Ðào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở
Là tỉnh miền núi, biên giới, Sơn La có 12 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Thái chiếm 54,76%; trình độ phát triển của các dân tộc chưa đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí của một bộ phận nhân dân còn thấp; đội ngũ cán bộ có sự phát triển về số lượng và chất lượng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế.Từ tình hình thực tiễn đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ ở các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, phần lớn chưa được đào tạo về chuyên môn và lý luận chính trị, một số dân tộc thiểu số có rất ít cán bộ; nhiều cán bộ tuổi cao, có nhiều kinh nghiệm nhưng thiếu kiến thức chuyên môn, lý luận và nghiệp vụ quản lý; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chủ trương, biện pháp, lựa chọn hình thức phù hợp để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, đạt kết quả quan trọng, với một số hình thức đào tạo và giải pháp cụ thể như sau:Một là, tỉnh chủ trương...
Từ tình hình thực tiễn đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ ở các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, phần lớn chưa được đào tạo về chuyên môn và lý luận chính trị, một số dân tộc thiểu số có rất ít cán bộ; nhiều cán bộ tuổi cao, có nhiều kinh nghiệm nhưng thiếu kiến thức chuyên môn, lý luận và nghiệp vụ quản lý; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chủ trương, biện pháp, lựa chọn hình thức phù hợp để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, đạt kết quả quan trọng, với một số hình thức đào tạo và giải pháp cụ thể như sau:
Một là, tỉnh chủ trương để các trường: Chính trị tỉnh, Trung cấp kinh tế – kỹ thuật, Cao đẳng Sư phạm tỉnh liên kết với một số trường đại học, mở các lớp đào tạo đại học chuyên ngành gắn với đào tạo trung cấp lý luận chính trị, để đào tạo cán bộ đương chức và cán bộ dự nguồn cấp xã theo địa chỉ sử dụng. Trong đó, ưu tiên cán bộ thuộc các dân tộc thiểu số, học sinh tốt nghiệp trường phổ thông dân tộc nội trú, trường thiếu sinh quân, bộ đội, công an hoàn thành nghĩa vụ. Đồng thời với việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đương chức, tỉnh luôn chú trọng chăm lo đào tạo đội ngũ cán bộ dự nguồn. Việc đào tạo cán bộ đã bám sát quy hoạch, nhu cầu sử dụng cán bộ, chú trọng đào tạo cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Để đáp ứng nguồn cán bộ theo đề án quy hoạch cán bộ xã, phường, thị trấn, tỉnh đã và đang mở các lớp đào tạo bậc đại học, trung học nông, lâm nghiệp cho 641 người, gồm đủ các thành phần dân tộc, số học viên này có cả cán bộ và học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông được cơ sở xét cử đi học, làm nguồn cán bộ chủ yếu cho cơ sở sau này.
Hai là, Tỉnh ủy chủ trương đưa cán bộ trẻ có sức khỏe, trình độ, năng lực là trưởng, phó phòng, ban ở tỉnh và huyện về làm cán bộ chủ chốt ở xã (có thời hạn), với mục đích để số cán bộ trẻ được rèn luyện, trưởng thành qua thực tế cơ sở. Đó cũng là điều kiện để số cán bộ cơ sở được đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn trở về công tác tại địa phương, đáp ứng nhiệm vụ chính trị và chuẩn hóa cán bộ. Chủ trương này đã được tỉnh sơ kết rút kinh nghiệm để tăng cường tiếp cán bộ xuống cơ sở.
Ba là, tập huấn nghiệp vụ công tác đảng, công tác quản lý nhà nước cho tất cả bí thư chi bộ, trưởng bản, tổ dân phố trong toàn tỉnh, qua đó nâng cao nghiệp vụ công tác đảng, chính quyền và tăng cường củng cố mối quan hệ gắn bó giữa các cấp trong hệ thống chính trị, giữa cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, vì vậy khối đoàn kết các dân tộc được củng cố vững chắc. Qua các đợt tập huấn, các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng bản đã nắm vững nghiệp vụ công tác và vận dụng điều hành quản lý chính quyền tại địa phương, góp phần củng cố các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao khả năng tự giải quyết những vấn đề nảy sinh tại cơ sở, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Bốn là, để động viên cán bộ ở cơ sở, tỉnh đã quyết định chế độ phụ cấp hằng tháng cho 13 chức danh với hơn 41 nghìn cán bộ bản, tiểu khu, tổ dân phố theo hệ số mức lương tối thiểu. Sắp tới, HĐND tỉnh sẽ quyết nghị thêm hai chức danh là y tế bản và bản đội trưởng, nâng số cán bộ bản được hưởng phụ cấp lên 15 chức danh.
Với những cách làm như trên, đến nay cơ bản đội ngũ cán bộ của tỉnh về số lượng, trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ được nâng lên, sắp xếp, bố trí công việc tương đối phù hợp với trình độ năng lực, sở trường công tác; đảm đương tốt các trọng trách được giao. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và hoạt động của chính quyền và các đoàn thể chính trị – xã hội ở cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực. Đó là yếu tố cơ bản bảo đảm cho kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển, đồng thời giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Từ thực tiễn và kết quả đạt được, trong những năm tới, Tỉnh ủy Sơn La tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các khâu của công tác cán bộ, trọng tâm là đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở; đẩy mạnh đào tạo, luân chuyển cán bộ theo quy hoạch. Tỉnh tiếp tục phối hợp mở các lớp đại học hành chính, trung cấp hành chính gắn với đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ đương chức và dự nguồn cấp xã, đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho cán bộ quy hoạch, cử cán bộ đi đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, từng bước chuẩn hóa, trẻ hóa đội ngũ cán bộ, đáp ứng tốt yêu cầu kiện toàn nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cấp nhiệm kỳ mới. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, Tỉnh ủy Sơn La đã có nghị quyết lãnh đạo thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, với một số nhiệm vụ và giải pháp chính sau:
Thực hiện tốt Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ. Đánh giá và sử dụng đúng cán bộ; kịp thời thay thế cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, uy tín giảm sút.
Thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy hoạch ở các ngành, các cấp; khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ. Chú trọng quy hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Đổi mới, trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Tập trung kiện toàn, củng cố, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó đặc biệt chú trọng cán bộ ở cấp huyện và cơ sở. Tập trung đào tạo, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ cao, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số, chuyên gia trên các lĩnh vực; thực hiện chuẩn hóa, trẻ hóa cán bộ theo tiêu chuẩn từng chức danh, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.
Những năm qua, tỉnh Sơn La đã thực hiện tốt công tác cán bộ với nhiều giải pháp, cách làm phù hợp điều kiện của một tỉnh miền núi. Có đội ngũ cán bộ cơ sở ngày càng vững mạnh, đảm đương các trọng trách trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, quyết tâm lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội, cho nên đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, được nâng lên và có những thay đổi quan trọng. Các dân tộc luôn đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hăng hái tham gia xây dựng cuộc sống mới, phát triển kinh tế – xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng đưa tỉnh Sơn La phát triển, hòa nhập với sự phát triển chung của cả nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()