Thứ 4, 23/04/2025 20:48 [(GMT +7)]
Ðánh thức Cô Tô
Thứ 7, 07/07/2012 | 14:59:00 [(GMT +7)] A A
Vài năm trở lại đây, Cô Tô trở thành điểm du lịch hấp dẫn mỗi khi du khách tìm đến Quảng Ninh. Không chỉ hội tụ đủ tiềm năng phát triển du lịch nhờ môi trường trong lành, con người thân thiện, những bãi biển cát trắng mịn ngút tầm mắt, những bãi đá độc đáo ven biển và nhiều loài hải sản quý hiếm, Cô Tô còn quyến rũ bởi sự hoang sơ, điều mà nhiều du khách vốn mỏi mệt với những nơi đô thị náo nhiệt muốn tìm đến.
Hành trình đến với “đảo hoa” xinh đẹp
Chiều cuối tuần, bến tàu Vân Đồn thật náo nhiệt, đông đúc, trong đó có nhiều vị khách đang háo hức và nóng lòng được đặt chân lên huyện đảo Cô Tô. Chiếc tàu cao tốc Mạnh Quang 10 tuyến Vân Đồn – Cô Tô cách đây gần hai tháng đã phải tăng thêm hai lượt mỗi ngày để có thể đáp ứng đủ nhu cầu của du khách cũng như người dân từ đất liền ra đảo và ngược lại. Lượng khách tới đảo ngày càng tăng cho nên ngay đầu hè 2012, chính quyền địa phương phải bố trí thêm hai chuyến tàu gỗ phục vụ vận chuyển khách trong ngày. Trên chuyến tàu cao tốc hôm đó, có khoảng 150 hành khách, dù họ đến từ rất nhiều vùng, miền của Tổ quốc nhưng đều có chung một mục đích, muốn khám phá và được hòa mình với thiên nhiên, đất trời hoang sơ, thanh khiết. Sau khoảng giờ rưỡi đồng hồ ngắm nhìn cảnh đẹp giao hòa giữa trời và nước mênh mang, Cô Tô hiện dần lên. Ngay đầu cầu cảng, những chiếc xe điện giá rẻ đã chờ sẵn, sẵn sàng đưa du khách tới tận nhà nghỉ và phục vụ khách đi tham quan quanh đảo. Đó cũng là nét mới ở Cô Tô mùa hè này. Du khách nào chưa tìm được chỗ nghỉ ngơi, sẽ được các bác tài giúp một cách tận tình. Nếu không đi xe điện, đội ngũ đông đảo các bác xe ôm sẵn sàng phục vụ những khách lẻ, không đi theo đoàn tìm nơi ăn nghỉ, với giá cả phải chăng. Cũng đầu mùa hè năm nay, huyện Cô Tô tăng cường ba ô-tô từ 15 đến 24 chỗ ngồi phục vụ chở khách, đồng thời nâng cao năng lực hệ thống nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn.
Thiên nhiên ban tặng Cô Tô những bãi tắm đẹp, dài hàng chục km, cát trắng mịn, còn hoang sơ hòa vào làn nước biển xanh trong như bãi Vàn Chảy nằm phía tây đảo, bãi Hồng Vàn nằm phía đông chạy dài hướng ra biển lớn. Khu Cầu Mỵ với những dải đá Pheralit, nơi lưu dấu rõ nét quần thể kiến tạo của tự nhiên tạo nên khung cảnh hấp dẫn du khách khi đến nơi này… So với những vùng biển khác, cảnh quan của Cô Tô không bị tác động quá nhiều từ con người, nên vẫn giữ được môi trường trong lành. Chị Nguyễn Thanh Hà, nhân viên quản lý tua của Công ty du lịch Cánh buồm châu Á đang cùng đồng nghiệp sau hai ngày khảo sát tại đảo cho biết: Cô Tô có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Vì vậy, sau đợt khảo sát này, công ty sẽ hướng tới khai thác điểm đến này, tập trung nhiều vào khách dã ngoại và giải trí, và không chỉ phục vụ khách trong nước mà còn cả khách quốc tế.
