Đánh thức tiềm năng du lịch từ các vườn đào cổ Mẫu Sơn
– Thời gian gần đây, nhiều vườn đào cổ khu vực thôn Ngàn Pặc, thuộc xã Công Sơn, huyện Cao Lộc đã thu hút những người thích khám phá. Đây là một sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn được người dân, du khách vào dịp đầu xuân 2023.
Công Sơn hiện có 302 hộ dân, trong đó, hơn 50% số hộ dân trên địa bàn xã trồng đào. Trong đó số hộ trồng giống đào cổ tập trung nhiều nhất tại thôn Ngàn Pặc với khoảng 6 ha. Những vườn đào này cách trung tâm Khu Du lịch Mẫu Sơn 8 km. Nơi đây tập trung chủ yếu loại đào cổ bản địa Mẫu Sơn, đây là loại đào ăn quả, hoa 5 cánh đơn màu đỏ đậm, cánh dầy, hoa to, thời gian nở lâu. Điểm đặc biệt là hoa của cây sẽ nở rộ đồng loạt, tạo thành những dải màu hồng nổi bật phủ khắp các triền đồi. Những cây đào tại đây thường ra hoa muộn hơn một tháng so với các giống hoa đào khác. Vì thế vào thời điểm cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai âm lịch hoa mới bắt đầu nở rộ.
Du khách thích thú chụp ảnh tại vườn đào cổ Mẫu Sơn tại thôn Ngàn Pặc, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc
Nhận thấy vẻ đẹp của những vườn đào này, từ đầu năm 2023, đã có rất nhiều du khách đến đây theo hình thức du lịch tự phát. Theo đó, trong thôn có 6 gia đình mở dịch vụ du lịch trải nghiệm, chụp ảnh vườn đào và cho thuê các bộ trang phục truyền thống dân tộc Dao.
Ông Triệu Sáng Phiêng, thôn Ngàn Pặc, xã Công Sơn cho biết: Gia đình có khoảng 1.000 gốc đào, hiện nay chúng tôi đã mở dịch vụ ăn uống và cho du khách vào trải nghiệm chụp ảnh với mức phí 20.000 đồng/người. Từ đầu tháng 2, hoa đào bắt đầu nở rộ, hầu như tuần nào gia đình tôi cũng đón khách tham quan, trải nghiệm, đông nhất là vào dịp cuối tuần. Chúng tôi là nông dân nên kỹ năng giao tiếp còn hạn chế, vì thế rất mong được các cấp, ngành chức năng tiếp tục quan tâm hỗ trợ về kỹ năng làm du lịch, kiến thức khoa học kỹ thuật, cách nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây hoa đào.
Mặc dù những vườn đào đẹp đặc trưng trên địa bàn xã Công Sơn có sức hấp dẫn nhưng việc phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch vẫn còn hạn chế. Ông Lý Xuân Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Thanh Vũ (Tâm Phát travel) cho biết: Trong tháng 2 vừa qua, tôi đã đưa một đoàn khách từ Hà Nội tới trải nghiệm vườn hoa đào cổ Mẫu Sơn. Tôi thấy bà con nơi đây bước đầu đã có dịch vụ ăn uống, cho thuê trang phục chụp ảnh nhưng các dịch vụ chưa đa dạng., đường đi lên núi vẫn rất khó khăn.
Ông Triệu Tiến Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Công Sơn cho biết: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với cơ quan chuyên môn thực hiện hoạt động bảo tồn và nhân giống đào cổ. Đến nay, giống đào cổ đang phát triển nhiều tại thôn Ngàn Pặc và là địa điểm thu hút du khách, vì thế, UBND xã đã trình UBND huyện đầu tư làm con đường qua khu vực vườn đào, dự kiến trong năm 2023 sẽ khởi công. Cùng đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền bà con trong xã nhân rộng diện tích trồng đào nhằm khai thác tốt thế mạnh của địa phương để phát triển du lịch.
Để khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của những vườn đào đẹp nơi đây, bà Hoàng Thị Phương Huệ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cao Lộc cho biết: Chúng tôi sẽ phối hợp với xã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của Nhân dân trong bảo tồn, phát huy giá trị cây đào cũng như phối hợp tập huấn một số kỹ năng làm du lịch cho người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi đã và đang kêu gọi một số nhà đầu tư đến đây nhằm xây dựng những vườn đào cổ trở thành điểm du lịch hấp dẫn của huyện, từ đó kết nối điểm du lịch này với Khu Du lịch Mẫu Sơn và các điểm du lịch liên huyện, tỉnh để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn người dân, du khách.
Hy vọng rằng, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, sự đồng lòng của người dân, những vườn đào cổ Mẫu Sơn sẽ ngày càng phát triển và trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn với mỗi du khách khi đến với Xứ Lạng dịp đầu xuân.
TUYẾT MAI
Ý kiến ()