE, trước hết các trường phải xác định rõ ràng được sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược đào tạo của mình. Vấn đề tập hợp cán bộ, giảng viên cũng cần được tính đến, liên quan đến việc hình thành lực lượng giảng viên đạt được khả năng giảng dạy có tiếp xúc với đơn vị sử dụng lao động. Về tiêu chuẩn giảng viên POHE, hiện đã có chứng nhận năng lực UBC – về hợp tác giữa trường và đại học và đơn vị sử dụng lao động.
TS Phạm Xuân Dương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trao đổi về kinh nghiệm hợp tác giữa đào tạo với nhu cầu xã hội và nhà tuyển dụng, cho rằng để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường lao động, đòi hỏi đối với các nhà trường vẫn là “phải hết sức năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
Bên cạnh đó, để triển khai rộng rãi chương trình POHE, vấn đề pháp lý cũng được đặt ra. Đại diện của Trường Đại học Nông lâm- Đại học Huế đề nghị: “Cần phải có khung pháp lý cho việc thực hiện chương trình đào tạo và quan hệ doanh nghiệp”. Nếu áp dụng rộng rãi tại các trường, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành để ban hành các chính sách liên quan, làm cơ sở pháp lý cho các trường triển khai thực hiện POHE.
Tháng 8-2014, năm trung tâm Bồi dưỡng giảng viên POHE đã được thành lập tại các trường: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Trường Đại học Nông lâm Huế, Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh. Các trường tham gia thực hiện chương trình POHE: – Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên – Trường Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên – Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên – Trường Đại học Nông lâm – Đại học Huế – Trường Đại học Vinh – Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh |
Ý kiến ()