Ðào tạo, bổ sung cán bộ y tế chuyên ngành sản khoa cho tuyến dưới
Cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe cho sản phụ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện miền núi Nghĩa Đàn (Nghệ An). |
Theo báo cáo của ngành y tế, hiện nay tỷ lệ tử vong mẹ ở nước ta đã giảm hơn ba lần, từ mức 233/100 nghìn trẻ đẻ sống (năm 1990) xuống còn 69/100 nghìn trẻ đẻ sống vào năm 2009. Mặc dù tử vong mẹ đã giảm, nhưng với số ca sinh khoảng một triệu trẻ/năm, như vậy ước tính mỗi năm cả nước vẫn còn từ 690 đến 700 ca tử vong mẹ. Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản (SKSS), một trong những nguyên nhân dẫn đến tai biến sản khoa gây tử vong mẹ ở nước ta thời gian qua là do thiếu nguồn nhân lực chuyên ngành sản, cũng như năng lực chuyên môn về làm mẹ an toàn của cán bộ y tế còn hạn chế. Theo số liệu thống kê, hiện nay tuyến huyện, xã đang thiếu nguồn nhân lực khá trầm trọng, đối với tuyến huyện, tỷ lệ bệnh viện đa khoa (BVĐK) có thạc sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa sản hoặc tương đương mới đạt 54,8% và vẫn còn 21,3% số BVĐK không có bác sĩ chuyên khoa sản định hướng trở lên. Trong số 215 BVĐK huyện thuộc vùng được xác định có khó khăn về địa lý, còn 55 bệnh viện (chiếm 25,6%) không có bác sĩ từ chuyên khoa sản định hướng trở lên. Tại 62 huyện nghèo tỷ lệ này lên đến 39%. Tuyến xã, tỷ lệ trạm y tế (TYT) có y sĩ sản nhi, nữ hộ sinh đạt 93,7% (trong đó có 2,4% số TYT xã chỉ có nữ hộ sinh sơ học). Như vậy, vẫn còn khoảng 6% số TYT xã chưa có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh trung học trở lên, đối với 62 huyện nghèo tỷ lệ này là 15,4% số xã chưa có đội ngũ trên. Trong khi đó, vẫn còn 2,7% số BVĐK tỉnh, BVĐK khu vực, 3,1% số trung tâm CSSKSS tỉnh không có bác sĩ chuyên khoa sản định hướng trở lên.
Thông qua các dự án do quốc tế hỗ trợ, Dự án mục tiêu Y tế quốc gia về SKSS, ngành y tế đã triển khai công tác đào tạo lại cho cán bộ y tế về làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ sơ sinh… Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực, nên tỷ lệ cơ sở có cán bộ đào tạo ở các tuyến xã, huyện, tỉnh mới đạt từ 50 đến 60%. Các khóa đào tạo vẫn chủ yếu tập trung vào học lý thuyết, chưa có nhiều thời gian để học viên rèn luyện kỹ năng thực hành. Qua kết quả của cuộc rà soát về người đỡ đẻ cho thấy, nhiều cán bộ chăm sóc thai sản ở tuyến huyện, tuyến xã còn chưa được đào tạo các kỹ năng cứu sống mẹ và trẻ sơ sinh. Theo kết quả đánh giá năng lực của 270 cán bộ làm công tác đỡ đẻ tại tám tỉnh cho thấy, có 97% số bác sĩ và nữ hộ sinh được học đủ ba mươi kỹ năng trong chương trình đào tạo chính quy và đào tạo lại liên tục. Song, một số kỹ năng quan trọng như xử trí tích cực ba giai đoạn khi đẻ, xử trí tiền sản giật, xử trí sa dây rốn, bóc rau thai bằng tay, hồi sức sơ sinh…, thì có tới 10% số cán bộ trực tiếp làm công tác đỡ đẻ chưa được học. Bên cạnh đó, một số cán bộ y tế được học trong các chương trình đào tạo nhưng không có cơ hội thực hành vì những hạn chế trong phân tuyến kỹ thuật, dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ rất thành thạo đỡ đẻ thường, nhưng lại thiếu tự tin khi có biến chứng trong ca sinh…
Giáo sư Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Nếu phấn đấu để đạt mục tiêu của Chiến lược Dân số – SKSS và cũng là mục tiêu phát triển thiên niên kỷ số năm (giảm ba phần tư số ca tử vong vào năm 2015 so với năm 1990), thì tỷ số tử vong mẹ ở nước ta cần giảm còn 58,3/100 nghìn trẻ đẻ sống. Như vậy, đến năm 2015 ước tính mỗi năm ở Việt Nam vẫn còn từ 580 đến 600 ca tử vong mẹ. Để từng bước khắc phục những khó khăn về nguồn nhân lực, về năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế, Bộ Y tế sẽ tăng cường đào tạo bác sĩ chuyên khoa phụ sản, chuyên khoa nhi, nhất là chú trọng hình thức đào tạo chuyên khoa sơ bộ để bổ sung lực lượng cán bộ chuyên khoa thuộc hai ngành trên đối với tuyến huyện, tuyến xã đang rất thiếu, kể cả đối với tuyến tỉnh. Một trong các nguyên nhân để xảy ra tai biến sản khoa gây tử vong mẹ ở một số cơ sở y tế thời gian vừa qua là do thiếu cán bộ dẫn đến phải trực dày, sản phụ đông không đủ thời gian và sức khỏe để có thể theo dõi sản phụ theo đúng quy trình, quy định. Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tăng cường đào tạo đội ngũ cô đỡ thôn, bản hoặc cán bộ y tế thôn, bản biết quản lý thai, đỡ đẻ sạch, đẻ an toàn kể cả phát hiện, xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời trong những trường hợp mang thai có nguy cơ. Ngoài ra, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chế độ chính sách nhằm thu hút cán bộ chuyên môn, nhất là cán bộ giỏi về công tác lâu dài ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, ban hành quy định về nghĩa vụ xã hội đối với bác sĩ về công tác tại các vùng sâu, vùng xa theo hướng tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh và đào tạo cán bộ bằng hình thức cầm tay chỉ việc.
Ý kiến ()