Hơn 10 năm về trước, những cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế - quốc phòng (KT - QP) Kỳ Sơn (Quân khu 4 ) với hành trang là chiếc ba-lô giản dị và khát khao cháy bỏng đã đến với đồng bào vùng biên giới phía tây huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Trong những năm qua, dẫu còn nhiều gian khó nhưng cán bộ, chiến sĩ của Đoàn đã sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương "đánh thức" vùng đất biên cương. Cán bộ Đoàn KT - QP Kỳ Sơn (Quân khu 4) tặng quà đồng bào các dân tộc nhân dịp ngày lễ. Cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT - QP Kỳ Sơn không thể nào quên hình ảnh những ngày đầu tiên đặt chân đến mảnh đất phía tây huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) làm nhiệm vụ. Giữa bạt ngàn rừng núi, những mái nhà tiêu điều của đồng bào địa phương nép mình bên bờ suối, vạt rừng càng tạo nên cảnh cô quạnh. Đoàn được cấp trên giao nhiệm vụ đứng chân trên địa bàn bốn xã: Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Típ, Mường Ải, phía tây huyện...
Hơn 10 năm về trước, những cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế – quốc phòng (KT – QP) Kỳ Sơn (Quân khu 4 ) với hành trang là chiếc ba-lô giản dị và khát khao cháy bỏng đã đến với đồng bào vùng biên giới phía tây huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Trong những năm qua, dẫu còn nhiều gian khó nhưng cán bộ, chiến sĩ của Đoàn đã sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương “đánh thức” vùng đất biên cương.
Cán bộ Đoàn KT – QP Kỳ Sơn (Quân khu 4) tặng quà đồng bào các dân tộc nhân dịp ngày lễ.
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT – QP Kỳ Sơn không thể nào quên hình ảnh những ngày đầu tiên đặt chân đến mảnh đất phía tây huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) làm nhiệm vụ. Giữa bạt ngàn rừng núi, những mái nhà tiêu điều của đồng bào địa phương nép mình bên bờ suối, vạt rừng càng tạo nên cảnh cô quạnh. Đoàn được cấp trên giao nhiệm vụ đứng chân trên địa bàn bốn xã: Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Típ, Mường Ải, phía tây huyện Kỳ Sơn (giáp biên giới với nước bạn Lào) để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội.
Trong bộn bề công việc, phải bắt đầu từ đâu, làm như thế nào, cách nào… là những câu hỏi luôn thường trực trong tâm trí của cán bộ, chiến sĩ đơn vị.
Để các dự án phát triển kinh tế – xã hội 'sống được' trên mảnh đất này, cán bộ, chiến sĩ của Đoàn đã tranh thủ ngày đêm học tập, nghiên cứu tìm biện pháp hiệu quả nhất. Bốn xã trong vùng dự án rộng gần 56 nghìn ha, 94 km đường biên giới, dân số hơn 11 nghìn người, gồm bốn dân tộc: Mông, Thái, Khơ Mú, Kinh. Trong đó, tỷ lệ số hộ đói nghèo chiếm hơn 87%; phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, không biết viết và không nói được tiếng phổ thông… Thực hiện chủ trương 'bốn cùng' (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) và 'năm xóa' (đói cái ăn, đói cái mặc, đói chữ, đói thông tin, đói thuốc chữa bệnh và nước sạch), cán bộ, chiến sĩ của Đoàn trực tiếp đến các bản làng trong vùng dự án để dạy chữ, hướng dẫn nếp ăn ở, sinh hoạt hợp vệ sinh; tuyên truyền, vận động đồng bào hiểu và chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, chăm sóc sức khỏe đồng bào… Các dự án phát triển kinh tế – xã hội được Đoàn tiến hành thí điểm rồi triển khai đại trà. Hơn 50 km đường mới mở đủ rộng cho ô-tô đi được đã nối liền các khu đông dân cư của hai xã; đường điện trung thế 35 KV, đường điện, trạm hạ thế 4 KV được hoàn thành và đi vào hoạt động, giúp nhân dân hai xã Nậm Càn và Na Ngoi lần đầu tiên được sử dụng điện lưới quốc gia. Tiếp đến là bảy công trình thủy lợi vừa và nhỏ lần lượt hoàn thành, giúp tưới tiêu cho hàng trăm ha ruộng. Nhờ vậy, đồng bào có thể canh tác hai vụ lúa ổn định trên chính ruộng nương của nhà mình và cho năng suất tăng cao, nên cái đói đỡ phần gay gắt. Các công trình phúc lợi xã hội như: nhà văn hóa cộng đồng, điểm trường và các thiết chế văn hóa được bộ đội cùng nhân dân chung tay xây dựng. Với biện pháp 'mỗi cán bộ phụ trách một thôn, bản, cụm dân cư, kết nghĩa để giúp dân thoát nghèo', gắn với triển khai các dự án hỗ trợ giống, vốn, chuyển giao kỹ thuật trồng chè, dứa, dong riềng, hỗ trợ giống lúa mới có năng suất cao và các loại cây ăn quả đã tạo bước đột phá trong tư duy, mở ra hướng làm ăn mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào địa phương. Cùng với đó, hàng trăm con lợn hướng nạc, bò giống được Đoàn tổ chức giao tận tay người dân nuôi, luân chuyển theo nhóm hộ đã tạo sự yên tâm phấn khởi, thi đua phát triển sản xuất trong nhân dân.
Bên cạnh đó, Đoàn còn làm tốt chức năng đỡ đầu các dự án bằng việc liên hệ tìm đối tác bao tiêu sản phẩm cho bà con; xây dựng xưởng sản xuất miến dong rộng 134 m2 tại đơn vị để bao tiêu sản phẩm dong riềng từ 180 ha do bà con trồng và có thể mở rộng thêm. Những dự án đầu tư với nguồn vốn không nhiều nhưng hiệu quả đã giúp bà con mạnh dạn áp dụng phương pháp canh tác, chăn nuôi mới theo hướng hàng hóa; hình thức kinh tế tự cấp, tự túc vốn tồn tại từ nghìn đời nay trên vùng đất biên giới này đã lùi về quá khứ. Dự án khoanh nuôi, trồng và bảo vệ rừng với kinh phí đầu tư hơn bốn tỷ đồng giúp nhân dân trồng mới, bảo vệ hàng nghìn ha rừng, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất, phòng, chống thiên tai, giúp các dự án phát triển bền vững.
Bằng những chủ trương, biện pháp thiết thực và hiệu quả trong triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội, Đoàn KT – QP Kỳ Sơn góp phần thiết thực củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()