Đạo đức nghề nghiệp và lòng nhân ái
Truyền thông phát triển đã góp phần nâng cao dân trí, phát triển xã hội, đáp ứng nhu cầu tinh thần ngày càng đa dạng, phong phú của người dân. Tuy nhiên, báo chí chỉ làm tốt vai trò của nó khi đạo đức người làm báo luôn được đề cao, chi phối mọi thao tác nghề nghiệp…
Bức thư của nhà sản xuất bộ phim “Kong: Skull island” gửi tới truyền thông Việt Nam được công bố ngày 16-3 đã khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Bởi, dù được viết một cách nhã nhặn, thì nội dung bức thư vẫn cho thấy đoàn làm phim đã bị truyền thông “làm phiền”! Theo đó, trong thời gian làm việc tại Việt Nam, việc di chuyển, địa điểm, hoạt động chuẩn bị, lịch quay, cảnh quay của đoàn làm phim bị ảnh hưởng vì một số cơ quan truyền thông liên tục công bố thông tin, hình ảnh không chính thức và ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc cảm thụ sau khi bộ phim được công chiếu. Và họ bày tỏ mong muốn truyền thông ở Việt Nam hạn chế đưa thông tin về bộ phim trên phương tiện truyền thông đại chúng. Đặc biệt, nhà sản xuất đính chính việc hiểu sai bộ phim như là phần tiếp theo hoặc phần làm lại của các phim về King Kong trước đó, vì đây là phim hoàn toàn nguyên bản, có bối cảnh mới trong câu chuyện thần thoại về Kong; do đó một số địa chỉ truyền thông Việt Nam sử dụng tên King Kong 2 khi nói tới “Kong: Skull island” là không chính xác. Vậy trên thực tế, truyền thông Việt Nam đã làm gì? Chỉ hơn hai tuần có mặt ở Việt Nam thực hiện một số cảnh quay, mà thông tin về đoàn làm phim “Kong: Skull island” đã dày đặc trên nhiều tờ báo. Với hiện tượng này, hẳn có người cho rằng, nhất cử nhất động của đoàn làm phim được phản ánh trên báo chí, đáp ứng sự tò mò của độc giả, và là hình thức quảng bá cho bộ phim. Nhưng bức thư của đoàn làm phim với lời lẽ nhã nhặn buộc chúng ta phải suy nghĩ. Rõ ràng, quyền bảo mật thông tin cũng là một nhu cầu chính đáng của họ, cần được tôn trọng.
Nhưng có lẽ lâu nay, việc quan tâm đến nhu cầu chính đáng này ở Việt Nam đã bị xem nhẹ. Cách đây ít ngày, một nam diễn viên bức xúc khi đời tư của mình bị một số phóng viên xâm phạm quá mức đã phải lên tiếng: “Làm ơn ngưng ngay trò “chụp lén”. Tôi cần được riêng tư và sống bình thường như bao nhiêu con người khác”. Trong thư gửi đến báo giới, nam diễn viên chia sẻ: “Bây giờ, tôi cảm thấy mình cứ như đang ở tù treo. Tôi bị stress nặng vì đi đâu cũng thập thò lo sợ có bị chụp lén hay không. Mọi chuyện đang lắng dần, mà cứ được vài hôm là tôi lại bị chụp lén như vậy thì làm sao tôi sống nổi. Tôi đã tổn thất rất nhiều hợp đồng một cách oan ức vì những hình ảnh này. Ai đó nếu thử đặt mình vào hoàn cảnh của tôi xem mọi người sẽ đối diện nó và tiếp tục làm việc như thế nào?”. Đây là vấn đề cần xem xét nghiêm túc, bởi có một thực tế là dường như từ quan niệm hời hợt về “thế giới phẳng”, về cái gọi là “người của công chúng” mà một số người làm báo, một số tờ báo đã đi đến chỗ cho rằng phát ngôn, hành động, cuộc sống thường ngày của bất kỳ người nào cũng có thể là đối tượng để họ soi mói, dù đó có là điều riêng tư cần tôn trọng? Và internet đã trở thành miếng mồi béo bở để một số “nhà báo salon” chế biến ra những bài báo chủ yếu là xào xáo tin tức nhặt nhạnh từ mạng xã hội, facebook của người nổi tiếng. Trước tình trạng ngày càng phức tạp, gần đây đã xuất hiện nhiều lời cảnh báo các cá nhân không nên cung cấp thông tin đời tư lên mạng xã hội như: địa chỉ nhà, số tài khoản, ảnh gia đình, con cái… để tự bảo vệ bản thân và bảo vệ gia đình. Còn về luật pháp, liệu mấy người làm báo thản nhiên công bố những bức ảnh liên quan đời tư cá nhân mà họ chụp được, có biết Điều 32 về Quyền của cá nhân đối với hình ảnh trong Luật Dân sự (2015) ghi rõ: “1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;… 3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”.
