Đánh thức “Nàng tiên” giữa đại ngàn
– Sở hữu vẻ đẹp kỳ vĩ tựa như một “Nàng tiên” giữa đại ngàn, điểm du lịch núi Nàng Tiên, thôn Lân Luông, xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên, những điều kiện thuận lợi ấy mới ở dạng tiềm năng, vẫn đang chờ ngày được “đánh thức”…
Thiên nhiên hữu tình
Núi Nàng Tiên cách thị trấn Bình Gia hơn 50 km về phía Tây Bắc. Núi sở hữu mặt bằng rộng hơn 25 ha với độ cao trên 800 mét so với mặt nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, dễ chịu. Núi Nàng Tiên còn mang một vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của những triền đồi cỏ xanh mướt xen lẫn những khóm cọ và những mỏm đá vôi nhấp nhô với nhiều hình thù đẹp mắt.
Du khách tham quan, trải nghiệm tại núi Nàng Tiên
Được biết, tên gọi núi Nàng tiên bắt nguồn từ câu truyện cổ tích của người Dao kể về một chàng trai mồ côi cha mẹ, được ông chủ trong vùng cưu mang. Hằng ngày, chàng thường lên ngọn đồi ở vùng Lân Luông để chăn ngựa. Tại đây, duyên số đã giúp chàng gặp gỡ 3 nàng tiên xinh đẹp. Cảm thương trước hoàn cảnh của chàng trai nên 3 nàng tiên thường lui tới trò chuyện với chàng. Qua thời gian, chàng trai và cô tiên thứ ba đã nảy sinh tình cảm. Tình cảm của nàng tiên và chàng trai bị ngăn cấm nên trước khi về trời, nàng tiên thứ ba phải thề rằng không được quay trở lại và vùng đồi ấy phải chịu lời nguyền mãi mãi chỉ mọc được cây cỏ. Để tưởng nhớ mối tình đẹp của mình, chàng trai về già đã đem câu chuyện ấy kể cho con, cháu mình nghe và cái tên núi Nàng Tiên bắt đầu từ đó.
Không chỉ có tích truyện độc đáo và khung cảnh đẹp, đời sống văn hóa và phong tục tập quán nơi đây cũng vô cùng đặc sắc. Hiện khu vực thôn Lân Luông có 100% dân số là đồng bào Dao. Bà con vẫn hát Páo Dung và giữ nét đẹp tắm lá thuốc…
Nhận thấy vẻ đẹp của núi Nàng Tiên, thời điểm cuối năm 2020 đã có rất nhiều du khách đến đây theo hình thức du lịch tự phát. Ông Triệu Văn Trường, Trưởng thôn Lân Luông cho biết: “Để khai thác tiềm năng du lịch của núi Nàng Tiên, thôn đã tuyên truyền, vận động người dân chủ động khai thác tiềm năng sẵn có để phục vụ khách du lịch; khuyến khích một số gia đình có điều kiện cung ứng dịch vụ du lịch cho du khách và cải tạo một số đoạn đường lên núi”.
Theo đó, từ cuối năm 2020, thôn có 10 gia đình mở dịch vụ ăn uống và 4 gia đình nhận làm bán và cho thuê các bộ trang phục truyền thống, 2 gia đình đáp ứng nhu cầu tắm lá thuốc của du khách. Được biết, từ đầu năm 2021 đến nay, điểm du lịch núi Nàng Tiên đã đón trên 5.000 lượt khách.
Anh Nguyễn Văn Công, du khách đến từ Bắc Kạn cho biết: “Núi Nàng Tiên là địa điểm lý tưởng để du lịch vào dịp cuối tuần, nên có dịp là tôi lại rủ bạn bè tới đây. Nhưng tôi chỉ hơi tiếc là đường đi lên núi vẫn rất khó khăn và dịch vụ chưa đa dạng”.
Cần đánh thức tiềm năng
Mặc dù núi Nàng Tiên sở hữu nhiều tài nguyên du lịch sinh thái có sức hấp dẫn nhưng việc phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch chưa tương xứng nên chưa đáp ứng nhu cầu của du khách. Để khơi dậy tiềm năng, thế mạnh nơi đây, từ đầu năm 2021, UBND huyện Bình Gia đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát tiềm năng du lịch núi Nàng Tiên và đưa nội dung này vào kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển du lịch huyện Bình Gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó đề ra một số giải pháp cụ thể như: triển khai thí điểm mô hình du lịch cộng đồng tại 4 gia đình, mô hình trải nghiệm văn hóa nghề dệt vải, tắm lá thuốc người Dao…
Ông Hoàng Văn Đông, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: “Để khai thác tiềm năng du lịch núi Nàng Tiên, chúng tôi đã và đang kêu gọi một số nhà đầu tư đến đây. Hy vọng tương lai không xa sẽ có các nhà đầu tư có tiềm năng lớn đầu tư phát triển du lịch tại đây, góp phần đưa du lịch huyện ngày một phát triển”.
Với người dân địa phương, việc đầu tư phát triển du lịch tại đây còn mở ra tia hy vọng về một cuộc sống khởi sắc hơn. Trưởng thôn Lân Luông chia sẻ thêm: Thôn tôi có 73 hộ dân, hầu hết các gia đình ở đây đời sống còn khó khăn. Chúng tôi rất mong tỉnh, huyện và các nhà đầu tư sớm khai thác tiềm năng du lịch tại đây góp phần để cuộc sống của bà con ổn định và phát triển hơn.
Từ thực tế cho thấy: để điểm du lịch núi Nàng Tiên phát triển rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành; đặc biệt là sự đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Ý kiến ()