Tiếng lành đồn xa, trong dịp 30-4, 1-5 vừa qua, khi lượng du khách quá đông, số lượng nhà nghỉ, nhà lưu trú không đáp ứng đủ nhu cầu, rất nhiều ô, dù, lều bạt căng dọc những bãi biển dài thẳng tắp, nhưng ai cũng hài lòng, bởi dù họ ở ngoài trời vài đêm liền cũng không hề xảy ra một sự cố an ninh, trật tự nào. Sự cố gắng của chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương đã thu lại những “trái ngọt” đầu mùa. Nếu như năm 2010, hơn năm nghìn du khách đến đảo, thì năm 2011, Cô Tô đã thu hút 11 nghìn du khách. Dự kiến mùa hè năm nay, con số này sẽ là 12 nghìn lượt du khách. Huyện đảo đang nỗ lực, quyết tâm phấn đấu đến năm 2015, đón khoảng 16 nghìn lượt khách, trong đó khoảng bốn, năm nghìn khách quốc tế. Bí thư Huyện ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nguyễn Đức Thành tỏ rõ quyết tâm biến hòn đảo này trở thành một “đảo hoa”, hấp dẫn ngày càng nhiều du khách. Bí thư Thành cho biết: Cô Tô được xác định phát triển thành khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia gắn với khu du lịch sinh thái biển đảo cao cấp Vân Đồn. Trong tương lai không xa, Cô Tô sẽ trở thành một trọng điểm du lịch trong quần thể du lịch Cát Bà – Hạ Long – Vân Đồn – Cô Tô – Móng Cái – Trà Cổ với nhiều loại hình du lịch, thể thao và vui chơi giải trí cả trên biển và các đảo.
Một tin vui đến với người dân trên đảo là vừa qua, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa Cô Tô vào danh sách một trong 10 đảo, cụm đảo trên lãnh thổ Việt Nam được lựa chọn để điều tra cơ bản là khu vực quan trọng trong việc quy hoạch khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, hải đảo. Cô Tô cũng là địa phương vừa được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch hệ thống điện lưới quốc gia và chỉ trong năm 2013 sẽ có điện lưới thông qua hệ thống cáp ngầm vượt biển trị giá hàng trăm tỷ đồng. Hiện nay, Cô Tô là huyện đảo duy nhất trong cả nước đang sở hữu ba cái nhất: 100% các hộ dân trên đảo có đầu thu tín hiệu truyền hình kỹ thuật số, 100% trẻ mầm non được hỗ trợ bữa ăn trưa ở trường, huyện có in-tơ-nét không dây miễn phí đầu tiên cả nước.
Phát triển du lịch cộng đồng
Để khai thác hiệu quả tiềm năng, đồng thời gìn giữ bản sắc văn hóa, trong đó có sự vào cuộc tích cực của người dân, Cô Tô đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng hướng tới bền vững với những dịch vụ hấp dẫn. Du khách sẽ được bố trí đến ở tại nhà dân, cùng trải nghiệm cuộc sống, tham gia đánh cá, câu mực…; tham gia các hoạt động tập thể, đốt lửa trại, hoạt động xã hội, tình nguyện trên địa bàn. Bắt đầu triển khai từ năm 2011, du lịch cộng đồng ngày càng được coi là thế mạnh của Cô Tô nhằm khắc phục những hạn chế về cơ sở vật chất trên đảo. Bước đầu, mỗi gia đình tham gia mô hình này được hỗ trợ từ năm đến 20 triệu đồng xây nhà vệ sinh mới đạt tiêu chuẩn, cải tạo nhà ở và mua đệm, chăn gối, quạt… Sau một năm triển khai, từ năm hộ dân tham gia, đến nay đã có gần 30 hộ, với khoảng 60 phòng, tập trung tại thôn Hải Tiến, xã Đồng Tiến. Chỉ với 120 nghìn đồng mỗi ngày, du khách có thể cùng ăn nghỉ và khám phá cuộc sống của người dân trên đảo.
