Thứ 6, 22/11/2024 18:42 [(GMT +7)]
Đào tạo cán bộ cơ sở: Kinh nghiệm của Thái Bình
Thứ 3, 29/06/2010 | 08:35:00 [(GMT +7)] A A
Thái Bình là một tỉnh thuần nông cho nên đội ngũ cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn giữ vai trò hết sức quan trọng. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua tỉnh đã “đặt hàng” Trường cao đẳng kinh tế- kỹ thuật Thái Bình đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ cơ sở tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
I – Bất cập nguồn nhân lực cơ sở
Sự yếu kém, trình độ hạn chế của đội ngũ cán bộ cơ sở những năm trước đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của Thái Bình. Điều đó đòi hỏi cấp bách cần có những giải pháp phù hợp nâng cao trình độ đội ngũ, phát huy sức mạnh từ cơ sở xã phường, thị trấn, làm nền móng cho việc phát triển kinh tế xã hội.
Năng lực cán bộ cơ sở hạn chế
Các cơ sở xã, phường, thị trấn là nơi diễn ra mọi quá trình hoạt động kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội của nhân dân. Mặt khác đây cũng là nơi trực tiếp tổ chức thực hiện, cụ thể hoá các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Đối với địa phương thuần nông thì việc cán bộ cơ sở chủ chốt nắm vững các kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bảo đảm dân chủ cơ sở giữ vai trò quan trọng.
Tuy nhiên, tại Thái Bình vào những năm 1997-1998, sau khi giải quyết những bất ổn về kinh tế – xã hội ở một số địa phương, đội ngũ cán bộ cơ sở thay đổi cơ bản, có gần hai nghìn cán bộ xã, phường, thị trấn bị xử lý kỷ luật do nhiều nguyên nhân, trong đó, chủ yếu do trình độ năng lực quản lý kinh tế, kỹ thuật yếu kém là chủ yếu.
Sau khi ổn định, qua khảo sát 21 chức danh cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn cho thấy số cán bộ có trình độ lý luận chính trị chiếm tỷ lệ cao hơn so với cán bộ có trình độ chuyên môn, đặc biệt cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng còn rất thấp, cán bộ mới tốt nghiệp THPT, chưa được đào tạo chuyên môn còn nhiều. Đến thời điểm trước năm 2002, chỉ 0,5% cán bộ cấp xã trong tỉnh có trình độ cao đẳng, đại học về kinh tế, kỹ thuật, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chứ chưa nói tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năng lực tổ chức, điều hành, nhất là năng lực quản lý kinh tế, quản lý xã hội của hầu hết cán bộ còn hạn chế. Phần lớn cán bộ chuyên môn kỹ thuật chưa có đủ trình độ để ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Theo đánh giá của Tỉnh uỷ Thái Bình, sự yếu kém trong đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn vào đầu những năm 2000 được xác định do công tác quy hoạch chưa gắn với yêu cầu tiêu chuẩn, khi đào tạo còn nặng về lý luận chính trị, chưa coi trọng quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, chuyên môn kỹ thuật. Mặt khác, quá trình đào tạo cán bộ của tỉnh chủ yếu chú trọng đến đào tạo cán bộ đương chức mà chưa chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ nguồn. Đội ngũ cán bộ cơ sở chủ yếu do dân tín nhiệm bầu lên, chưa qua các trường lớp đào tạo chính quy về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Những người có trình độ cao đẳng, đại học thì lại không muốn về công tác tại cơ sở địa phương vì việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, trình độ cán bộ không đồng đều… cho nên sự phối hợp trong công việc gặp nhiều khó khăn.
Tìm đường đột phá
Xác định rõ nguyên nhân sự yếu kém từ cơ sở, tỉnh Thái Bình đã thực hiện xây dựng đề án đào tạo cán bộ xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, cao đẳng nhằm đáp ứng yêu cầu công việc phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Ngay sau khi triển khai kế hoạch đào tạo, tỉnh đã “đặt hàng” Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Thái Bình đào tạo tại chỗ theo địa chỉ cụ thể cho những cán bộ các xã, thị trấn trình độ cao đẳng, đại học. Trong đó, đối với các cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn đang giữa chức vụ bí thư đảng ủy xã, chủ tịch ủy ban nhân dân xã, chủ nhiệm hợp tác xã… tuổi dưới 42 sẽ được đào tạo tại chức cao đẳng hoặc đại học đa ngành hoặc chuyên ngành về khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế, tin học, ngoại ngữ… Đối với cán bộ dự nguồn và các chức danh khác tuổi dưới 32 sẽ được đào tạo chính quy.
