Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Trà Vinh đã triển khai các mục tiêu, giải pháp thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer, tỉnh chọn đầu tư vào khâu mấu chốt là xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc.
Để nhiệm vụ được triển khai đạt kết quả, việc đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo ở khu vực có đông đồng bào Khmer được tỉnh chú trọng, nhất là tại các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành. Trưởng Ban văn hóa xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nghiệp cho biết, tỉnh có đề án quy hoạch, phát triển trường, lớp nhằm phục vụ công tác giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bào dân tộc. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, Hội khuyến học các cấp tập trung liên kết, phối hợp MTTQ và các đoàn thể công tác vận động hội viên và nhân dân tích cực đăng ký xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập. Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Trà Vinh Nguyễn Bá Hiều nêu kinh nghiệm: Hội khuyến học các cấp đã có nhiều chương trình kết hợp hiệu quả với ngành giáo dục để củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục, học tập cộng đồng ở xã, phường, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer.
Đồng thời, cấp ủy các cấp trong tỉnh đã quan tâm củng cố, kiện toàn nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên vùng đồng bào dân tộc. Các đảng bộ địa phương tập trung sắp xếp, tổ chức, đi đôi với bồi dưỡng kết nạp đảng viên là người dân tộc Khmer. Đến nay, 100% ấp, khóm toàn tỉnh có chi bộ, đảng viên là người tại chỗ, 408 chi bộ có đảng viên là người Khmer. Tỉnh đã có 5.982 đảng viên người Khmer, chiếm gần 16% trong tổng số đảng viên toàn đảng bộ tỉnh, tỷ lệ các đảng bộ cơ sở xã, phường, thị trấn vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer đạt chuẩn trong sạch, vững mạnh ngày càng tăng.
Trong nhiều năm liền, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ là người dân tộc Khmer của tỉnh được các cấp ủy quan tâm. Tỉnh tiến hành, quy hoạch cán bộ người dân tộc có tính kế thừa, nhất là đối với vị trí cán bộ chủ chốt, cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tỉnh đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuẩn hóa dần cả trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị coi trọng bố trí, sử dụng cán bộ linh hoạt, đúng năng lực, sở trường công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở các ngành, lĩnh vực quan trọng. Theo đó, cán bộ Khmer được đào tạo, bổ nhiệm và bố trí công tác ở các ngành, các cấp ngày càng nhiều.
Với nhiều giải pháp tập trung, đồng bộ, qua kỳ đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010-2015, số cán bộ người Khmer được bầu vào cấp ủy các cấp đều tăng. Cụ thể, có 350 cán bộ người Khmer được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ cấp xã (tăng 64 đồng chí so với nhiệm kỳ trước), 28 cán bộ người Khmer được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ huyện, thành phố (tăng năm đồng chí so nhiệm kỳ trước), sáu cán bộ người Khmer được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh… Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều có cán bộ chủ chốt là người Khmer. Đồng chí Ngô HeRe, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, hiện với 22.593 tổng số cán bộ, công chức toàn tỉnh, thì tỷ lệ cán bộ người dân tộc Khmer chiếm gần 18,5%. Nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, nhất là nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số của tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Theo khảo sát đánh giá mới đây của Tỉnh ủy Trà Vinh, hầu hết số cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc Khmer ở tỉnh được đề bạt, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý đều phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu. Đội ngũ này có ý thức, tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, chủ động, sáng tạo, thể hiện được bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Ý kiến ()