Đào tạo báo chí-truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Chiều 5/6, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) phối hợp Vụ Báo chí-Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia chủ đề: Đào tạo báo chí-truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam dự và phát biểu tại Hội thảo.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng, làm thay đổi căn bản nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động báo chí-truyền thông. Chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà là nhiệm vụ đặt ra đối với từng cơ quan báo chí, cơ sở truyền thông nhằm vừa phục vụ tốt nhất, nhanh nhất nhu cầu thông tin của xã hội, vừa phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, đồng thời tối ưu hóa các nguồn lực cho sự phát triển của báo chí-truyền thông.
Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra nhiều mục tiêu cho nền báo chí Việt Nam đến năm 2025:70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số…
Các cơ sở đào tạo báo chí-truyền thông đã có sự đổi mới tư duy đào tạo, chú trọng thiết kế nội dung và chương trình theo hướng bám sát thực tiễn xã hội, đặc biệt đã chú trọng việc lồng ghép các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số cần có của người làm báo chí-truyền thông hiện đại. Tuy nhiên, công tác đào tạo báo chí-truyền thông cũng đối diện nhiều thách thức, khó khăn. Việc tiếp tục đổi mới công tác đào tạo báo chí-truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam đang là yêu cầu bức thiết.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh: Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông không chỉ dừng lại ở việc đẩy mạnh tin học hóa và số hóa dữ liệu trong hoạt động báo chí, mà còn là sự thay đổi toàn diện hoạt động báo chí-truyền thông trên nền tảng công nghệ số. Cụ thể như: thay đổi mô hình quản trị tòa soạn; tư duy và phương thức lãnh đạo, quản lý hệ thống; quy trình sản xuất, phát triển nội dung và phương thức tác nghiệp báo chí-truyền thông đa nền tảng; vấn đề tiếp thị công chúng; phương thức quản lý dữ liệu, văn hóa báo chí-truyền thông...
Do vậy, ngoài nền tảng công nghệ và nguồn lực tài chính dồi dào, thì khả năng thích nghi của mỗi cơ quan báo chí, truyền thông với một tương lai kỹ thuật số sẽ tùy thuộc vào việc phát triển được hay không một thế hệ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ người làm công tác báo chí-truyền thông với kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm lao động nghề nghiệp chuyên nghiệp trong môi trường số. Điều này đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao hơn đối với công tác đào tạo báo chí-truyền thông hiện nay, để có thể theo kịp xu thế phát triển chung và đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao kịp thời cho xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số.
62 tham luận được gửi tới Hội thảo của các nhà khoa học, các cán bộ lãnh đạo, quản lý với các chủ đề và góc nhìn phong phú, đa dạng đã cung cấp những luận cứ khoa học, thực trạng cũng như các xu hướng trong những vấn đề về đào tạo báo chí-truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý, các cơ sở đào tạo, các cơ quan báo chí-truyền thông đã cùng nghiên cứu trao đổi, thảo luận làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về đào tạo báo chí-truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số; đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng, chia sẻ các kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp, khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo báo chí-truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới.
Ý kiến ()