Đánh thức tiềm năng du lịch Xứ Dừa
Trong khuôn khổ “Tuần lễ giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp TPHCM năm 2017”, ngày 11/5, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), Sở Du lịch TPHCM phối hợp với Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo “Xúc tiến thương mại-du lịch tỉnh Bến Tre gắn với vùng ĐBSCL”.
Bến Tre và vùng ĐBSCL với đặc trưng là những tour du lịch bằng thuyền, xuồng trên sông, khám phá những vườn cây trái quanh năm, trải nghiệm cuộc sống của miền sông nước, nghe đờn ca tài tử… hấp dẫn với du khách miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và khách quốc tế.
Sở Du lịch TPHCM cho biết, rất nhiều công ty lữ hành ở TPHCM đã xây dựng các tour, tuyến du lịch từ TPHCM đến Bến Tre và các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, do có sự tương đồng về văn hóa, lối sống, cảnh quan thiên nhiên, nên sản phẩm du lịch giữa các địa phương trong vùng khá giống nhau.
Bên cạnh đó, việc phát triển sản phẩm du lịch không thể phân bố đều cho các địa phương mà phải căn cứ vào lợi thế, đặc điểm nổi trội của từng điểm đến, từ đó tập trung đầu tư, tạo sự khác biệt thu hút khách, có tính đến các điểm đến ở địa phương lân cận, làm cho sản phẩm du lịch toàn vùng có sức hấp dẫn cao.
Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty Du lịch Vietravel cho biết hiện tại, Vietravel đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch kết nối liên tỉnh, liên vùng ở ĐBSCL. Riêng Bến Tre chưa đủ hấp dẫn khách du lịch lưu trú lại, bởi những tuyến điểm du lịch ở tỉnh này khá giống với Tiền Giang, Vĩnh Long.
Chính vì vậy, Bến Tre chỉ có thể làm tour trong ngày cho khách từ TPHCM hoặc Bến Tre chỉ dừng ở vị trí trung chuyển để kết nối tour với các tỉnh khác.
Để tạo điểm nhấn khác biệt, ông Nguyễn Minh Quyền, Giám đốc phát triển Công ty cổ phần du lịch Bến Thành cho rằng, tỉnh Bến Tre phải làm sao chọn được các doanh nghiệp và các điểm du lịch của địa phương phù hợp với khách quốc tế để liệt kê thành một nhóm; các điểm du lịch phù hợp khách nội địa liệt kê thành một nhóm. Sau đó, tổ chức từng sự kiện, từng điểm phù hợp với khách quốc tế (cũng như sự kiện cho khách trong nước) để thu hút du khách về với địa phương nhiều hơn.
Trong khi đó, một số ý kiến từ các chuyên gia đề xuất, Bến Tre cần xác định phát triển loại hình du lịch homestay (lưu trú tại nhà dân) kết hợp du lịch sinh thái “sông nước miệt vườn Xứ Dừa” làm điểm nhấn phát triển nhằm lôi kéo các loại hình du lịch khác phát triển.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Bến Tre có khoảng 20 điểm homestay với khoảng 160 phòng, được đầu tư tương đối đầy đủ tiện nghi như: Homestay Năm Hiền, Homestay Mai Thanh Vân, Jardin du Mekong Homestay, Đại Lộc… đó là những ngôi nhà hiện có của người dân được xây dựng, chuyển đổi công năng, thoáng mát, tiện nghi gắn liền với cảnh làng quê miệt vườn rất đẹp, không khí trong lành.
Tuy nhiên, một điểm hạn chế của loại hình này hiện nay đó là phần lớn các homestay đều phát triển theo hướng tự phát của chủ hộ nên việc phục vụ còn đơn giản, thiếu tính chuyên nghiệp, dịch vụ bổ sung cho khách chưa nhiều, đội ngũ lao động chưa được đào tạo qua trường lớp, yếu về trình độ ngoại ngữ…
Để khắc phục được những nhược điểm này, cần có sự định hướng và hỗ trợ từ các cơ quan chức năng của tỉnh để loại hình du lịch homestay ngày càng chuyên nghiệp và bền vững.
Ông Trần Duy Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, cho biết mục tiêu dài hạn của địa phương trong cả giai đoạn 2016-2020, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch tăng trưởng bình quân hơn 22%/năm và lượng khách du lịch đến địa phương tăng hơn 12%/năm.
Để đạt được mục tiêu như trên, ông Phương cho biết, địa phương sẽ cơ cấu lại ngành du lịch để bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; áp dụng các chính sách ưu đãi cao nhất cho du lịch, nhất là du lịch biển và du lịch trên các cồn; phát triển nguồn nhân lực du lịch…
Ý kiến ()