Đào tạo bác sĩ trẻ về vùng khó khăn – Cần giải pháp bền vững
Thời gian bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại các huyện khó khăn 2-3 năm là quá ngắn. |
Cả huyện không có bác sĩ chính quy!
Bác sỹ Vũ Trọng Thành, Giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện tại bệnh viện đang có 8 bác sĩ, trong đó có 2 bác sĩ cử tuyển và 6 bác sĩ chuyên tu. Các kỹ thuật mà bệnh viện đang triển khai như mổ lấy thai lần đầu, cắt u nang buồng trứng, nối gân và những phẫu thuật nhỏ. Bệnh viện cũng đã có máy gây mê kèm thở, máy mổ nội soi nhưng chưa có người sử dụng, vì có 2 bác sĩ đang đi học chuyên khoa.
Chính vì vậy, BS Vũ Trọng Thành chia sẻ, nhu cầu bác sĩ ở đây rất cấp thiết. Tuy nhiên, theo Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo (Dự án 585) của Bộ Y tế, tiêu chí chọn bác sĩ được đào tạo chuyên khoa I theo hình thức cầm tay chỉ việc “1 thầy 1 trò” là phải tốt nghiệp bác sĩ chính quy. Nhưng tại huyện Lâm Bình hiện nay không có một bác sĩ chính quy nào.
BSCK I Tạ Tiến Mạnh, Giám đốc BVĐK Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, cũng cho biết, việc lo lắng bác sĩ chuyên tu sau khi được đào tạo chuyên khoa I theo Dự án không làm được việc là không đúng, vì thực tế nhiều người có tâm huyết, họ làm rất tốt và đáp ứng nhu cầu chăm sóc, điều trị bệnh nhân ngay tại địa phương.
Hiện tại, BVĐK huyện Mèo Vạc đang có một bác sĩ trẻ đã được tuyển dụng từ bệnh viện Trung ương, đến công tác theo Dự án 585. Tuy nhiên, thời gian công tác tại đây của bác sĩ quá ngắn, chỉ 2 năm (đối với bác sĩ nữ). Như vậy, sau 2 năm – khi mới bắt đầu quen dần ngôn ngữ, các mặt bệnh…thì bác sĩ trẻ lại trở về Trung ương.
“Nếu như đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác thì chỉ 2-3 năm, các bác sĩ quay trở về Trung ương thì Mèo Vạc vẫn là Mèo Vạc, Hoàng Su Phì vẫn là Hoàng Su Phì, vì vậy, Sở Y tế tỉnh rất mong muốn Dự án hướng tới các bác sĩ ngay tại địa phương, để đầu tư bền vững hơn, vì họ đang sinh sống và làm việc ngay tại địa phương, có thể gắn bó lâu dài với bệnh viện,”, ông Lương Đức Thuần chia sẻ.
Tuy nhiên, lãnh đạo các bệnh viện thuộc nhiều huyện khó khăn, đều băn khoăn, sau khi đào tạo xongcác bác sĩ sẽ lần lượt xin thôi việc để về tỉnh hoặc về Trung ương công tác.
Đào tạo bác sĩ “tại chỗ” để phục vụ người dân được coi là giải pháp lâu dài về vấn đề nhân lực tại y tế cơ sở. |
Tìm cách “giữ chân” bác sĩ
Ông Vũ Mạnh Hà, Bí thư huyện ủy Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang cho biết, các bác sĩ về huyện công tác, sau đó xin về tỉnh và Trung ương rất nhiều, vì vậy bệnh viện Đa khoa huyện luôn thiếu bác sĩ và hạn chế về chất lượng. Cần phải có giải pháp căn cơ để “giữ chân” các bác sĩ ở lại công tác.
Bí thư huyện ủy Hoàng Su Phì đồng tình với kiến nghị nên tập trung đào tạo bác sĩ ngay tại địa phương và việc đào tạo cần dựa vào điều kiện của từng vùng, từng địa phương, như vậy, sẽ không bị “chảy máu chất xám”.
“Lĩnh vực y tế là lĩnh vực giữ người khó nhất. Đặc biệt, công tác an sinh mà không tốt thì càng dễ chảy máu chất xám”, ông Vũ Mạnh Hà nói.
BSCK I Tạ Tiến Mạnh, Giám đốc BVĐK Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cũng kiến nghị, nếu mở rộng đối tượng tham gia Dự án là các bác sĩ của địa phương, ngành Y tế cũng cần có chế độ ưu đãi ngành và phụ cấp cơ sở cho các bác sĩ địa phương để họ yên tâm công tác lâu dài.
Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế kiêm Giám đốc Dự án 585 cho biết, Hoàng Su Phì và Mèo Vạc… là những huyện khó khăn, ngay cả đường đi cũng đã khiến người dân rất vất vả. Nếu vận chuyển bệnh nhân trên đường ra đến tỉnh, thì tỷ lệ tử vong rất cao. Như ở huyện Mường Nhé, tỉnh Lai Châu, cố gắng lắm, khi chuyển bệnh nhân ra tỉnh chỉ cứu được 40%, còn 60% là tử vong trên đường đi.
Chính vì vậy, việc đào tạo “nhân lực tại chỗ” để phục vụ người dân là rất quan trọng. Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của các bệnh viện, vì có những cái không thể tuyệt đối, đúng là có những bác sĩ chuyên tu cũng rất giỏi chuyên môn. Dự án sẽ xem xét lại tiêu chí này trong thời gian tới, khi đó sẽ chọn các bác sĩ chuyên tu xuất sắc để đào tạo, ông Phạm Văn Tác chia sẻ.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()