Mặc dù, quyết tâm triển khai việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn nhưng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Thị Hải thì đây là việc làm mới, liên quan tới tất cả các cán bộ chủ chốt cơ sở cho nên gặp không ít khó khăn. Đội ngũ cán bộ đương chức thường ngại đi học do nhiều người đã có tuổi, thậm chí có người lo ngại khi đi học thì không “giữ” được “ghế” sau khi tốt nghiệp; suất đầu tư cho người học còn thấp…
Lường trước những khó khăn, khi thực hiện đề án, Tỉnh uỷ Thái Bình đã chỉ đạo các cơ sở xã, phường, thị trấn rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với các chức danh chủ chốt. Trong đó tổ chức thống kê cán bộ đương chức và dự nguồn các chức danh bí thư, chủ tịch, chủ nhiệm và các chức danh khác về trình độ văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ và độ tuổi để tỉnh có cái nhìn thấu đáo hơn về cán bộ cơ sở.
Từ những dữ liệu có được, tỉnh lập kế hoạch đào tạo, dự kiến ngành cần đào tạo cho từng cán bộ, hình thức đào tạo và thời gian đào tạo. Sau đó, tỉnh phối hợp cùng Trường cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xã, phường, thị trấn. Những cán bộ chủ chốt đương chức được tạo điều kiện học theo hình thức vừa học, vừa làm. Để bảo đảm yêu cầu về chất lượng, những cán bộ đi học đều phải thi tuyển theo đúng quy định. Khi đi học, cán bộ cơ sở được tỉnh hỗ trợ toàn bộ kinh phí nhưng sẽ thực hiện việc giám sát quá trình đào tạo của trường và chất lượng “đầu ra” của người học.
Cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn đương chức đi học cao đẳng, đại học hệ tại chức sẽ được UBND tỉnh cấp sinh hoạt phí 150 nghìn đồng/tháng, cán bộ dự nguồn đi học được cấp 120 nghìn đồng. Kinh phí đào tạo được UBND tỉnh Thái Bình thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về mức đào tạo đại học, cao đẳng… Vì vậy, số lượng cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn dự thi, học tập nâng cao trình độ khá đông, tạo bước khởi đầu thuận lợi cho quá trình chuyển biến chất lượng cán bộ cơ sở của Thái Bình.
II – Đổi mới, đa dạng phương pháp đào tạo
Mặc dù đề án đào tạo cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn của Thái Bình mở ra triển vọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng đào tạo lại không đơn giản chút nào.
Đa dạng phương pháp đào tạo
Theo Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế – kỹ thuật Thái Bình Nguyễn Tiến Dũng thì nhiệm vụ của nhà trường là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, dạy nghề bậc cao đẳng và liên kết đào tạo đại học. Từ năm 2002, việc đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn theo “đặt hàng” của tỉnh khiến nhà trường phải thay đổi từ đào tạo những gì mình có sang đào tạo những gì địa phương cần. Đây là một yêu cầu khá mới mẻ và có tính thực tiễn cao.
Ngay sau khi được “đặt hàng”, trường đã thực hiện nghiêm ngặt việc tuyển sinh nói chung, tuyển sinh trong đội ngũ cán bộ xã, phường thị trấn nói riêng. Thông qua các kỳ thi tuyển sinh của nhà trường, vẫn có khoảng 5% – 10% số thí sinh là cán bộ, diện đặt hàng đào tạo không trúng tuyển do trình độ năng lực hạn chế.
Cùng với đó, trường tổ chức nhiều cuộc hội thảo, trao đổi nghiệp vụ xác định đối tượng sinh viên được “đặt hàng” là cán bộ cơ sở cho nên yêu cầu về chương trình đào tạo phải có sự thay đổi phù hợp. Ngoài chương trình khung chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo chiếm 70%, còn 30% nội dung đào tạo được trường biên soạn và tổ chức giảng dạy linh hoạt theo nhu cầu của từng khóa học.
Đáng chú ý, để phát huy cao nhất năng lực tự học, tự nghiên cứu, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực tiễn, nhà trường đã đổi mới công tác giảng dạy theo hướng “năm có”: Có đầy đủ giáo trình, tài liệu tiên tiến, cập nhật thông tin mới, công nghệ mới; có hệ thống bài tập, câu hỏi, tình huống gợi mở sự sáng tạo của người học; có giảng theo chuyên đề, thảo luận trên lớp và tổ chức cho sinh viên đi thực tế; có sự dụng phương tiện thiết bị hiện đại; có hướng dẫn sinh viên tự học, tự đổi mới phương pháp học tập.
