Ðạo đức kinh doanh ngân hàng hiện nay
Liên tiếp trong thời gian vừa qua, một số cán bộ ngân hàng bị bắt giữ liên quan đến vi phạm pháp luật, gian lận để chiếm đoạt tài sản, tiền bạc. Ngân hàng là một nghề kinh doanh có vị trí quan trọng trong xã hội, luôn tiếp xúc với tiền tệ, nên đạo đức kinh doanh luôn là một trong những yếu tố quan trọng được đặt lên hàng đầu trong khâu đào tạo, tuyển dụng của các ngân hàng. Vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt vụ việc bị phanh phui đã báo động tình trạng vi phạm đạo đức kinh doanh ở ngành này.Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong một cuộc họp gần đây cho biết, chưa bao giờ vấn đề đạo đức nghề nghiệp đáng báo động như bây giờ. Quá trình đào tạo được một cán bộ ngân hàng là khá công phu. Phần lớn các trường đào tạo về kinh tế, sinh viên có điểm số cao mới vào được khoa ngân hàng, rồi các cuộc thi tuyển cũng tổ chức bài bản nhằm tuyển chọn những nhân viên có chuyên môn xuất sắc nhất. Vậy đâu là...
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong một cuộc họp gần đây cho biết, chưa bao giờ vấn đề đạo đức nghề nghiệp đáng báo động như bây giờ. Quá trình đào tạo được một cán bộ ngân hàng là khá công phu. Phần lớn các trường đào tạo về kinh tế, sinh viên có điểm số cao mới vào được khoa ngân hàng, rồi các cuộc thi tuyển cũng tổ chức bài bản nhằm tuyển chọn những nhân viên có chuyên môn xuất sắc nhất. Vậy đâu là những nguyên nhân dẫn họ đến con đường phạm tội.
Theo tình tiết các vụ việc xảy ra trong thời gian vừa qua, các sai phạm xảy ra đều liên quan đến việc giả mạo giấy tờ, làm sai sổ sách, như vậy có thể thấy quy trình và việc quản trị ngân hàng vẫn còn những sơ hở 'tạo điều kiện' dẫn đến sai phạm. Bản thân người cán bộ không được rèn luyện, tu dưỡng đạo đức sẽ dễ dàng dẫn đến vi phạm.
Môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt cũng là một trong những tác nhân đẩy cán bộ vào những tình huống dễ nảy sinh tiêu cực, như trong trường hợp vi phạm quy định trần lãi suất 14%/năm vừa qua, tính minh bạch thông tin, tính tuân thủ pháp luật và sự nghiêm minh trong hệ thống ngân hàng bị xói mòn một cách nghiêm trọng do phần lớn các ngân hàng đã huy động vượt quá lãi suất trần quy định. Nguy hiểm hơn, các ngân hàng tự hợp thức hóa việc vi phạm bằng một quy trình từ nhân viên cho đến những người có chữ ký chịu trách nhiệm cuối cùng. Đây đã trở thành một tiền lệ xấu cho một ngành nghề vốn được xem là quy chuẩn nhất đối với các thủ tục giấy tờ pháp lý.
Thống đốc NHNN cũng thừa nhận, thanh tra ngân hàng đã không phát hiện kịp những vi phạm của các ngân hàng và các đối tượng ngoài xã hội. Nhưng qua vụ việc các ngân hàng vượt trần lãi suất, có thể nói, nếu thanh tra không bắt được vụ việc nào thì quả thật là năng lực của thanh tra có vấn đề hoặc là cố ý không làm. Đối với một cơ quan có chức năng thanh tra, giám sát, nếu không làm nghiêm thì càng tạo điều kiện cho các tiêu cực nảy sinh hoặc các cá nhân vi phạm.
Có ý kiến cho rằng thời gian vừa qua các ngân hàng chi khá nhiều tiền để xây dựng các bộ nhận diện ngân hàng, trong khi đó ngân sách dành ra cho việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bao gồm cả việc giáo dục đạo đức cán bộ xem ra vẫn bị coi nhẹ. Đối với từng cán bộ ngân hàng, việc trau dồi nghiệp vụ và đạo đức là ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, song việc tạo một môi trường làm việc chuyên nghiệp, lành mạnh cũng quan trọng không kém trong giữ gìn phẩm chất đạo đức cán bộ của mỗi ngân hàng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()