Ðánh thức tiềm năng bắc bán đảo Cam Ranh
Dù được Thủ tướng Chính phủ định hướng phát triển bắc bán đảo Cam Ranh thành khu du lịch quốc gia, UBND tỉnh cũng đặt quyết tâm xây dựng tại vùng đất này một khu đô thị hiện đại, xứng tầm khu vực và quốc tế...
Dù được Thủ tướng Chính phủ định hướng phát triển bắc bán đảo Cam Ranh thành khu du lịch quốc gia, UBND tỉnh cũng đặt quyết tâm xây dựng tại vùng đất này một khu đô thị hiện đại, xứng tầm khu vực và quốc tế…
Nhưng đã hơn mười năm trôi qua, hàng loạt dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, khu vực bắc bán đảo Cam Ranh vẫn chưa nên hình nên dạng. Với luồng sinh khí mới đang đến từ những nhà đầu tư có năng lực, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa tin tưởng rằng, tiềm năng khu bắc bán đảo Cam Ranh sẽ được đánh thức…
“Làm gì thì làm nhanh đi”
Men theo con đường ngoằn ngoèo đầy cát trắng, chúng tôi đến thăm gia đình bà Huỳnh Thị Oanh tại thôn Thủy Triều, Cam Hải Ðông, Cam Lâm, Khánh Hòa. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 khang trang sạch sẽ, bà Oanh cho biết, nguyện vọng lớn nhất của gia đình bà cũng như nhiều gia đình đã sinh sống lâu đời của khu vực là Nhà nước hay chủ đầu tư “có làm gì thì làm nhanh lên, dân chúng tôi đã chờ đợi lâu lắm rồi”. Theo những gì người dân được biết thì Nhà nước muốn xây dựng tại khu đất này một khu đô thị hiện đại. “Nhưng tôi nghe nói điều này cách đây đã mười năm, khi tóc tôi vẫn còn xanh. Nay tôi đã con đàn, cháu đống, nhưng hình dáng khu đô thị hiện đại vẫn chưa thấy đâu, trong khi vì nằm trong quy hoạch nên cuộc sống của người dân hết sức khó khăn, không mua bán, xây dựng nhà cửa gì được hết, khổ lắm nhà báo ạ” – bà Oanh tâm sự.
Một người dân khác khi thấy chúng tôi hỏi thăm cũng chia sẻ: Cả một vùng đất rộng lớn này đều có chủ cả rồi đấy anh ạ. Nhưng họ cứ về xí đất, rào lại đấy có thấy xây dựng và đền bù gì đâu. Dân chúng tôi chờ mong hằng ngày, nếu khu vực này mà xây dựng được những khu đô thị như những dự án quảng cáo thì chúng tôi cũng được nhờ, mà chờ mãi có thấy đâu.
Ðem những tâm sự của người dân, chúng tôi tìm đến Ban quản lý Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh để tìm hiểu sự tình. Giám đốc Ban quản lý Nguyễn Ngọc Loan nói ngay: Những điều dân nói là có thật, chúng tôi cũng biết, cũng sốt ruột nhưng lực bất tòng tâm vì chưa có đơn vị nào đủ lực làm đầu tàu để tạo “cú huých” giúp khu du lịch phát triển. Theo ông Loan, định hướng của Chính phủ cũng như của tỉnh là xây dựng khu vực bắc bán đảo Cam Ranh thành một khu du lịch cao cấp ngang tầm khu vực và quốc tế. Tỉnh Khánh Hòa cũng đã đưa khu vực bắc bán đảo Cam Ranh vào một trong ba khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh. Khu vực này phát triển sẽ tạo tiền đề để phát triển toàn khu vực vịnh Cam Ranh.