Bà Bùi Thị Thu, thôn Đồng Tiến, một trong những hộ gia đình tham gia loại hình du lịch này chia sẻ: “Nhà tôi có ba phòng, sáu giường đón khách. Nhờ có dịch vụ này, gia đình tôi có thêm thu nhập, hơn nữa được giao lưu, trò chuyện với các đoàn khách, giúp đời sống tinh thần của gia đình tôi cũng như người dân trên đảo phong phú và bớt buồn tẻ”. Gia đình bà Thu hiện đang trồng mấy sào dưa bở, dưa hấu. Sản phẩm làm ra được tiêu thụ ngay cho khách du lịch. Noi gương bà Thu, các gia đình khác ban đầu tỏ ra dè dặt với dịch vụ lạ lẫm này, nay đã có ý thức hơn trong việc làm du lịch. Gia đình nào điều kiện phòng ốc không thể đón khách, có thể làm dịch vụ cho thuê xe máy, thuê lều, bạt hoặc làm hướng dẫn viên không chuyên, chở du khách bằng thuyền thăm đảo, đánh bắt cá, câu mực… Anh Nguyễn Minh Nhật, khách tới từ Hà Nội cho biết: “Trước khi ra Cô Tô, chúng tôi đã tìm kiếm thông tin trên in-tơ-nét hoặc qua những người đã từng tới đây. Nhưng chỉ khi đặt chân tới nơi này, mới thật sự cảm nhận sự tuyệt vời. Thiên nhiên kỳ thú, con người thân thiện, giá cả sinh hoạt hợp lý. Thích nhất là cảm giác tự đi chợ, cùng vào bếp nấu những món hải sản với chủ nhà. Mải đi chơi, khám phá thiên nhiên, quần áo thay ra, thậm chí còn được bác chủ nhà ưu ái giặt hộ. Nơi này thật lý tưởng cho những ai thích trải nghiệm, khám phá. Nhưng điều tôi lo lắng là vài năm nữa khi khách du lịch ngày càng đến nhiều hơn liệu nơi đây còn giữ được những nét hoang sơ như hiện tại không?”.
Sự lo lắng của anh Nhật không phải là không có lý. Đã có rất nhiều bài học từ nhiều vùng đất mới được khai phá đã mất dần đi vẻ đẹp hoang sơ khi có quá nhiều dấu chân và sự can thiệp thô bạo, thiếu ý thức giữ gìn của con người. Nhận thức sâu sắc điều này, chính quyền Cô Tô đã có nhiều chương trình hành động để vùng đất này thật sự trở thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, phát triển theo hướng bền vững. Trong đó, tập trung vận động nhân dân nêu cao ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên. Nhằm hạn chế việc chặt phá rừng, các đoàn thể của huyện vận động nhân dân chuyển từ đun nấu bằng củi sang sử dụng than bùn. Mỗi năm, ngân sách huyện hỗ trợ hơn một tỷ đồng bù cước vận chuyển than cho nhân dân. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc khai thác rong, khai thác cây cảnh, chặt phá rừng, sử dụng mìn, hóa chất khai thác hải sản. UBND huyện cũng chỉ đạo thành lập các tổ thu gom rác thải sinh hoạt ở các khu dân cư, rác thải ở các bãi biển, chuẩn bị tiến hành xử lý rác thải hằng ngày bằng thiết bị đốt tự sinh nhiệt thay cho việc chôn lấp rác thải như hiện nay.
Chia tay Cô Tô, tôi thầm mong sẽ gặp lại một Cô Tô phát triển hiện đại nhưng không đánh mất đi vẻ hoang sơ được thiên nhiên ưu đãi.

Poll
Ý kiến ()