Báo chí được đề cao trong xã hội bởi có khả năng tác động mạnh mẽ đến dư luận, có thể làm thay đổi nhận thức của độc giả trước sự kiện, vấn đề nào đó, thậm chí thông tin từ báo chí có thể làm thay đổi cuộc đời một con người. Cũng chính vì ảnh hưởng của báo chí trong đời sống mà những người làm báo càng cần phải coi trọng đạo đức nghề nghiệp, nhất là trong thời buổi cạnh tranh thông tin như hiện nay. Trong khi đa số báo chí hướng cộng đồng tới việc xây dựng các giá trị chân, thiện, mỹ thì cũng đã và đang xuất hiện xu hướng báo chí chạy theo tin tức giật gân câu khách, bỏ qua mọi chuẩn mực đạo đức, đến mức không thể không đặt câu hỏi về một số người viết lợi dụng lợi thế của báo chí phục vụ mục đích không trong sáng? Đấy là việc họ khai thác triệt để, tường thuật tỉ mỉ các vụ giết người rùng rợn, mô tả chi tiết các vụ hiếp dâm, đưa ra thông tin thiếu kiểm chứng có thể làm hoang mang dư luận. Đã có trường hợp, thông tin tùy tiện của một số người viết đẩy người bị hiếp dâm đến cảnh ngộ thương tâm, thậm chí phải bỏ quê quán đi nơi khác làm ăn, vì không muốn bị người làng gièm pha, xúc xiểm. Nhưng có người viết vẫn tiếp tục truy theo nạn nhân, đưa tin bài kèm ảnh về cuộc sống hiện tại của họ khiến cuộc sống của con người đáng thương này càng trở nên bế tắc. Phải chăng vì chạy theo mục đích thương mại, tăng lượng người xem nhằm dễ gọi quảng cáo, một số người viết và tòa soạn bất chấp các quy tắc đạo đức nghề nghiệp? “Nạn nhân” phổ biến của các bài báo này thường là diễn viên, người mẫu nổi tiếng: Ai lộ hàng ra sao, ai đang hẹn hò ai, ai có vấn đề không bình thường về giới tính,… Ngay cả đám tang của một nghệ sĩ nổi tiếng cũng trở thành “cơ hội câu view” của một số phóng viên. Bất chấp tang lễ bi ai và nghiêm trang, họ cố sức chen lấn gây ra cảnh hỗn loạn mà mục tiêu rình chộp là các kiểu ảnh “độc”, nhặt nhạnh mấy câu chuyện phiếm bên lề để “góp vui”. Rồi khi diễn viên nọ dính vòng lao lý, là đường về quê của diễn viên này lập tức xuất hiện nhiều phóng viên, tin tức được khai thác triệt để từ hàng xóm cho đến họ hàng, từ cô giáo đến bạn học phổ thông, từ bà bán quán đến ông giữ xe đạp,… và được cập nhật thường xuyên. Những thông tin đưa ra vội vã, kết hợp bằng chứng mù mờ theo kiểu “người nhà một bệnh nhân cùng phòng cho biết”, “theo người bán trà đá trước cổng bệnh viện”… đã làm cho sự việc trở nên phức tạp, ảnh hưởng đến quá trình điều tra của các cơ quan chức năng…