Trên tinh thần đó, sau khi kêu gọi và thu hút đầu tư, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 34 dự án, trong đó có 16 dự án được cấp giấy phép xây dựng, bảy dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, 10 dự án khác đang triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, khi vừa thực hiện xong quy hoạch thì rơi vào các đợt khủng hoảng kinh tế, nhiều dự án được giao đất nhưng không đủ lực để triển khai thực hiện khiến người dân nản lòng…
Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang có những chỉ đạo sát sao làm thế nào để phát triển được nhanh khu vực này. Một trong những việc làm đầu tiên của tỉnh là đánh giá lại năng lực của các nhà đầu tư, nhà đầu tư nào có lực thì cho thực hiện, không đủ lực sẽ thu hồi để trả lại quyền lợi cho người dân có đất. Tính đến nay, UBND tỉnh đã thu hồi tám dự án chậm triển khai. “Rất mừng, sau những động tác quyết liệt của chính quyền, các dự án khác đã triển khai trở lại. Hiện đã có 10 dự án đang triển khai thi công, trong đó sáu dự án đang làm quyết liệt để hoàn thành tiến độ.
Nỗi niềm Golden Bay…
Trong các dự án đang đẩy nhanh tiến độ, dự án Golden Bay của Công ty cổ phần kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh được các đồng chí lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa kỳ vọng sẽ là dự án đầu tàu, tạo nên “cú huých” để thúc đẩy các dự án khác trong khu vực phát triển theo. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban quản lý Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh thì dự án này dù làm đúng các quy định của pháp luật, nhưng đang gặp một vài trở ngại trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng tiến độ dự án.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm Nguyễn Hữu Hảo cho biết, một vài người dân có đất trong dự án viết đơn yêu cầu chủ đầu tư phải tự thương lượng để bồi thường cho dân theo giá thị trường. Ðiều này là không thể và không đúng với những quy định của pháp luật. Bởi theo Văn bản 951/STNMT của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa ngày 15-3-2013 thì dự án Golden Bay thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của khoản 2, điều 34 Nghị định 84/2007/NÐ-CP ngày 25-5-2007 của Chính phủ. Do đó, giá bồi thường, hỗ trợ về đất, nhà cửa, vật nuôi, kiến trúc trên đất và hoa màu phải áp dụng theo các quy định của UBND tỉnh tại thời điểm bồi thường.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hảo, với những căn cứ trên thì việc một vài hộ dân trong dự án đi khiếu nại, đòi chủ đầu tư phải tự thương lượng bồi thường cho dân là không đúng với quy định của pháp luật. Hiện nay, huyện Cam Lâm cũng đã nhiều lần tổ chức đối thoại, giải thích cho người dân hiểu. Bên cạnh đó, để bảo đảm quyền lợi cho người dân trong dự án, ngoài đơn giá bồi thường theo bảng giá đất do Nhà nước ban hành tại thời điểm thu hồi đất, lãnh đạo huyện trước khi ban hành đơn giá bồi thường cũng đã làm việc với chủ đầu tư để đề nghị chủ đầu tư, ngoài việc bồi thường theo đơn giá do Nhà nước ban hành sẽ hỗ trợ thêm cho người dân. Cụ thể, ngoài đơn giá đất nông nghiệp do Nhà nước ban hành, chủ đầu tư còn tự nguyện hỗ trợ thêm các khoản khác cho dân như: hỗ trợ thêm 1,25 lần so với bảng giá đất theo quy định, hỗ trợ thêm 2,5 lần để người dân chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ thêm 35 triệu đồng/ha nếu người dân di dời đúng tiến độ…
Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lâm Phan Ngọc Châu, nếu cộng tất cả các khoản bồi thường và hỗ trợ nêu trên thì đơn giá bồi thường trong dự án Golden Bay đã cao hơn rất nhiều so những dự án lân cận, kể cả những dự án do tư nhân tự thỏa thuận cũng chỉ khoảng 70 nghìn đồng/m2 (giá hiện tại khoảng gần 100 nghìn đồng/m2). Bởi đất của người dân ở khu vực này phần lớn là cát trắng, bạc màu, nguồn lợi thu nhập của người dân trên đất rất thấp. Ðiển hình như, qua kiểm kê đất và tài sản trên đất của 80 hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án Hưng Thịnh, thì tỷ lệ cây trồng, vật nuôi trên đất của hộ dân là rất thấp. Thí dụ như trường hợp ông Trần Văn Châu, tổng diện tích đất là 4.000 m2 nhưng chỉ có một cây điều và một cây đu đủ; hộ bà Nguyễn Thị Thảo Trang, tổng diện tích hơn 1.000 m2 nhưng chỉ có tổng cộng 18 cây điều, 5 cây keo và 3 cây xoài; hộ bà Trần Thị Kim Anh, tổng diện tích bị thu hồi hơn 1.300 m2 nhưng chỉ có 8 cây keo và 11 cây bạch đàn…
Với những người dân, khi trao đổi với chúng tôi về đơn giá đền bù, nhiều người dân cũng cho biết, họ chỉ mới nghe một số người nói là giá đền bù chỉ là 27 nghìn đồng/m2 chứ không hề biết là được cộng thêm nhiều khoản hỗ trợ như vậy. Nếu cộng tất cả lại mà đất bạc màu của họ được gần 100 nghìn đồng/m2 thì họ không có phản ứng gì. Khi chúng tôi hỏi về đơn giá đền bù và hỗ trợ đã được UBND niêm yết công khai tại UBND huyện mà sao người dân không biết thì họ nói rằng họ đều cử đại diện đi xem nên không nắm được. Theo phần lớn người dân, mong mỏi lớn nhất của họ là chủ đầu tư làm nhanh dự án, còn giá đền bù cứ theo đúng quy định của Nhà nước, đừng để thiệt thòi cho người dân là được.
