“Danh thiếp sáng giá” của Quảng Tây
Đó là lời khẳng định của tờ Guangxi Daily trong một bài viết về Hội chợ ASEAN-Trung Quốc (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh về thương mại-đầu tư ASEAN-Trung Quốc (CABIS) được tổ chức thường niên ở TP Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.
Trung Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN. Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN-Trung Quốc năm 2002 và sau đó là những hiệp định về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư giữa hai bên được ký kết đã góp phần thiết lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA). Đây là khu vực mậu dịch tự do sớm nhất mà ASEAN thiết lập với một nước đối tác. Nằm ở phía Nam Trung Quốc, Quảng Tây có biên giới với Việt Nam phía Tây Nam (giáp các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh) và Vịnh Bắc Bộ phía Nam. “Mở cửa là đến được Việt Nam. Chỉ cần đi hai bước là đến được ASEAN”, Guangxi Daily cho biết.
Thấy rõ tầm quan trọng của Quảng Tây trong ACFTA, năm 2003, tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 7 ở Bali, Indonesia, đoàn Trung Quốc đề xuất tổ chức CAEXPO và CABIS hằng năm tại TP Nam Ninh và được lãnh đạo các nước ASEAN hoan nghênh, đồng thuận. Chỉ một năm sau đó, CAEXPO và CABIS lần thứ nhất diễn ra thành công trên mọi phương diện. Guangxi Daily khẳng định, từ đây, cơ hội phát triển mới cho Quảng Tây ngày càng rộng mở thông qua “kênh Nam Ninh” này.
Năm 2008, Trung Quốc phê duyệt thực hiện Quy hoạch phát triển Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây, cũng là tuyến đầu trong ACFTA. Điều này đánh dấu việc khai phát Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Khu kinh tế này không chỉ có ưu thế về vị trí địa lý, trở thành cửa ngõ, tuyến đầu và đầu mối quan trọng thúc đẩy hợp tác toàn diện Trung Quốc-ASEAN mà còn có vị trí và vai trò chiến lược không thể thay thế trong hợp tác khu vực, trong nước và quốc tế giữa Trung Quốc và ASEAN. Mặt khác, với cảng Vịnh Bắc Bộ là điểm tựa quan trọng, Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây cũng trở thành cực tăng trưởng cốt lõi dẫn dắt sự phát triển nhanh chóng của Quảng Tây. Theo thống kê của Guangxi Daily, cảng Vịnh Bắc Bộ nối liền tuyến vận tải hàng hóa với 75 cảng biển chính của ASEAN, với lượng hàng hóa thông quan tăng từ 33,5 triệu tấn của năm 2006 lên tới 370 triệu tấn vào năm ngoái đã lọt vào danh sách 10 cảng biển lớn nhất Trung Quốc.
Các doanh nghiệp Việt Nam trưng bày sản phẩm đồ gỗ tại Hội chợ ASEAN – Trung Quốc (CAEXPO) lần thứ 13, năm 2016. Ảnh: CGTN |
Guangxi Daily nhấn mạnh, nhờ đăng cai tổ chức CAEXPO và CABIS, bộ mặt kinh tế của Quảng Tây đang thay đổi nhanh chóng. Năm 2022, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) của địa phương này ghi nhận mức 2,63 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 36 tỷ USD), gấp tới 8 lần so với con số của năm 2004. Hiện có hơn 1.200 doanh nghiệp, tổ chức hợp tác và đầu tư song phương giữa Quảng Tây và ASEAN. Đặc biệt, trong các nước ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc cũng như Quảng Tây. Tổng kim ngạch thương mại năm ngoái giữa Việt Nam và Quảng Tây đạt 29,3 tỷ USD, chiếm 70% tổng kim ngạch thương mại giữa ASEAN với tỉnh này. Thời gian qua, Việt Nam cũng được đánh giá rất tích cực tham gia CAEXPO và CABIS để giới thiệu những sản phẩm đặc trưng và trao đổi, tìm kiếm tiềm năng hợp tác với các đối tác Trung Quốc cũng như ASEAN.
Bên cạnh đó, CAEXPO và CABIS còn là cầu nối giữa chính quyền Quảng Tây với ASEAN. Hằng năm, các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Quảng Tây đến thăm, trao đổi với lãnh đạo các nước ASEAN để tăng cường quan hệ ngoại giao cũng như thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương. Chính “kênh Nam Ninh” là một lựa chọn quan trọng cho ASEAN để hợp tác với Trung Quốc. Guangxi Daily dẫn chứng, trong tháng 3 và tháng 4 năm nay, đồng chí Lưu Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Đảng ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc đã tới Việt Nam, Singapore và Malaysia. Hiện 6 nước ASEAN gồm Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar và Malaysia đã thành lập Tổng lãnh sự quán tại Nam Ninh. Đồng thời, Quảng Tây có 59 cặp thành phố kết nghĩa với các nước ASEAN, nhiều nhất trên cả nước.
CAEXPO và CABIS đã được tổ chức thành công trong 19 lần liên tiếp kể từ năm 2004, qua đó đóng vai trò là nền tảng quan trọng nâng cao vị thế của Quảng Tây và thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Quảng Tây với ASEAN, cũng như giữa Trung Quốc với ASEAN. “Hai sự kiện trên là “tấm danh thiếp sáng giá” của Quảng Tây trong tổng thể mối quan hệ hợp tác Trung Quốc-ASEAN”, Guangxi Daily nhận định.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/danh-thiep-sang-gia-cua-quang-tay-742630
Ý kiến ()