Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tiến trình cải cách hành chính
LSO-Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện nội dung nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC của Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011 - 2020. Công tác này được chú trọng thực hiện ở Lạng Sơn, góp phần xây dựng đội ngũ CBCCVC có năng lực, giải quyết hiệu quả công việc được giao.
Cán bộ xã Bình Trung, huyện Cao Lộc giải quyết công việc chuyên môn |
Năm 2011, xã Bình Trung (Cao Lộc) có tới 74% CBCC chưa qua đào tạo trình độ lý luận chính trị, 53% CBCC chưa qua đào tạo trình độ chuyên môn; đến nay xã đã có 85% CBCC có trình độ lý luận chính trị, 80% CBCC có trình độ chuyên môn từ trung cấp đến đại học. Ông Vy Văn Thàng, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay: Sau khi được đào tạo, đội ngũ CBCC, nhất là cán bộ chủ chốt của xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng động, sáng tạo hơn trong giải quyết công việc, đặc biệt là xử lý các tình huống phát sinh liên quan đến người dân tại cơ sở. Xã luôn tạo điều kiện, cử CBCC tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng. Hiện, xã có 3 CBCC đang theo học lớp trung cấp lý luận chính trị.
Không riêng xã Bình Trung, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều CBCCVC được tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận, quản lý nhà nước, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Năm 2016, cả tỉnh trên 7.600 lượt CBCCVC được đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, trên 400 trường hợp tham gia đào tạo; gần 7.200 lượt CBCCVC được tham gia bồi dưỡng. Trước đó, giai đoạn 2011 – 2015, cả tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng 66.649 lượt CBCCVC. Trong đó đào tạo trong nước, nước ngoài, lý luận và chuyên môn 6.900 lượt CBCCVC; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho 59.749 lượt CBCCVC.
Ông Lương Ngọc Thịnh, Phó Trưởng Phòng Công chức viên chức, Sở Nội vụ cho biết: Qua đào tạo, bồi dưỡng, năng lực của cán bộ từng bước nâng lên, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn của ngạch, vị trí việc làm, đặc biệt là giải quyết tốt hơn các công việc hành chính liên quan đến tổ chức, cá nhân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương ngày càng vững mạnh.
Để thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, thời gian qua, Sở Nội vụ làm tốt vai trò là đầu mối, chủ trì tham mưu xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành các quyết định phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC hằng năm và giai đoạn. Hằng năm, các nội dung, chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng được triển khai đến tất cả các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Các cơ quan, đơn vị cũng tích cực xây dựng, triển khai kế hoạch và quan tâm cử CBCCVC tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng. CBCCVC đã chủ động đăng ký tham gia các lớp, khóa học nâng cao trình độ, năng lực nhằm mục đích đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ công tác của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 đề ra mục tiêu đến năm 2020, đội ngũ CBCCVC có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành công vụ, phục vụ nhân dân và sự nghiệp phát triển đất nước. Để xây dựng đội ngũ CBCCVC của tỉnh có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu của nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, việc đào tạo, bồi dưỡng cần tiếp tục được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm triển khai, thực hiện. Lãnh đạo Phòng Công chức viên chức, Sở Nội vụ cho biết: Thời gian tới, việc đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC sẽ tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng. Trong đó, chú trọng kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, đưa ra các tình huống cụ thể trong công việc để cùng tìm hướng xử lý, hướng dẫn nghiệp vụ theo phương thức “cầm tay, chỉ việc”; quan tâm hơn đến đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC trẻ, có trình độ và năng lực, là người dân tộc thiểu số hoặc giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
MINH ĐỨC
Ý kiến ()