LSO-Cách đây 10 năm, trong buổi gặp mặt và nói chuyện với các nhà báo nhân dịp đầu xuân thiên niên kỷ mới, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhấn mạnh: Chính phủ đánh giá cao hoạt động báo chí, coi báo chí là một kênh thông tin quan trọng giúp Chính phủ điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc trưng nổi bật của thiên niên kỷ mới là thời đại bùng nổ thông tin, kinh tế tri thức và toàn cầu hóa. Vì thế báo chí đóng vai trò rất quan trọng. Mọi cơ hội dẫn đến thành công hay thất bại trong hoạt động kinh tế - xã hội đều phụ thuộc vào khả năng nắm bắt và xử lý thông tin, mà một trong những nguồn thông tin quan trọng đó thường được phản ánh trên các báo.Độc giả với báo chí Lạng Sơn - Ảnh: Thanh HoàThông tin trên báo chí có vai trò quan trọng như vậy, nhà báo với trách nhiệm xã hội của mình, phải thực hiện tốt yêu cầu thông tin nhanh, đúng, trúng, hay các vấn đề, các sự việc, sự kiện, tình...
LSO-Cách đây 10 năm, trong buổi gặp mặt và nói chuyện với các nhà báo nhân dịp đầu xuân thiên niên kỷ mới, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhấn mạnh: Chính phủ đánh giá cao hoạt động báo chí, coi báo chí là một kênh thông tin quan trọng giúp Chính phủ điều hành các hoạt động kinh tế – xã hội của đất nước.
Đặc trưng nổi bật của thiên niên kỷ mới là thời đại bùng nổ thông tin, kinh tế tri thức và toàn cầu hóa. Vì thế báo chí đóng vai trò rất quan trọng. Mọi cơ hội dẫn đến thành công hay thất bại trong hoạt động kinh tế – xã hội đều phụ thuộc vào khả năng nắm bắt và xử lý thông tin, mà một trong những nguồn thông tin quan trọng đó thường được phản ánh trên các báo.
|
Độc giả với báo chí Lạng Sơn – Ảnh: Thanh Hoà |
Thông tin trên báo chí có vai trò quan trọng như vậy, nhà báo với trách nhiệm xã hội của mình, phải thực hiện tốt yêu cầu thông tin nhanh, đúng, trúng, hay các vấn đề, các sự việc, sự kiện, tình hình diễn ra trên đất nước và thế giới. Bên cạnh đó, là người chiến sĩ cách mạng, người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, nhà báo không thể từ bỏ trách nhiệm tham gia đấu tranh chống tham nhũng. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham nhũng là một kẻ thù nguy hiểm. Kẻ thù này “không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta để làm hỏng công việc của ta… Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí vượt khó khăn của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm chính”. Coi tham nhũng là kẻ thù nguy hiểm như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chống tham nhũng “cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị”. Đấu tranh chống tham nhũng là đấu tranh chống kẻ thù trên mặt trận tư tưởng và chính trị, nhà báo phải có đạo đức và bản lĩnh. Bọn tham nhũng thừa biết tác dụng của báo chí, vai trò của nhà báo trong đấu tranh chống tham nhũng. Do vậy, chúng tìm mọi thủ đoạn mua chuộc, lôi kéo cơ quan báo chí và nhà báo về phía chúng, ủng hộ chúng, che chắn chúng, có lợi cho chúng làm lợi cho chúng. Mặt trái của kinh tế thị trường, cơ chế thị trường tác động tiêu cực đến đạo đức nghề nghiệp của nhiều giới, trong đó có giới báo chí. Là người nhạy cảm, nhà báo sớm nhận ra và nhận rõ điều đó. Cũng như mọi người, nhà báo có nhu cầu về ăn, mặc, ở, tiêu dùng,… Có nhu cầu như vậy, trong kinh tế, cơ chế thị trường, nếu không tự chủ đề cao đạo đức, bản lĩnh mà tự cho mình cái quyền “được ăn, được nói, được gói mang về” thì nhà báo dễ lỡ bước sa chân, trở thành nô lệ cho đồng tiền bất chính và là trợ thủ cho bọn tham nhũng. Đối mặt với mặt trái của kinh tế, cơ chế thị trường, đối diện với chính mình như vậy, đấu tranh chống tham nhũng, nhà báo phải có đạo đức trong sáng, có bản lĩnh vững vàng.
Những năm qua, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, nhiều nhà báo đã tham gia tích cực và đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Nhiều nhà báo đã không quản khó khăn, vất vả, đã vượt qua cám dỗ, thách thức để thu thập tài liệu, chứng cứ thực hiện các bài viết, các phóng sự và phóng sự điều tra có tính chân thực và tính chiến đấu. Những nhà báo này tận tâm vì Đảng, vì nước, vì dân, đã tạo được dư luận xã hội đòi hỏi giải quyết kịp thời, triệt để, nghiêm minh đối với tệ nạn tham nhũng. Đảng ta, Nhà nước ta, nhân dân ta đánh giá cao những đóng góp tích cực của những nhà báo đức độ, bản lĩnh, tài năng tham gia đấu tranh chống tham nhũng có hiệu qủa. Tuy nhiên, bên cạnh những nhà báo đó, cũng có một số “con sâu” vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thoái hóa, biến chất, trở thành công cụ của bọn tham nhũng, làm tổn hại đến uy tín, danh dự của giới báo chí. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Đảng ta xác định: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các cấp ủy và tổ chức đảng phải nhận thức sâu sắc tính cấp thiết, lâu dài, phức tạp và khó khăn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; có quyết tâm chính trị cao, đấu tranh kiên quyết, kiên trì, liên tục, có hiệu quả từ Trung ương đến cơ sở… sử dụng sức mạnh tổng hợp của tổ chức Đảng, bộ máy nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng”. (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội -2006, trang 286-287). Thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng trong cuộc đấu tranh này, nhà báo rất cần sự hậu thuẫn của ban biên tập, Tổng biên tập báo viết, Giám đốc báo nói, báo hình. Ngoài ra, để cuộc đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả, rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa cơ bản báo chí với các cơ quan hành pháp. Các cơ quan hành pháp, thực thi pháp luật điều tra, kiểm tra, thanh tra, xử lý tham nhũng. Thiếu hoặc không có sự phối hợp đồng bộ đó, đấu tranh chống tham nhũng của báo chí, của nhà báo không trọn vẹn thành công.
Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đặt niềm tin và giao trách nhiệm cho báo chí, cho nhà báo đấu tranh chống tham nhũng. Thực hiện nhiệm vụ này, đòi hỏi nhà báo không ngừng trau dồi, rèn luyện, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để có “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” tham gia đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng và nhân dân ta.
Trung Dũng
Ý kiến ()