Đánh thức ‘viên ngọc quý’ Sơn Trà
Rừng già trong lòng thành phố trẻ
Được mệnh danh là cánh rừng già duy nhất ở Việt Nam nằm trong lòng thành phố trẻ, bán đảo Sơn Trà có giá trị sinh học rừng, biển rất phong phú, là một phần của vùng sinh thái Trường Sơn – một trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu toàn cầu, là nơi trú ngụ của nhiều loài sinh vật độc đáo…
Bán đảo Sơn Trà là nơi lưu trữ nguồn tài nguyên đa dạng sinh học vô cùng quý giá với gần 1.000 loài thực vật và gần 300 loài động vật hoang dã, trong đó có 37 loài quý hiếm được xếp vào loại nguy cấp cần ưu tiên bảo vệ.
Tổng diện tích khoảng 4.400 ha, bán đảo Sơn Trà còn là nơi sống của hơn 300 cá thể voọc chà vá chân nâu quý hiếm, thuộc danh mục ở mức nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện.
Nơi đây còn có nhiều điểm du lịch thu hút du khách như đỉnh Bàn Cờ, chùa Linh Ứng, cây đa di sản, Bảo tàng Đồng Đình và những bãi biển đẹp, còn lưu giữ nguyên nét hoang sơ…
Từ khi được cho phép phát triển kinh tế và đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch vào năm 2003 đến nay, lượng khách đến tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng tại bán đảo Sơn Trà ngày càng tăng cao. Thống kê của ngành du lịch, trong năm 2016, tổng lượt khách tham quan đến bán đảo Sơn Trà đạt khoảng 1,8 triệu lượt, tăng 53,3% so với năm 2015.
Ngày 9/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, sẽ xây dựng bán đảo Sơn Trà trở thành Khu du lịch quốc gia Sơn Trà rộng hơn 1.000 ha trên cơ sở khai thác hợp lý thế mạnh về tài nguyên biển, rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp đặc sắc của vùng duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Sau khi hình thành sẽ kết nối giữa Sơn Trà (Đà Nẵng), Hải Vân (Thừa Thiên-Huế) và Hội An (Quảng Nam) là điểm đến quan trọng của tuyến du lịch đường bộ và đường biển quốc gia.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, Quy hoạch là cơ sở pháp lý nhằm thúc đẩy mạnh mẽ, tạo động lực cho Thành phố phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà, đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước.
Để phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà, Thành phố đã tổ chức thuê tư vấn nước ngoài quy hoạch ý tưởng phát triển Sơn Trà, tiến hành lập quy hoạch 1/5000 các tuyến, điểm du lịch tại bán đảo Sơn Trà nhằm bảo đảm phát triển Sơn Trà theo hướng vừa khai thác vừa bảo tồn một cách bền vững.
Sơn Trà hướng tới xây dựng các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng thân thiện với thiên nhiên. Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn
Đà Nẵng dự kiến Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà sẽ đón 3,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 60% so với thời điểm hiện tại và đến năm 2030 đón trên 4,6 triệu lượt khách, mang về nguồn thu khoảng 4.300 tỷ đồng.
Phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà một cách tổng thể sẽ giúp giảm thiểu và loại bỏ các cơ sở, điểm du lịch tự phát, manh mún, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Tuy nhiên, phát triển cũng đặt ra thách thức trong việc bảo tồn thiên nhiên hoang dã, môi trường sống của một số loài động vật quý hiếm nơi đây.
Ông Nguyễn Đức Vũ, Phó Giám đốc Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà cho biết, là nơi 83% số lượng voọc trong thiên nhiên của thế giới sinh sống, hệ sinh thái tại bán đảo Sơn Trà sẽ là một điểm nhấn để thu hút du lịch sinh thái, khám phá.
Để bảo vệ voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà, thời gian gần đây, Thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động thực tế nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo tồn. Đặc biệt loài vật được mệnh danh “nữ hoàng linh trưởng” này vừa được Đà Nẵng lựa chọn là hình ảnh nhận diện của Thành phố tại APEC 2017, mục đích để quảng bá, tuyên truyền cho người dân, du khách trong và ngoài nước về việc bảo tồn loại động vật quý hiếm này.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND Đà Nẵng khẳng định: Ngoài việc là một điểm đến du lịch, bán đảo Sơn Trà còn là khu bảo tồn thiên nhiên, lá phổi xanh của Thành phố. Vì vậy, việc khai thác và phát triển du lịch tại đây sẽ được Đà Nẵng triển khai theo từng bước, tránh gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, động thực vật quý hiếm tại Sơn Trà.
Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thành phố sẽ phối hợp với các ngành chức năng xem xét từng khu vực, điểm đến để xác định mức độ đầu tư, hình thức và quy mô đầu tư, khả năng tác động của việc đầu tư cũng như hoạt động của du khách đối với tự nhiên, để có giải pháp thích hợp. Đồng thời xây dựng các nội quy, quy tắc cụ thể đối với từng đối tượng tham gia hoạt động du lịch, ứng dụng công nghệ mới trong công tác quản lý, giám sát hoạt động du lịch tại Sơn Trà.
Ý kiến ()