Đối với mỗi môn học, bảo đảm đầy đủ “ba báo cáo”: báo cáo của chuyên gia, báo cáo của các ngành và báo cáo của địa phương sinh viên sinh sống về các đặc điểm kinh tế, xã hội nhằm giúp sinh viên vừa có kiến thức tổng quan, khoa học, vừa có những kiến thức thực tiễn của địa phương liên quan đến các nội dung học tập. Để đáp ứng nhu cầu kiến thức gắn với thực tiễn công việc sau khi ra trường, đề tài khóa luận tốt nghiệp của sinh viên được xác định là những vấn đề trọng tâm, trọng điểm của địa phương cần phải tháo gỡ, giải quyết như: các đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, quản lý sử dụng đất đai, tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hoá… cho phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Quá trình bảo vệ khoá luận được thực hiện chủ yếu tại chính địa phương sinh viên sẽ về công tác và có sự phản biện của các cán bộ địa phương có trình độ đại học, có tiếp thu ý kiến của nhân dân địa phương. Với cách làm này, địa phương sử dụng nguồn nhân lực sẽ trực tiếp kiểm định chất lượng đào tạo của nhà trường và chất lượng học của sinh viên một cách thực tế trước khi trở về công tác. Việc bảo vệ khoá luận tại cơ sở còn có mặt tích cực nữa là giúp cho sinh viên khi ra trường bảo đảm được năm kỹ năng quan trọng: có trình độ chuyên nôn nghiệp vụ; có khả năng giao tiếp, diễn đạt; có khả năng viết tổng hợp; có khả năng xử lý thông tin, tình huống và có kỹ năng làm việc theo nhóm.
Những kết quả khả quan
Kết quả, sau 8 năm tỉnh Thái Bình “đặt hàng” Trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật Thái Bình đào tạo nguồn nhân lực theo “những gì địa phương cần”, trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở của Thái Bình đã được nâng lên khá rõ rệt. Toàn tỉnh có 2.495 cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn được đào tạo trình độ đại học, cao đẳng về kinh tế kỹ thuật… với 95% sinh viên ra trường về công tác tại địa phương.
Nhiều cán bộ xã, phường, thị trấn của Thái Bình sau khi được nâng cao trình độ chuyên môn đã ứng dụng hiệu quả vào việc chỉ đạo, định hướng trong phát triển kinh tế, xã hội. Điển hình như chị Nguyễn Thị Thủy, Bí thư đảng uỷ xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, sau khi được đào tạo tại trường và tiếp cận thực tiễn với kiến thức khoa học từ Chi cục Thuỷ sản, đã triển khai thành công đề án quy hoạch phát triển kinh tế địa phương, bảo đảm hệ thống vùng nuôi ngao, vùng kinh tế biển, phương pháp tiêu thụ sản phẩm…
Hay như tại xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng uỷ Lê Thanh Phơn cho biết, với 14 cán bộ chủ chốt của xã được đào tạo trình độ chuyên môn kinh tế, kỹ thuật những năm qua, việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở ở xã rất tốt, không có đơn thư khiếu kiện, khiếu nại. Cán bộ xã không còn lúng túng trong giải quyết các tình huống mà biết cách làm việc khoa học, hiệu quả. Điều đáng mừng là những định hướng phát triển kinh tế, xã hội của xã đều phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người dân với thu nhập bình quân đạt 17 triệu đồng/người/năm- mức thu nhập mà nhiều nơi trong tỉnh không có được.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Cao Thị Hải nhận định, quá trình đào tạo theo “đặt hàng” của tỉnh với Trường cao đẳng Kinh tế, kỹ thuật Thái Bình đã đi đúng hướng. Đội ngũ cán bộ cơ sở làm việc hiệu quả, được nhân dân tín nhiệm cao. Thông qua các cuộc bầu cử, hơn 40% số cán bộ qua đào tạo được giữ chức vụ cao hơn.
“Cán bộ nào, phong trào ấy”, sự chuyển biến trong đội ngũ cán bộ đã đem lại những chuyển biến tích cực trong tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh. Điển hình như vụ xuân 2010, mặc dù xảy ra sâu bệnh trên diện rộng nhưng cùng với sự chỉ đạo của tỉnh và sự hiểu biết, nắm vững chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ cán bộ các xã cho nên tình hình sâu bệnh được xử lý kịp thời, năng suất lúa bình quân của Thái Bình vẫn thuộc một trong những tỉnh cao nhất cả nước. Đáng chú ý, do trình độ chuyên môn được nâng cao, hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho nên cán bộ cơ sở đã giải quyết tốt các thắc mắc, kiến nghị của người dân, gần như không có khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo vượt cấp Nếu như những năm trước đây, lãnh đạo tỉnh có khi tiếp dân hay giải quyết thắc mắc cả ngày thì đến nay, chỉ có một, hai trường hợp…
Có thể nói, quá trình đào tạo cán bộ cơ sở theo “đặt hàng” của Trường cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Thái Bình đã giải quyết hợp lý, đồng bộ chính sách đối với cán bộ cơ sở theo tinh thần Hội nghị Trung ương 5 khoá IX; đồng thời thực hiện tốt chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội, tạo tiền đề cho kinh tế- xã hội của tỉnh vươn lên.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()