Cùng đồng hành trong công tác giải tỏa đền bù
Theo số liệu thống kê của UBND huyện Cam Lâm, diện tích toàn bộ khu vực bắc bán đảo Cam Ranh là 2.300 ha nhưng chỉ có 300 hộ dân hiện đang sinh sống. Người dân địa phương chiếm diện tích đất rất nhỏ trong các dự án, số còn lại là do những người ở nơi khác đến mua đất để đầu cơ. Ngay tại dự án Hưng Thịnh, trong tổng số 80 hộ bị ảnh hưởng thì có nhiều người trong số đó hiện đang thường trú tại TP Nha Trang, TP Hồ Chí Minh, Lâm Ðồng, Huế… Chính từ việc người sử dụng đất đến từ nhiều nơi nên theo Ban quản lý Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh, dự án Hưng Thịnh là dự án đầu tiên gặp phải tình trạng khiếu kiện đòi chủ đầu tư phải tự thương lượng để bồi thường. Giám đốc Ban quản lý Nguyễn Ngọc Loan khẳng định, dù bồi thường theo đơn giá nào thì cũng bảo đảm tính nhân văn, phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư có muốn thương lượng với người dân thì căn cứ theo pháp luật cũng không thể được bởi như vậy sẽ không công bằng giữa dự án này với dự án khác, hộ dân này với hộ dân khác. Tuy nhiên, người dân đã khiếu nại thì chính quyền sẽ tích cực đối thoại, giải thích cho người dân hiểu. Có như vậy, dự án mới đẩy nhanh tiến độ, đồng thời cũng được lòng dân.
Trả lời về một số thông tin cho rằng, dù chưa làm xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho dân nhưng Công ty Hưng Thịnh đã xây dựng tường rào và rao bán đất, đại diện UBND huyện Cam Lâm khẳng định: Ðất mà Công ty Hưng Thịnh làm tường rào tạm trên hành lang công cộng của đại lộ Nguyễn Tất Thành nhằm mục đích chắn gió là đất do công ty này đứng ra thuê của người dân để làm vườn ươm cây xanh nhằm phục vụ cho tuyến đường N2. Việc làm hàng rào, Công ty Hưng Thịnh có làm văn bản xin phép Sở Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa và Sở đã có văn bản chấp thuận đồng ý. Theo Công ty Hưng Thịnh, sau sự kiện công bố dự án tại White Palace ngày 13-4-2013, với sự tham dự của đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa, các tổ chức đầu tư nước ngoài và hơn 1.200 khách hàng, đã có khá nhiều khách hàng tìm hiểu thông tin và liên hệ công ty để được tham gia cùng thực hiện dự án, đây là dấu hiệu đáng mừng cho thị trường bất động sản hiện đang trong giai đoạn khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, hiện nay Ban lãnh đạo Công ty Hưng Thịnh đang xem xét và rà soát để phục vụ nhu cầu khách hàng trong thời gian tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()