Một trong các chức năng quan trọng của báo chí là đưa tin khách quan, trung thực. Tâm, tầm và bản lĩnh của người làm báo thể hiện rất rõ trong việc lựa chọn thông tin đăng tải. Một nhà báo tâm sự, khi có thông tin về vụ cháy nhà máy tại Hải Phòng, anh là một trong những người đầu tiên có mặt tại hiện trường, vì thế anh có lợi thế rất lớn khi ghi lại các hình ảnh về nhà xưởng cháy rụi, hoặc nạn nhân đang kêu gào thảm thiết. Các bức ảnh này, nếu đăng tải chắc chắn sẽ gây “sốt”, tuy nhiên, nhà báo lại chỉ chụp vài bức ảnh phản ánh công việc của lực lượng chức năng đang khắc phục sự cố. Anh lý giải: “Tôi biết rằng mình sẽ bị cơ quan phê bình vì không có ảnh tốt, nhưng tôi chấp nhận. Người ta chưa đủ bất hạnh hay sao, để những ống kính còn chĩa vào họ và nhân lên đau khổ?”. Tương tự, một nhà báo nữ chia sẻ: “Những vụ tai nạn thảm khốc, những thảm nạn sập nhà, cháy nhà, đuối nước khiến nhiều sinh mạng ra đi… cứ mỗi giờ, mỗi ngày lại xảy ra trong thành phố chúng ta đang sống. Nhà báo chẳng bao giờ muốn đưa tin về những vụ việc đau lòng như thế. Văng vẳng bên tai tôi luôn là giọng người phụ nữ khàn đặc hét lên trong đám đông: Đừng có chụp nữa!”. Vì sự trong lành của báo chí, chúng ta rất cần các nhà báo có lòng nhân ái như vậy.
Từ tháng 5-2013, trên diễn đàn của một số nhà báo, bên giải “Vành Khuyên” dành tôn vinh tác phẩm báo chí xuất sắc, đã có thêm giải “Kền Kền” nêu đích danh bài báo “sai, ác, nhảm, hại, sến, vô bổ, vụ lợi”. Mỗi tháng, hàng nghìn thành viên diễn đàn, mà phần lớn là nhà báo làm việc tại cơ quan báo chí trên toàn quốc, chọn ra một bài báo “đáp ứng đầy đủ nhất” các tiêu chí trên để “trao giải”. Ba năm qua, nhiều bài báo đã bị trao giải, tiêu biểu như “Em chết oan trong lễ cưới chị gái, hiện hồn rắn về dự phiên phúc thẩm?”; “Những người đẹp bán dâm giờ ra sao?”; “Phụ nữ sở hữu má lúm đồng tiền: Dâm đãng và giả tạo”; “Vụ cháu bé 8 tuổi bị bố đánh chết: “Mừng cho con!””; “Những người như Nick sex thế nào”,… Việc “trao giải” cho mấy bài báo này là trực tiếp bày tỏ thái độ của người làm báo có tự trọng nghề nghiệp trước loại bài viết nhảm nhí, tùy tiện,… ảnh hưởng tới niềm tin của bạn đọc vào báo chí. Dù thế nào thì tự do báo chí vẫn phải đặt trong khuôn khổ pháp luật. Không thể vì ai đó là “người nổi tiếng” mà báo chí biến họ thành “miếng mồi” để khai thác bất chấp hệ lụy. Và khi nhà báo gạt lòng nhân ái sang bên cũng là lúc chính họ sẽ có thể trở thành người tiếp tay cho cái xấu, cái ác, cái tiêu cực.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()