Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch và kinh tế Biển trên huyện Đảo Lý Sơn
Từ lâu, Lý Sơn được ví như “đảo tiên” giữa biển Đông bao la với nhiều cảnh sắc làm mê đắm lòng người cùng nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc. Nhờ sự kiến tạo của tự nhiên mà Lý Sơn là nơi có nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: Chùa Hang, Chùa Đục, Hang Câu, Cổng Tò Vò, Hòn Mù Cu, bãi Sau của đảo bé An Bình, đặc biệt là hai miệng núi lửa Giếng Tiền, Thới Lới… Không chỉ được xem như là một trong những vùng biển có độ đa dạng sinh học cao với các hệ sinh thái điển hình như: Rạn san hô, thảm cỏ biển… cùng 25 loài nằm trong danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ. Hiện đảo Lý Sơn vẫn còn lưu giữ được nhiều trầm tích văn hóa cổ như: Đình làng An Vĩnh, Âm Linh Tự… Trải qua hàng nghìn năm hình thành và phát triển, Lý Sơn đã trở thành một bảo tàng sống động về các nền văn hóa khác nhau, trong đó văn hóa Việt là cốt lõi.
Bên cạnh đó, Lý Sơn có nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc nổi tiếng như: Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa; lễ hội đua thuyền; lễ hội đình làng An Hải ở các dinh Thiên Y A Na, các lăng, miếu thờ thần Nam Hải, thần Bạch Mã… Với phong cảnh đẹp, hoang sơ và truyền thống văn hóa nơi đây đã tạo cho Lý Sơn một diện mạo mới đang được nhiều du khách trong và ngoài nước chọn làm điểm đến du lịch. Do đó những năm gần đây, khách du lịch đến với Lý Sơn ngày càng tăng cao.

Đến với Lý Sơn những ngày này nhiều người không khỏi bất ngờ trước sự thay đổi nhanh chóng của hòn đảo tiền tiêu của tổ quốc. Hiện Lý Sơn có 04 khách sạn, gần 50 nhà nghỉ và hơn 60 hộ kinh doanh dịch vụ hometstay đang hoạt động, với tổng số gần 600 phòng ở lưu trú, có thể cùng lúc tiếp nhận trên 2.500 khách lưu trú. Các tour du lịch văn hóa, lịch sử tâm linh và du lịch sinh thái biển phù hợp với thế mạnh của Lý Sơn được mở rộng, chất lượng phục vụ ngày càng chuyên nghiệp. Có 11 tàu cao tốc, 55 xe du lịch, đó là chưa kể xe taxi, xe tuk tuk cùng nhiều cơ sở ăn uống, giải khát đáp ứng đủ nhu cầu của du khách. Cùng với đó, Lý Sơn cũng đang khai thác và bảo tồn các di tích sẵn có để phát huy, giữ gìn; đồng thời củng cố, nâng cấp một số di tích trên địa bàn huyện để phát triển du lịch.
Thời gian qua, lượng du khách đến với Lý Sơn không chỉ là đi để khám phá mà còn là để thưởng thức ẩm thực, tham quan chiêm ngưỡng lễ hội, khám phá đời sống của cư dân và trải nghiệm trong không gian cư trú, văn hóa của người dân trên đảo. Năm 2016, Lý Sơn đã đón gần 165.000 lượt khách du lịch, trong đó có gần 1.000 lượt khách quốc tế. Đây được xem là năm có số lượng du khách đông nhất kể từ trước đến nay, mở ra triển vọng cho sự phát triển của ngành du lịch Lý Sơn trong những năm tới.
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển du lịch, thì ngư nghiệp cũng là thế mạnh của huyện đảo. Các chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển thủy sản được triển khai kịp thời giúp ngư dân yên tâm bám biển; nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản được áp dụng, đặc biệt là nuôi tôm hùm và cá thương phẩm có giá trị kinh tế cao góp phần nâng cao đời sống ngư dân.
Trên đà phát triển thuận lợi, huyện Lý Sơn tiếp tục ra sức xây dựng và phát triển để trở thành một đảo tiền tiêu không những mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng an ninh mà còn là một điểm du lịch nghỉ dưỡng không thể bỏ qua trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.

Ý kiến ()