“Đánh thức” tiềm năng xuất khẩu mật ong
Để ngành chăn nuôi ong phát triển bền vững cần phải mở rộng sản xuất quy mô lớn để xuất khẩu. Đồng thời, nâng năng suất mật ong đủ tiêu chuẩn tăng từ 1-1,5%/ năm (đạt 42-43 kg mật/thùng tiêu chuẩn/năm đối với ong ngoại và đạt 21-23 kg mật/thùng tiêu chuẩn/năm đối với ong nội).
Việt Nam sản xuất được hơn 55.000 tấn mật ong và hơn 1.000 tấn sáp ong mỗi năm |
Theo TS. Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi Quốc gia, ở Việt Nam nghề nuôi ong đã và đang góp phần đáng kể vào việt tạo sinh kế và cải thiện đời sống người dân và góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài việc tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, ong mật đóng vai trò chủ yếu trong thụ phấn cho cây trồng, giúp tăng năng suất và chất lượng rau quả. Hàng năm, Việt Nam sản xuất được hơn 55.000 tấn mật ong và hơn 1.000 tấn sáp ong; trong đó, có khoảng 85 – 90% sản lượng mật và sáp ong được xuất khẩu.
Khác với sản phẩm nông nghiệp khác, thị trường tiêu thụ sản phẩm ong chủ yếu là Mỹ và các nước châu Âu, Nhật Bản. Đây là những thị trường khó tính, yêu cầu cao về chất lượng mật ong, nhưng với gần 5.000 tấn mật ong được xuất khẩu năm 2014 đã đưa kim ngạch xuất khẩu sản phẩm ong đạt 150 triệu USD thu được từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đứng hàng thứ 6 thế giới và thứ 2 châu Á về xuất khẩu mật ong.
Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, xuất khẩu mật ong của nước ta đã giảm đáng kể cả về sản lượng và kim ngạch. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho đời sống người nuôi ong và các doanh nghiệp xuất khẩu.
Nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh của mật ong Việt Nam trên thị trường thế giới và tìm kím giải pháp nâng cao chất lượng mật ong, ngày 17/8, Viện Chăn nuôi Quốc gia phối hợp với Hội nuôi ong Việt Nam và Công ty Syngenta tổ chức hội thảo “ Giải pháp nâng cao chất lượng và thúc đẩy xuất khẩu mật ong Việt Nam”.
Hội thảo đã đánh giá thực trạng ngành nuôi ong của nước ta hiện nay, bàn về chất lượng và một số giải pháp nâng cao chất lượng mật ong. Đồng thời, thảo luận về bảo tồn đa dạng sinh học trong canh tác nông nghiệp bền vững nhằm hài hòa lợi ích của người nuôi ong và nông dân canh tác các loại cây trồng nông lâm nghiệp.
Bà Trần Ngọc Lan, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nhiều năm nay nghề nuôi ong của Việt Nam đã được phát triển khá nhanh chóng, tạo thêm việc làm. Từ đó, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người nông dân, đặc biệt là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi trung du.
Theo bà Lan, do đặc thù của ngành ong phải di chuyển thường xuyên nên rất khó khăn cho công tác quản lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chăn nuôi ong. Mật độ nuôi ong tại một số địa phương phân bổ chưa hợp lý. Có những mật độ đặt điểm ong quá dày do vùng đó có liên quan đến chỉ dẫn địa lý hoặc những nơi có thương hiệu.
Đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững cần phải mở rộng sản xuất quy mô lớn để xuất khẩu. Đồng thời, nâng năng suất mật ong đủ tiêu chuẩn tăng từ 1-1,5%/ năm (đạt 42-43 kg mật/thùng tiêu chuẩn/năm đối với ong ngoại và đạt 21-23 kg mật/thùng tiêu chuẩn/năm đối với ong nội).
Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển ong Italy phục vụ nuôi tập trung và xuất khẩu; nâng tỷ lệ ong giống ngoại từ 75% hiện nay tăng lên 80% vào năm 2020.
TS. Đinh Quyết Tâm, Hội nuôi ong Việt Nam cho biết, năm 2017 giá trị nhập khẩu của mật ong trên thế giới đạt 2.300 triệu USD. Mặc dù sản lượng mật ong xuất khẩu của Việt Nam đứng ở vị trí cao, tuy nhiên giá mật ong của Việt Nam chỉ đạt 1,22 EURO/kg, đây là mức giá thấp nhất về sản phẩm mật ong xuất khẩu. Trong khi sản phẩm mật ong có mức giá cao nhất thuộc về New Zealand với giá 23,25 EURO/kg.
TS. Đinh Quyết Tâm cho rằng, khi diện tích cây keo lai phát triển lớn nhất so với các loại cây khác, đạt tới 4.000 ha thì mật ong từ hoa cây keo lai bị giảm chất lượng, mật hay bị đổi màu. Đây là nguyên nhân chính khiến giá mật ong năm 2017 của Việt Nam giảm rất mạnh. Ngoài ra, nguyên nhân giảm giá còn đến từ sự giảm giá chung của thị trường thế giới; sản phẩm mật ong Việt Nam cũng chưa có thương hiệu trên thị trường, trong khi cạnh tranh ngày càng nhiều.
Từ những bất cập trên, TS. Đinh Quyết Tâm đề nghị, ngành nuôi ong cần có số liệu thống kê chính thức về đàn ong, số người nuôi ong, sản lượng và xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần có những nghiên cứu và phát triển nuôi ong trong thùng kế, sản xuất mật ong hữu cơ. Cùng đó, quản lý chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ của mật ong Việt Nam; đào tạo kỹ thuật cho người nuôi ong, xây dựng thương hiệu cho mật ong Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, năm 2017, cả nước có 1,2 triệu đàn ong gồm các giống ong Ý và ong nội. Từ nhiều năm nay, các đàn ong giống gốc được nuôi giữ tại 4 cơ sở của Công ty cổ phần ong Trung ương và năm 2018 được nuôi tại 3 cơ sở (Gia Lai, Khu 4 và Trung tâm nghiên cứu ong).
Theo Chinhphu
Ý kiến ()