Đạo đức người làm báo trong thời kỳ mới
Hôm nay 21-6, đội ngũ những người làm báo cả nước hân hoan kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. 91 năm qua, đội ngũ nhà báo đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng. Qua các thời kỳ cách mạng nhà báo luôn được tôn trọng, được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình. Trong thời đại truyền thông phát triển mạnh mẽ như hiện nay, vai trò của các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo càng trở nên quan trọng. Báo chí đã không ngừng nỗ lực vượt qua những thách thức, khó khăn để phản ánh đời sống xã hội một cách đầy đủ, cập nhật nhanh nhạy, phong phú, đa dạng, nhiều chiều.
Trong suốt quá trình phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện và phản ánh kịp thời những tấm gương điển hình tiên tiến trong các phong trào cách mạng; những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhất là những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội. Những năm gần đây, các cơ quan báo chí, các nhà báo đã chủ động, tích cực tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, lãng phí và sự suy thoái đạo đức, lối sống… Qua đó, báo chí nói chung và đội ngũ nhà báo nói riêng đã góp phần quan trọng bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động nghiệp vụ, đứng trước sức ép cạnh tranh thông tin, đã xuất hiện những vấn đề đáng lo ngại trong hoạt động báo chí, trước hết là đạo đức của một bộ phận người làm báo đang xuống cấp. Ở đâu đó, chúng ta vẫn gặp những nhà báo “xa dân”, những bài viết xa rời cuộc sống, những thông tin giật gân để “câu view”, cốt để thu hút quảng cáo… Những thông tin như vậy thường thiếu sự kiểm chứng, thẩm định, độ xác thực thấp, thậm chí là bịa đặt, xuyên tạc, vu khống, chỉ phục vụ thị hiếu tầm thường của một bộ phận người đọc thiếu tinh thần trách nhiệm. Với cách làm việc đó, mỗi nhà báo sẽ tự đánh mất sự nghiệp của mình bởi đã không thực hiện đúng với chức năng, nhiệm vụ của nhà báo là thông tin trung thực, khách quan và phải đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân khi đưa tin, viết bài. Có thể nói, nguyên nhân chính và căn bản dẫn tới thực trạng nêu trên là việc kém rèn luyện, tu dưỡng của phóng viên và sự giám sát lỏng lẻo của ban biên tập các báo về hành vi đạo đức của người viết báo.
Trong thời kỳ mới của đất nước, khi chúng ta đang phải đối mặt vô vàn khó khăn, thách thức để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đạo đức của người làm báo là rất quan trọng. Mỗi nhà báo cần phải tự mình tìm kiếm những thông tin tích cực, lành mạnh, đúng đắn để truyền tải tới độc giả. Đây là một nhiệm vụ không dễ dàng bởi hằng ngày, hằng giờ mỗi người phải đối diện những thông tin xô bồ, hỗn tạp. Để làm được điều đó, cùng với đạo đức là nền tảng, mỗi nhà báo rất cần năng lực và trình độ chuyên môn cao. Đạo đức tốt và năng lực nghề nghiệp sẽ tạo nên người làm báo chân chính, tâm huyết và có trách nhiệm xã hội. Có được những phẩm chất này, mỗi người làm báo sẽ vững tin, bản lĩnh để bảo vệ điều thiện, truyền lửa cho người đọc cùng nhau bảo vệ điều thiện, không bị ngã lòng trước cám dỗ, không bị khuất phục bởi điều ác.
Một trong những nguyên tắc hàng đầu mà mỗi nhà báo cần thấu hiểu sâu sắc là trách nhiệm với công chúng, với xã hội. Đó không chỉ là việc cung cấp thông tin kịp thời mà còn phải định hướng dư luận; không chỉ đơn thuần là phản ánh bức xúc của nhân dân mà quan trọng hơn là phân tích làm rõ nguồn gốc của những bức xúc đó để đề xuất phương hướng giải quyết. Nhà báo phải là chỗ dựa tin cậy, vững chắc để nhân dân tham gia đấu tranh với cái xấu, tiêu cực. Một nhà báo có đạo đức nghề nghiệp phải nghiêm túc với công việc của mình và tôn trọng người đọc.
Báo chí luôn có những tác động xã hội rất lớn đến cuộc sống, lao động, sản xuất của nhân dân và đối ngoại của đất nước. Vì vậy, đạo đức phẩm chất chính là vấn đề cốt lõi của người làm báo. Mỗi nhà báo phải ý thức sâu sắc về trách nhiệm đối với xã hội, với cộng đồng, nêu cao đạo đức nghề nghiệp trong mọi hoàn cảnh. Thông tin cần bảo đảm sự chính xác, kịp thời nhưng cũng phải hướng đến những giá trị nhân văn của cuộc sống.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()